PNO - PN - Sín Chải là một bản nhỏ xinh đẹp của người Hà Nhì, thuộc xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đến bản, phải đi qua con đường khoảng 40km nguy hiểm, bởi người ta mới chỉ nổ mìn phá núi rồi để đó từ nhiều năm nay....
edf40wrjww2tblPage:Content
Chuyện buồn ở bản mù sương
Phú A Sì nói tiếng phổ thông rất giỏi nên được bầu làm trưởng bản. Phú A Sì có sức vóc, nhanh nhẹn hơn nhiều đàn ông ở Sín Chải. Phú A Sì nói: “Bản Sín Chải lạ lắm, đàn ông sống được đến 55 tuổi đã được coi là thượng thọ rồi. Hàng năm, cứ đều đặn gần chục người “ra đi” mà chẳng ai biết mình chết vì căn bệnh gì. Nhưng mình tin, dân Sín Chải chết không phải vì rượu như người ta thường nói, mà họ chết vì vùng đất này bị nhiễm phóng xạ. Có nhiều lần mình nghe người miền xuôi lên đây công tác nói trong đất có chất uranium độc hại lắm. Người uống nước, hít khí trời ở đây lâu năm sẽ bị chết vì bệnh ung thư. Năm nào cũng có nhiều đoàn lên đây đào bới để lấy mẫu đất mang về xuôi nghiên cứu. Nhưng năm nào, những cái chết trẻ của đàn ông trong bản cũng vẫn cứ xảy ra. Mình không biết làm trưởng bản và còn sống được bao lâu nữa. Chẳng biết lúc nào thì thần chết đến “bắt” mình phải đi”.
Phải mất một lúc để trấn tĩnh, sau khi tự khơi dậy mối lo lắng trong lòng, Phú A Sì chỉ cho chúng tôi thấy một ngọn núi cao hơn Sín Chải, nói: “Còn có một chuyện liên quan đến truyền thuyết của người Hà Nhì ở Sín Chải này, ở đằng kia, ngọn núi án ngữ trước bản ấy, nếu cán bộ nhìn thật kỹ sẽ thấy tảng đá khổng lồ, có hình thù một con thú dữ trợn mắt, nhe răng như muốn ăn sống, nuốt tươi người dân Sín Chải. Trước đây, cả bản này hễ có người chết trẻ, họ lại đổ cho con thú dữ ấy chính là thủ phạm. Con thú đó hóa thành tinh nên hung ác lắm. Mỗi khi nó thức dậy là đàn ông và trẻ nhỏ đều chết yểu.
Đã có lần, người dân tụ nhau lại, mua thuốc nổ cõng lên tận đỉnh núi để giết con thú ấy. Họ cài mìn xung quanh ngọn núi đó rồi châm ngòi đốt cho nó nổ tung quả núi. Tuy không phá nổi nhưng hình thù của con thú ấy cũng bị biến dạng, mất đi một mảng. Dân Sín Chải từng mổ lợn cúng tạ ơn trời đất, ăn mừng vì từ nay đã giết được con thú hoang, nó sẽ không về bản bắt người đi nữa… Thế nhưng cán bộ thấy đấy, chuyện về những cái chết vẫn bám lấy bà con Sín Chải. Mình vẫn thường nói với người dân Sín Chải, bây giờ bà con được học hành, phải khôn hơn chứ, tin vào ma quỷ làm gì? Hơn nữa, nhiều đoàn cán bộ miền xuôi lên đây nghiên cứu, họ nói do đất bị nhiễm độc phóng xạ đấy thôi…”.
Những đứa trẻ mồ côi ở Sín Chải
Những mảnh đời khốn khó
Câu chuyện về sự “ra đi” bất thường của rất nhiều người dân Sín Chải xảy ra trong suốt những năm qua, khiến dân chúng ở đây sống trong lo âu. Sự mỏi mệt ấy thường trực trên những gương mặt ám khói, đôi mắt vàng ệch, làn da xanh xao của họ. Sống trong sự khắc khoải lâu dần cũng thành quen, chờ đợi từ đời này sang đời khác có lẽ đã trở thành bản năng thường trực trong mỗi con người được sinh ra ở Sín Chải. Tôi thấy những ánh nhìn trẻ thơ cũng có cái gì đó đau khổ và cam chịu…
Trong tay những cán bộ xã Nậm Pung không có bất cứ tài liệu nào để giải thích về những cái chết bất thường bao lâu nay ở Sín Chải. Họ cũng giống như Phú A Sì, chỉ biết trông đợi vào kết quả nghiên cứu được công bố của các cơ quan chức năng. Các nhà khoa học có lẽ... bận quá nhiều việc nên đã quên mất ở Sín Chải, có những con người đang ngày đêm khắc khoải chờ đợi một điều kỳ diệu xảy ra. Họ không muốn tiếp tục chết, khi chưa kịp đi hết nửa đời người.
Phú A Sì vác xẻng xỉa xuống đất, một lớp đất đen trên bề mặt được hất tung lên. Bên dưới lớp đất đó, lộ ra những vỉa đất màu trắng tinh như vôi. Loại đất này xốp, mềm như bột xay, người ta chỉ tìm thấy ở Sín Chải. Có lần Phú A Sì đã xem người ta bốc đất cho vào chậu nước, nó tan ra như vôi nên dân Sín Chải bảo nhau hòa đất làm nước vôi sơn vách đất nhà mình. “Có nhiều đêm, người dân Sín Chải còn tận mắt thấy có cột lửa sáng rực, từ lòng đất phụt thẳng lên. Sau này có nhiều nhà xem ti vi, thấy người ta bắn pháo hoa giống y như cột lửa ấy, bèn báo với chính quyền sở tại. Hiện tượng phóng lửa này hay xảy ra vào ban đêm. Có lúc ngọn lửa bắn cao lên ngang ngọn tre, nhưng mấy năm nay tự dưng ít hẳn” - Phú A Sì nói.
Dân Sín Chải 100% là người Hà Nhì. Phong tục, tập quán của người Hà Nhì là nhà cửa thường cất dựng trên những vách núi cheo leo. Đàn ông Hà Nhì làm những việc lớn như dựng nhà, làm nương, phát rẫy, việc còn lại là của đàn bà. Nhìn vóc dáng ngôi nhà bề thế hay không, có thể đoán được khả năng của người đàn ông trong gia đình ấy. Đống củi xếp ở chái nhà, to hay không, có thể hiểu được người phụ nữ đảm đang thế nào. Nhưng ở Sín Chải, chẳng thể kiếm ra một ngôi nhà nào bề thế; cái đói, cái nghèo đã vây hãm đời sống đồng bào nơi này kể từ khi cái chết gõ cửa từng nhà.
Theo lãnh đạo xã Nậm Pung, đàn ông ở Sín Chải yếu ớt nhất trong số những địa phương còn lại của xã, 100% số hộ dân trong bản đều thuộc diện đói, nghèo. Hàng chục năm nay, đàn ông đang tuổi tráng niên vạm vỡ bỗng dưng yếu dần đi, sống dật dờ như bóng ma trong bản và chờ thần chết đến gõ cửa… Nhưng đàn bà, cá biệt có những người thọ đến ngoài 70 tuổi. Điều khiến chính quyền địa phương trăn trở nhất hiện nay là đời sống của hàng chục đứa trẻ mồ côi trong bản. Các cháu đang sống vất vưởng trong những ngôi nhà tạm lụp xụp. Nhiều nhà đong ăn từng bữa, thời gian thiếu đói có năm kéo dài từ ba đến sáu tháng, họ không còn cách nào khác ngoài sự trông đợi vào lương thực cứu trợ của nhà nước.
Trời về chiều, trên núi mỗi lúc một lạnh hơn, đã đến lúc trẻ con theo người lớn đi nương, lục tục trở về bản. Chúng tôi đắng lòng nhìn những đôi chân trần lem luốc, có đứa tập tễnh đến gần tôi với đôi chân tóe máu. Máu thấm xuống đất, chuyển thành máu đen theo bước chân của nó. Phú A Sì đã đi tìm đủ 16 đứa trẻ mồ côi ra ngồi trước chúng tôi. Những đứa trẻ với đôi mắt tròn xoe ngơ ngác, sống lạc lõng giữa cuộc đời mà chẳng dám nghĩ đến tương lai…
Làm nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích.