edf40wrjww2tblPage:Content
Trưởng bản Phú A Sì xót xa khi nói về số trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong bản mỗi năm một tăng lên. “Mình đau lòng vì đàn ông trong bản cứ bỗng dưng chết đi một cách bí ẩn, còn đàn bà thì sợ cái chết đến với mình nên bỏ lại tất cả để thoát thân. Họ không mang theo thứ gì của Sín Chải, kể cả lũ trẻ này”.
Trưởng bản ngồi với trẻ mồ côi ở Sín Chải
Như bầy sói hoang
Trong 28 hộ dân ở Sín Chải, 13 người đàn ông đã chết, sáu người đàn bà sau khi chồng chết đã bỏ đi biệt tích. Chuyện ở bản Sín Chải khiến chúng tôi nghẹn đắng. Chiều xuống càng nhiều sương, bản chìm dần vào cô tịch. Nỗi sợ, sự ám ảnh như mũi kim chạy dọc qua sống lưng. Trên đường đi, chúng tôi gặp những đứa bé chân trần bước trên đá nhọn, bật máu. Nước mắt hòa trong nước mũi, chúng ngơ ngác nhìn những người khách. Có đứa mặc duy nhất một chiếc áo khoác cũ mèm, mất khóa.
Thấy tôi loay hoay chụp ảnh khi nó đang ăn một quả hồng xanh chát lè, đứa bé đờ ra, những miếng hồng nhai dở còn nguyên trong mồm, nhựa hồng chảy xuống cái bụng ỏng, ướt luôn cả chiếc quần cụt quăn queo, “dép” chính là một lớp da chân đã dày lên cùng tuổi đời của nó. Ông trưởng bản phân trần: “Cái nghèo đeo bám đời sống bà con từ đời này sang đời khác. Nhiều nhà, ăn không đủ no, lấy tiền đâu mà mua giày, dép, quần áo mới cho con? Thế là ở Sín Chải, trẻ con sinh ra buộc phải tự thích nghi với hoàn cảnh, đói, no, sướng, khổ có lẽ chúng cũng không cần quan tâm nhiều nữa. Bởi thế, chúng không có ước mơ hay nhu cầu gì lớn hơn chuyện sống qua ngày…”.
Một ngôi nhà lụp xụp, nằm chênh vênh bên sườn núi, giống hệt túp lều canh nương. Không ai hình dung nổi, đó lại chính là nơi trú ngụ của năm đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Thằng anh cả tên là Sần Mờ Be chưa đầy 16 tuổi đã phải lao vào cuộc mưu sinh để nuôi bốn đứa em nhỏ. Trước khi Be rời Sín Chải, nó chẳng để lại gì ngoài lời căn dặn đứa em kế tiếp tên Sần Mờ Bia - 14 tuổi phải lo toan, quán xuyến gia đình để anh đi kiếm tiền về mua gạo. Mờ Bia bảo: “Anh Be đi được hơn nửa năm rồi mà vẫn chưa thấy về. Anh cũng không gửi được cái gì về để nuôi các em. Nhà nước thấy chúng em khổ quá nên đã giúp mỗi đứa 150.000đ mỗi tháng, để tụi em không bị chết đói. Em rất mong Sần Mờ Be trở về, có tiền để dựng lại mái nhà. Mỗi lần gió to, em sợ mái nhà sập xuống thì chết mấy đứa em còn chưa kịp biết gì…”. Sần Mờ Bia nhìn đàn em nhỏ, mắt ngân ngấn nước.
Ngôi nhà lụp xụp của lũ trẻ với vách nhà là những thanh tre đan lại, gió luồn qua khe hở, rít lên thành tiếng. Quanh bếp lửa, tối đến, chúng cuộn lại như bầy sói, ngủ chen chúc nhau trên những bao tải quần áo cũ. Nhà chúng từng có những tấm bạt dứa dùng để chắn gió đông, nhưng từ khi bố mẹ và anh Mờ Be “ra đi”, những tấm bạt cũng đã rách bươm mất rồi. Tôi hỏi Sần Mờ Bia: “Cháu có mong đến một ngày nào đó mẹ cháu sẽ trở về không?”. Sần Mờ Bia khe khẽ lắc đầu, nói: “Mẹ cháu sẽ không về đâu, nghe người ta nói, mẹ cháu đã lấy chồng khác, cũng có những đứa con như tụi cháu thế này rồi. Nếu mẹ cháu trở về, sẽ có những đứa trẻ khác lại mồ côi như chúng cháu, khổ lắm cô ơi!”. Câu trả lời của Sần Mờ Bia làm tôi giật mình. Bản năng sinh tồn đã biến nó thành một người lớn, lo toan thường trực hiện lên trong mọi cái nhìn của nó về cuộc đời…
Những đứa trẻ ở Sín Chải không có mơ ước gì lớn hơn chuyện sống được qua ngày
Sống trong chờ đợi
Trưởng bản Phú A Sì buồn bảo: “Xã biết nhà Sần Mờ Bia là khổ nhất bản, nên cũng nhờ sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm để dựng lại ngôi nhà mới an toàn hơn. Nhưng có khó khăn gì đó nên họ bảo phải chờ, thì cứ chờ như vậy thôi chứ biết phải làm sao”. Phú A Sì đưa chúng tôi đến một ngôi nhà khác. Nơi đây, dẫu không phải thuộc diện sắp đổ như nhà Sần Mờ Bia, nhưng cảnh nghèo đói thì giống hệt nhau.
Anh em Lý Suy Da 15 tuổi, Lý Suy Be, Lý Chu Suy cũng mồ côi từ lúc đứa em út Lý Chu Suy vẫn còn đỏ hỏn. Bố chúng vừa chết, mồ chưa xanh cỏ, mẹ đã vội vã bỏ đi lấy chồng, như thể muốn rũ bỏ hết những thứ liên quan đến Sín Chải và quên luôn những giọt máu của mình. Ba anh em Lý Suy Da sống cùng gia đình người chú ruột, ông cũng đang mắc bệnh nặng giống hệt cha đẻ của Lý Suy Da. Tôi hỏi nó: “Cháu làm gì để nuôi các em mình?”.
Nó đáp: “Cháu không biết. Cháu chỉ nghĩ mình phải sống để nuôi các em lớn lên thôi chứ không nghĩ gì cả”. “Cháu có chờ đợi một ngày nào đó mẹ sẽ về đón các cháu đi cùng không?”. Suy Da trả lời: “Cháu không chờ, vì biết là chờ cũng chẳng được đâu”. Nhưng khi nói xong, mặt Suy Da chợt buồn rầu. Mắt nó ầng ậc nước, khiến tôi cũng muốn khóc theo. Tôi không biết, bằng nghị lực nào Suy Da vượt qua khó khăn để nuôi các em mình khôn lớn trong những năm qua?
Với chính quyền địa phương, sự bất thường về tuổi thọ của người dân Sín Chải cũng là điều mà họ trăn trở từ năm này sang năm khác. Ông Tẩn Sài Chiêu - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Pung cho biết: “Khi chẳng biết lý giải những cái chết bất thường kia thế nào, người dân mới đồn đại nhau về con thú hung ác thường về bản bắt người ăn thịt ở trên một ngọn núi cao trước bản Sín Chải. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền cho bà con hiểu, không nên tin vào những điều vu vơ, chẳng có căn cứ gì. Mặt khác, đàn ông Sín Chải nghiện rượu rất nhiều, có những người chết vì rượu chứ cũng không hẳn là do bị nhiễm phóng xạ như họ đang nghĩ đâu. Chuyện có liên quan đến những biểu hiện bất thường đã được nghiên cứu, chúng tôi mong nhận được một câu trả lời chính thức của cơ quan có trách nhiệm. Nhưng hết đoàn này đến đoàn kia lên đây, lấy mẫu nghiên cứu rồi mà cũng có đưa ra được cái kết nào rõ ràng đâu? Trước mắt chúng tôi chỉ có thể kêu gọi hỗ trợ cho những đứa trẻ mồ côi 150.000đ/tháng và đảm bảo tất cả các cháu đến trường, nhưng với khoản tiền ít ỏi như thế, tiết kiệm lắm cũng chẳng đủ gạo ăn”.
Lo lắng của những người có trách nhiệm đã tồn tại nhiều năm qua cùng với sự mất mát, thiệt thòi không đong đếm được của người dân Sín Chải. Nhìn những phận người, nhất là những trẻ thơ sống như bị đày đọa trong những mái nhà lạnh lẽo, xiêu vẹo trên núi cao, ngủ trên những bao tải rách, cả năm chẳng biết đến miếng thịt là gì, chúng tôi quặn lòng nghĩ: sẽ quay trở lại đây, làm điều gì đó cho bọn trẻ, ít nhất manh áo mới, cái quần ấm hay đôi dép mới…
Rời Sín Chải, chúng tôi trở về thủ đô, mang theo lời khẩn cầu của nhiều trẻ em mồ côi, những người đàn ông, đàn bà đã nhiều năm sống khắc khoải trong nỗi sợ cái chết đến gần. Hiện, chúng tôi đang chờ được xếp lịch làm việc với người có trách nhiệm đã từng lên Sín Chải nghiên cứu về phóng xạ…
THU TRANG