Lạc lõng

08/04/2014 - 11:13

PNO - PN - Người dân Quảng Nam vẫn chưa hết bàng hoàng về cuộc truy sát đến cùng của Nguyễn Thị Thúy Linh (19 tuổi) đối với Nguyễn Quốc Việt (26 tuổi) vì anh này ăn cắp điện thoại.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đông đảo người dân đã đến dự phiên tòa lưu động xét xử vụ án giết người này tại UBND xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, Quảng Nam hôm 26/3. Nhiều người đồng tình với mức án chung thân cho kẻ thủ ác. Bên cạnh đó, phiên tòa còn để lại trong lòng người tham dự một câu chuyện khác.

Sau khi bị cáo Linh tỏ thái độ hợp tác, phần xét hỏi nhanh chóng chuyển sang bà Phạm Thị Đại - mẹ Linh, với vai trò người làm chứng. Khi anh Việt vừa rời khỏi bàn nhậu nhà bà Đại hôm 19/9/2013, gia đình phát hiện bị mất điện thoại. Nghi ngờ Việt đánh cắp điện thoại, Linh tức giận cầm dao đi tìm. Bà Đại đi cùng con, “áp giải” kẻ tình nghi về nhà mình. Tại đây, Việt thừa nhận đã ăn cắp. Linh nói: “Mày không đáng sống đâu” rồi đâm Việt hai nhát trước mắt bà Đại. Việt chạy thoát, Linh chạy theo, rồi đoạt mạng kẻ cắp bằng một nhát dao trúng ngực. Khi được hỏi: “Sao thấy Linh đâm Việt hai nhát mà không can ngăn, lại để Linh tiếp tục cầm dao đi tìm Việt?”. Bà Đại yếu ớt: “Có la mà nó không nghe”. Vị chủ tọa nghiêm giọng: “Là người lớn, bà thừa hiểu đâm người là phạm pháp. Nếu bà kịp thời can ngăn, Việt đã không chết”. Người mẹ này im lặng, cúi đầu.

Lac long

Thúy Linh ngơ ngác trước vành móng ngưạ

“Lẽ ra…”, “Nếu mà…”, “Tại sao không…?”, những câu hỏi được nhắc đi nhắc lại của Hội đồng xét xử không chỉ để trách móc, mà còn nói lên sự nuối tiếc đến phẫn nộ về một bi kịch lẽ ra đã không xảy ra. Yếu ớt thừa nhận “có la mà nó không nghe”, bà Đại làm người ta hiểu sự khuyên can này chỉ để “lấy lệ” chứ không xuất phát từ ý muốn quyết liệt của một người mẹ. Nếu yêu thương và kính trọng mẹ, con gái bà đã không ngang nhiên gây tội trước mặt mẹ mình.

Cũng tiếc nuối, phẫn nộ, nhưng tôi không chắc rằng nếu một người nào khác đứng vào vị trí và tâm thế của bà Đại, thì mọi chuyện sẽ tốt hơn. Bởi đứng đó, trong phút ấy, là một người mẹ bất lực, mà điều này xuất phát từ những sai lầm đã có từ trước, trong một gia đình mà “trên nói dưới không nghe”, hoặc, chẳng có kẻ nói người nghe. Theo lời người dân thôn Phú Nguyên, xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, nhậu nhẹt, đàn đúm rồi cãi vã, thậm chí ẩu đả, cầm dao dọa giết nhau là chuyện thường thấy ở ngôi nhà có người mẹ và hai con gái này. Trong bàn nhậu, mẹ con trở thành ngang hàng. Dường như, khi ý thức được sự vô ích của lời khuyên can, người mẹ cũng không quá tha thiết với vai trò của mình nữa, nên “la mà nó không nghe”, thì thôi. Những thất bại này dần dẫn đến tâm lý phó mặc, cha mẹ dần trở nên vô cảm, và có phần thấy mình “vô can” trước chuyện của con. Cha mẹ từ bỏ việc hiểu và răn dạy, sợi dây gắn kết từ đó đứt lìa, con họ chẳng chút ràng buộc, cứ thế mà hành xử sai trái.

***

Thấy Linh sợ hãi, bơ vơ trong giờ nghị án, có người gợi ý bà Đại lại với con, nhưng bà chỉ dè dặt đứng nhìn. Một số người dự phiên tòa tỏ ra bất bình với cách ứng xử của bà Đại, khi sự vô cảm đến phút cuối cũng không từ bỏ bà. Có lẽ, sự phó mặc của bà đã làm cho Linh cảm thấy bơ vơ, lạc lõng trong thời gian dài trước đó.

Trong cái phút lầm lạc ấy, trong cô gái trẻ có mẹ mà cũng như không - không gì ngăn cản và chẳng có ai để nể vì - không chỉ là sai trái, mà còn là nỗi bất hạnh của một đứa con.

 MINH TRÂM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI