|
Một góc phố yên bình trên đường từ nhà thờ St. Stephen ra bờ sông Danube |
Bạn tôi hỏi “Vienna thế nào?”, tôi nhắm mắt lại để xem hình ảnh nào của thủ đô nước Áo hiện lên đầu tiên trong tâm trí. À, đó là cuộc diễu hành ủng hộ cộng đồng LGBTQI+ có sự tham gia của cả xe nôi và xe rơ moóc, là Volksgarten với hàng ngàn bụi hồng đủ chủng loại, là nhà thờ St. Stephen với phần mái nhiều hoa văn rực rỡ và chàng họa sĩ đường phố đang đắm chìm trong bức tranh còn dang dở bên dòng sông Danube…
Lần đầu tiên đến Vienna vào mùa hè năm 2019, tôi không thăm thú được là bao, vì trót ham vui, theo chân cô bạn mới quen khám phá những hộp đêm dành cho sinh viên. Nhưng, cuộc đời thật rộng lượng khi cho tôi cơ hội thứ hai, để tôi biết rằng Vienna có nhiều điều thú vị hơn không khí ồn ã của những hộp đêm năm nào.
Từ Budapest, gia đình tôi bắt một chuyến tàu đến Vienna. Đầu hè, những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực và những cối xay gió khổng lồ 2 bên đường khiến khoảng thời gian hai tiếng rưỡi ngồi tàu dường như ngắn lại.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đứng giữa Vienna Central Station đông đúc, nhộn nhịp. Chúng tôi cứ thế đi qua những địa điểm cả nổi tiếng lẫn vô danh ở Vienna.
Volksgarten dành cho tất cả
|
Chàng họa sĩ đắm chìm trong bức vẽ của mình trên một bức tường bên bờ sông Danube |
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Maria-Theresien-Platz - khu quảng trường rộng lớn phía trước Bảo tàng Nghệ thuật Vienna. Một bầu không khí náo nhiệt và tràn ngập sắc màu bao trùm ngay khi chúng tôi vừa bước xuống khỏi tàu điện. Thì ra chúng tôi đến đây đúng vào dịp tuần hành ủng hộ cộng đồng LGBTQI+. Thực ra chúng tôi đã chứng kiến nhiều sự kiện tương tự ở những thành phố khác trên thế giới nhưng đây là lần đầu tiên được thấy diễu hành bằng rơ moóc, xe đạp và cả xe nôi.
Từ khu quảng trường này, đi bộ chừng 5 phút là tới cổng vào Volksgarten (tên tiếng Anh: People’s Garden, tạm dịch: Vườn nhân dân), là một phần của Hofburg Palace. Khu vườn được xây dựng trên phần di tích của một công sự thành phố từng bị hủy hoại bởi quân đội của hoàng đế Napoleon vào năm 1809. Ban đầu, nơi đây được thiết kế như một khu vườn riêng dành cho hoàng tử nhưng từ năm 1823, Volksgarten bắt đầu mở cửa cho công chúng tham quan đến ngày nay. Vào thế kỷ thứ XIX, đây là một địa danh nổi tiếng, nơi diễn ra những buổi vũ hội của nhà soạn nhạc tài ba Joseph Lanner và Johann Strauss II. Theo một số tài liệu, 2 ông chính là cha đẻ của điệu waltz kiểu Vienna trứ danh.
Không quá lời khi nói Volksgarten là điểm đến dành cho tất cả mọi người - nơi trẻ con háo hức chạy đuổi chim và ngắm vịt trong những hồ nước, nam nữ thanh niên trải bạt ngồi dưới gốc cây dẻ dại chuyện trò rôm rả còn người già ngồi thong dong dưới nắng ngắm hoa nở, mây bay.
Tôi cố ngắm nghía cho bằng hết 3.000 bụi hồng thuộc 400 giống khác nhau, có loại vươn cao quá đầu người, hoa nở trĩu cành; có loại thấp lúp xúp, được trồng quây quần thành từng cụm đồng màu đẹp mắt.
Nhà thờ St. Stephen và khoảnh khắc định mệnh của Beethoven
|
Một cỗ xe ngựa đang chờ khách trước nhà thờ St. Stephen |
St. Stephen Cathedral là một nhà thờ cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ XII tại vị trí được cho là một nghĩa trang La Mã cổ đại. Nhiều thế kỷ trôi qua, công trình này đã chứng kiến bao biến thiên của lịch sử và bản thân nó cũng nhiều lần bị hủy hoại rồi tái sinh.
Nhà thờ hiện tại du khách nhìn thấy là sự kết hợp giữa kiến trúc Roman và Gothic, dễ dàng được nhìn thấy từ xa nhờ 230.000 viên gạch men và hoa văn rực rỡ trên mái.
Nhà thờ có 2 tòa tháp cao nổi bật. Với chiều cao 137 mét, tháp Nam có thể được nhìn thấy ở hầu hết những vị trí khác nhau trong khắp thành phố.
Trong khi đó, tòa tháp phía Bắc là nơi treo Pummerin - chiếc chuông tự do thuộc hàng lớn nhất châu Âu. Tương truyền chính tại nơi này, nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven đã nhận ra mình bị điếc khi ông nhìn thấy đàn chim vỗ cánh bay ra khỏi tòa tháp nhưng lại không thể nghe được tiếng chuông ngân.
|
Một chiếc xe rơ moóc trong đoàn diễu hành ủng hộ cộng đồng LGBTQI+ |
Không nhiều du khách chụp được những bức hình toàn cảnh nhà thờ St. Stephen phần vì chiều cao của những tòa tháp, phần vì khu vực này tương đối hẹp nhưng vô cùng sầm uất. Xung quanh nhà thờ là những con đường mua sắm nhộn nhịp, từ thế giới hàng hiệu xa xỉ đến những món đồ lưu niệm “made in China”. Tôi mê mẩn mấy chiếc túi vải bé xinh theo phong cách cổ điển dùng để đựng tiền xu, trên có đóng mác “sản phẩm Đức”.
Từ nhà thờ, đi bộ chừng 5 phút là tới sông Danube. Bờ tường ở khu vực này được phủ kín bởi những bức vẽ đủ mọi trường phái, khiến cả con đường dọc bờ sông lộng gió trông tươi mới và đầy sức sống. Đi một đoạn, chúng tôi không thể không dừng lại ngắm nghía một anh chàng đang dở tay hoàn thành bức vẽ trên tường. Gia đình tôi, cả trẻ con lẫn người lớn, đều không giấu nổi những lời trầm trồ trước bức vẽ quá sống động nhưng có lẽ chàng họa sĩ trẻ không quan tâm bởi anh đang chìm đắm trong những đường nét mà mình đang tạo tác.
Ly bia Áo đưa đến một địa điểm ngoài lịch trình
|
Cafe Raimund - nhà hàng hơn trăm tuổi phục vụ các món ăn truyền thống của Áo |
Sau mấy bữa ăn uống đơn giản ở một quán nhỏ gần nơi ở, chúng tôi quyết định thử một nhà hàng mới, được nhiều du khách gợi ý. Đó là Cafe Raimund - một nhà hàng hơn trăm tuổi trang trí theo phong cách cổ điển cực kỳ ấn tượng, phục vụ các món ăn truyền thống của Áo. Tôi gọi một combo gồm xúp xương bò, Schnitzel (gà phủ bột chiên giòn), salad khoai tây được nêm nếm khá lạ với nước cốt chanh chua nhẹ và một lát bánh Sachertorte tráng miệng. Tất nhiên, tôi không bỏ qua cơ hội để thưởng thức bia Áo, nên đã háo hức gọi một ly Zipfer 500ml.
Zipfer là một trong những nhãn hiệu bia được ưa chuộng nhất ở Áo, hiện diện ở khoảng 30 quốc gia khác trên thế giới. Được biết một trong những bí quyết làm nên sự đặc biệt trong hương vị của Zipfer chính là công thức ủ bia truyền thống có nguồn gốc từ giữa thế kỷ thứ XIX, khi nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu đưa công nghệ và kỹ thuật hiện đại vào quá trình này.
Tôi không phải là một người sành bia nên đã bị hương thơm và vị dịu nhẹ đánh lừa. Tôi vừa thưởng thức phần Schnitzel thơm giòn vừa nhấm nháp ly Zipfer. Không ngờ chính ly bia tưởng nhẹ “đô” ấy đã khiến tôi phải vội vã nhảy khỏi tàu điện giữa đường vì đầu óc lâng lâng, cần tìm ngay một chỗ… ngả lưng.
Thật may, lần xuống tàu bất đắc dĩ đó giúp tôi phát hiện một công viên xanh mát ở Landstraße có tên Schweizergarten. Công viên rộng hơn 11 hecta, gồm những mặt hồ yên bình, vườn hồng, nhà hàng… Đặc biệt, đây là nơi đặt bức tượng nhà soạn nhạc thiên tài Fryderyk Franciszek Chopin, cũng là bức tượng đầu tiên của Chopin trên đất Áo.
Chiều ấy, khi đang nằm trên bãi cỏ xanh, dưới bóng mát của những cây thông trong Schweizergarten, tôi thầm cảm ơn cơn chếnh choáng vì ly bia Áo đã mang tôi đến một địa điểm thú vị không hề có trong lịch trình và cảm ơn cuộc đời đã rộng lượng cho tôi cơ hội đến Vienna lần thứ hai để tôi biết rằng thành phố này có nhiều điều tuyệt vời đến thế.
Bài và ảnh: Cúc t.