Lạc giữa phố người: Mênh mang nỗi buồn

19/06/2014 - 04:20

PNO - PNO - Những sai lầm của quá khứ phải chăng sẽ đeo đuổi con người cho đến hết cuộc đời cho dù họ có nỗ lực thay đổi, nỗ lực sống thật tốt với mong muốn có thể “trả nợ” hết cho quá khứ?

edf40wrjww2tblPage:Content

Có bao giờ mỗi người chợt hình dung mình sẽ ra sao khi phải bước những bước cô đơn, lạc lõng giữa dòng đời ồn ào, tấp nập?

Lac giua pho nguoi:	Menh mang noi buon
Như Phúc (ngồi) trở lại với sân khấu bằng một vai diễn khá “nặng ký”

Một người vợ nông nổi sống những phút ngoài vợ ngoài chồng, phá nát hạnh phúc của một gia đình khác. Khi sực tỉnh, chị “quay đầu vào bờ”, mong muốn sống cuộc đời yên bình của người vợ người mẹ. Nhưng những trận đòn ghen của chồng không chỉ trút lên đầu chị mà còn đổ vào đứa con gái bé bỏng mà anh luôn nghi ngờ không phải là giọt máu của mình.

Vì một phút nóng giận mết hết lý trí khi thấy chồng hành hạ con, chị đã lỡ tay giết chết chồng. Mãn hạn tù trở về với cuộc sống, chị cố gắng sống tốt, chuyên tâm vào những chuyến đi từ thiện, giúp đỡ tất cả mọi người. Những việc làm của chị đủ sức gieo cho những người trẻ niềm tin vào những điều tốt đẹp, về lòng bao dung, sự tha thứ… nhưng lại không thể trả lại cho chị một cuộc sống bình thường như mọi người.

Khá tròn trịa trong lần xuất hiện đầu tiên ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, Bùi Quốc Bảo trong vai trò, tác giả, đạo diễn của vở Lạc giữa phố người đã đủ sức chinh phục khán giả vốn được xem là những người rất “khó tính” của sân khấu thành phố.

Cuộc đời đẫm nước mắt tủi nhục, đau buồn của một người phụ nữ trót phạm sai lầm trong quá khứ được Bùi Quốc Bảo kể bằng giọng điệu không quá bi lụy. Những tiếng cười dí dỏm từ cách xây dựng tính cách nhân vật và tình huống kịch được đan xen một cách khéo léo, đủ để làm nhẹ bớt nỗi buồn nhưng không phá vỡ mạch kịch.

Một trong những điều khá thú vị của Lạc giữa phố người là tiết tấu khá nhanh - điều ít thấy ở những vở thuộc đề tài tâm lý xã hội. Xung đột kịch được đẩy ra từ rất sớm, những nút thắt cũng được mở dần không lâu sau đó. Không ít lần, khán giả cứ ngỡ mình đã đoán được diễn tiến tiếp theo, nhưng một chi tiết mới lại khéo léo được cài đặt để dẫn đắt đến một cái kết không như suy nghĩ của nhiều người. Một dấu chấm lửng để khán giả có thể tiếp tục “suy diễn” phần vĩ thanh theo ý muốn của mình nhưng vẫn cứ khiến người xem buồn đến nao lòng về cái cách con người cư xử với nhau trong cuộc sống. Lòng thù hận, sự cay nghiệt và bản chất ích kỷ có thể đẩy con người đến tận cùng của nỗi đau và sự tuyệt vọng, mặc cho họ cố sức giãy dụa, vẫy vùng.

Sân khấu trang trí đơn giản nhưng đẹp và bỗng như rộng hơn, sâu hơn với những ô cửa, những ngôi nhà được vẽ trên phông nền phía sau sân khấu. Bàn tay của đạo diễn không chỉ là cách sắp xếp tình huống, xử lý không gian,ánh sáng… mà còn là cách xử lý nhiều sáng tạo đối với những đạo cụ được đưa sân khấu, để cảnh trí, đạo cụ không đơn giản chỉ là trang trí. Chiếc máy may không chỉ để minh họa cho nghề may của Hạnh mà còn được sử dụng cho một lớp diễn đầy ắp tiếng cười của nhà thiết kế Sĩ Hoàng trong vai giang hồ Hai Thẹo. Hai bộ áo dài được nhân vật Hạnh may cho khách cũng được xử lý cho những lớp diễn lúc là ước mơ lãng mạn của đôi bạn trẻ về một lễ cưới ấp áp; khi là khát khao được nắm chặt tay nhau đi đến cuối con đường đời của Dũng và Hạnh…

Lạc giữa phố người ghi nhận sự trở lại của diễn viên Như Phúc với sân khấu kịch trong một vai diễn đa chiều và tâm lý khá phức tạp. Ngoại trừ đôi chỗ chưa thật tinh tế trong xử lý cách phát âm, nhấn nhá câu thoại , thì Lan của Như Phúc là một nét chấm phá đẹp và nhiều ấn tượng trong tổng thể “bức tranh” Lạc giữa phố người.

Lần xuất hiện thứ hai của nhà thiết kế Sĩ Hoàng trên sàn diễn kịch nói cũng mang lại cho khán giả nhiều bất ngờ thú vị và hoàn toàn khác biệt với hình ảnh một nhà thiết kế chững chạc, từ tốn, điềm đạm trong cuộc sống thường ngày. Từ đạo diễn An Khương (vở Trò chơi tham vọng) đến Hai Thẹo, NTK Sĩ Hoàng đã chứng minh ước mơ trở thành diễn viên sân khấu của anh cách đây hơn 30 năm không hề là viển vông. Không chỉ diễn xuất tự tin không thua kém diễn viên chuyên nghiệp, Hai Thẹo còn cho thấy NTK nổi tiếng này rất có duyên diễn hài.

Cũng không thể không nhắc đến Thắng của diễn viên trẻ Quốc Thịnh. Vai diễn không nhiều, nhưng mỗi lần xuất hiện, Quốc Thịnh luôn “mang theo” cho khán giả những tràng cười không dứt và cả những ấn tượng đẹp về một diễn viên hài với lối diễn tưng tửng, diễn như không diễn.

Bên cạnh NSƯT Thành Hội, những học trò của anh như Lương Duyên, Hoàng Vân Anh, Thế Hải, Nguyễn Long, Kim Phước… đều khẳng định nỗ lực và sự trưởng thành để dần thay thế những người đi trước, đảm nhận vai trò chủ động trên sân khấu.

Vở đang diễn tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh - 36 Lê Quý Đôn, Q.3.

THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI