Lạc mầm trên bãi nổi

22/10/2021 - 06:24

PNO - Tôi xa quê đã hơn hai mươi năm.Quê tôi giờ cũng đã thay đổi nhiều. Mỗi lần về quê, tôi vẫn thường nhắc đến món lạc mầm nhưng dì tôi bảo: “Xưa lắm rồi, giờ ai ăn món đó nữa!”. Vậy nên dù vẫn nhớ như in, vẫn thèm mùi vị quen thuộc ấy nhưng tôi chưa được thưởng thức lại.

Sau trận mưa rào mấy hôm, trên bãi đội lên những chỏm đất, lũ trẻ chúng tôi chạy vòng quanh, vừa chạy vừa đếm trong niềm háo hức xen lẫn vui sướng vì sắp được “thu hoạch” những giỏ lạc (đậu phộng) mầm. Chúng tôi vẫn gọi những cây lạc mầm ấy là “đội quân dưới lòng đất”.

Quê tôi, dải đất cuối của miền quê Nghệ An, nằm cạnh dòng sông Lam hiền hòa, trong xanh. Đất ở đây được bồi đắp phù sa nên hai bên bờ xanh mướt bởi những nương ngô. Ở giữa, nổi lên một bãi đất rộng, dài, người ta gọi bằng cái tên gợi nhớ đến nguồn gốc ra đời của nó: Bãi Nổi.

Bãi Nổi chủ yếu là đất pha cát thích hợp với trồng lạc. Lạc trồng ở đây rất ngon. Tôi thích nhất cái cảm giác mùa lạc ra hoa, cả Bãi Nổi như một tấm thảm màu xanh trải dài. Trên nền màu xanh ấy đính thêm những bông hoa vàng rực đầy sức sống. Mùa mà lũ trẻ chúng tôi háo hức nhất là mùa thu hoạch lạc. Chúng tôi vừa chăn trâu vừa tranh thủ mót những củ lạc còn sót.

Dù chủ nhà và cả những đứa trẻ chuyên đi mót lạc có bới kỹ đến đâu thì vẫn còn đâu đó những củ lạc bám chặt trong đất, nhất là những bụi lạc hủi (bị khô và héo cả thân lẫn lá trước khi thu hoạch). Những củ lạc đó giấu mình trong đất, sau những trận mưa sẽ nảy mầm và đội đất nhô lên. Chúng tôi thả trâu rồi rủ nhau đi đào bới mầm lạc. Cứ chỗ nào đất nhô lên như hình cây nấm thì biết ngay dưới đó có mầm lạc đang chòi lên. Những đứa trẻ tinh khôn sẽ biết chọn cây lạc mầm vừa tách hạt, chưa ra lá thì mới ngon và phải nhổ thật khéo để không bị đứt, gãy. 

Cứ thế, lúc về đứa nhiều thì giỏ đầy, đứa ít thì được lưng giỏ. Cái cảm giác chiều muộn, bụng đang đói vắt, ngồi trên lưng trâu vặt vài ba cái mầm lạc cho vào miệng, vị béo, bùi, ngọt thấm từ lưỡi thấm xuống thật không gì bằng. Hồi đó, nhà tôi bữa ăn cũng chỉ toàn canh rau với cà muối.

Vậy nên hôm nào tôi đi nhổ được mầm lạc là nhà tôi được “đổi món”. Vẫn là giỏ mầm lạc tôi mang về mà mẹ tôi vừa xào, vừa luộc. Mầm lạc có sẵn dầu, lúc xào mẹ chỉ cho tí mỡ lợn thôi mà thơm lừng cả xóm. Thằng em tôi cứ bê bát chạy vòng quanh hỏi mẹ khi nào thì được ăn. Cha tôi có bệnh nên quanh năm ông chỉ ăn rau luộc. Mẹ để ý luộc một đĩa lạc mầm nhỏ cho cha.

Hôm nào tôi kiếm được nhiều mẹ còn sáng kiến muối lạc mầm kiểu như muối dưa, ăn giòn, ngon và rất tốn cơm. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bên mâm cơm có đĩa lạc mầm, cha rót chén rượu gạo hạt mít nhấp một hơi rồi khà một tiếng rất khoái chí. Mẹ thấy vậy liền đùa: Cứ hôm nào cha bây “khà” là hôm đó cơm ngon. Nhà tôi nghèo nhưng những bữa ăn luôn rộn ràng, vui vẻ. 

Anh em tôi cứ thế lớn lên giữa vùng quê gió Lào bỏng rát, bữa ăn hằng ngày chẳng mấy khi có thịt cá, chủ yếu là rau dưa, tương cà. Ấy vậy mà đứa nào đứa nấy khỏe mạnh, phổng phao. Có lần, bác họ tôi ở ngoài phố về chơi. Nhìn mấy anh em tôi, bác hỏi mẹ: “Cô chú nuôi con kiểu gì mà mát tay thế? Rồi bác kể, con bác ở ngoài phố cho ăn đủ thứ bổ dưỡng mà còi cọc, ốm vặt suốt. Bữa đó, ngoài đĩa thịt gà, mẹ có thêm đĩa lạc mầm muối mời khách. Đang ăn, mẹ chỉ xuống đĩa lạc mầm cười bảo: “Đây bác, cả tháng nay có mỗi món này thôi, cứ hết xào lại luộc rồi muối dưa, thêm bát canh, mấy quả cà mà mỗi bữa hai đứa cứ phải “đánh” ba bát cơm đầy”. 

Tôi xa quê đã hơn hai mươi năm. Quê tôi giờ cũng đã thay đổi nhiều. Mỗi lần về quê, tôi vẫn thường nhắc đến món lạc mầm nhưng dì tôi bảo: “Xưa lắm rồi, giờ ai ăn món đó nữa!”. Vậy nên dù vẫn nhớ như in, vẫn thèm mùi vị quen thuộc ấy nhưng tôi chưa được thưởng thức lại.

Khi thành phố giãn cách, việc đi lại hạn chế tối đa, kể cả đi chợ, tôi ủ giá đỗ làm rau theo cách truyền thống mà ngày xưa mẹ vẫn làm. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi: Sao không thử ủ lạc mầm nhỉ! Tôi lên mạng search công thức rồi lọ mọ làm theo với biết bao hào hứng. Rồi tôi cũng có những mầm lạc đầu tiên. Nhưng khi thưởng thức, tôi lại không có được những xúc cảm, dư vị như ngày xưa khi ăn những món lạc mầm mẹ nấu từ giỏ lạc mà tôi cặm cụi đào bới trên bãi bồi của dòng sông quê hương.

Có lẽ, trong cuộc sống này có những thứ chỉ thuộc về một nơi, một cung thời gian nào đó mà nếu tách rời ra sẽ không còn nguyên vẹn ý nghĩa. Và quê hương không phải chỉ là những điều lớn lao mà còn là nơi chứa đựng những ký ức nhỏ bé mà thân thương, nơi chân ta có thể rời đi nhưng tim ta vẫn mãi ở đó.  

Thu Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI