Sài Gòn suốt tháng quanh năm nóng ấm. Nhưng với những người đã vào độ cuối đông của kiếp đời, phiêu bạt mưu sinh, đêm không nhà, ẩn thân trong những căn lều tạm bợ, không giường, không chăn chiếu, thì Sài Gòn có mùa đông, lạnh.
75 tuổi bán bánh tráng nướng tự nuôi thân
Tiếng chuông giục bà Nguyễn Thị Nhung (trọ ở P.16, Q.4) sửa soạn gánh bánh tráng, nhanh chân đến góc nhỏ quen thuộc của mình bên hông nhà thờ Xóm Chiếu. Đốm than hồng được nhen, không khí se lạnh cuối năm vừa được xua đi thì hơi nóng hầm hập đến. Tay khơi than quạt lửa, bà nói: “Nghề nướng bánh tráng có gì đâu vui, than nóng vào tim vào phổi. Nướng bánh bán từ năm 13 tuổi mà giờ đã 75, vẫn phải làm để nuôi thân chứ đâu ai nuôi mình. Mắt mờ chân yếu hết gánh nổi, phải thuê người chở ra đây ngồi bán”.
Bỗng có người đàn ông gầy gò trạc bốn mươi tuổi dừng xe đạp đối diện gánh bánh tráng, miệng lầm rầm nói gì không rõ, bà Nhung bấm tay ra hiệu ngồi im. Lát sau, người đàn ông đạp xe đi, bà nói: “Con trai tui đó. Nó bị tâm thần, đánh tui hoài. Tui sợ nó đánh cô luôn!”.
Bà kể : “Hồi nó học lớp 9, đang học giỏi lắm, viết chữ đẹp lắm không biết sao thi trượt, đổi tính cộc cằn, thô lỗ, rồi đốt hết tập vở, bằng cấp, bỏ đi mất biệt. Lâu lâu về lại ép buộc tôi bán nhà đưa tiền cho nó. Tôi mua nhà tiếp, nó lại về bắt bán, nếu không thì bị ăn đòn. Nó bệnh thì ít mà quậy thì nhiều”.
Giận con, bà xẵng giọng, nhưng trong lòng vẫn đọng tình mẫu tử. Biết con bệnh, bà nói ngọt, nhắc con uống thuốc, tắm rửa hay khi gió lùa, nghe con ho húng hắng trên gác phòng trọ, bà giục con mặc thêm áo, đắp mền, nhưng có khi nhận lời khó nghe từ con trai vọng xuống. Nhiều lần con trai trút giận lên bà, quăng ném bánh tráng vỡ tan tành, than văng tung tóe. Bánh bể hết, bà vừa gom bánh vừa khóc. Khi con lấy tiền, cụt vốn, gánh bánh tráng thì nhẹ hẫng còn lòng bà nặng trĩu gánh cơm áo, tiền thuê phòng trọ hàng tháng.
Có hôm rã rời, về nhà thấy con nấu cơm sẵn, chắc mẩm con đã tỉnh hoặc hối lỗi nên chăm sóc mẹ, nào ngờ cơm sống như gạo, hỏi thì con nạt “Không ăn thì đổ!”. Bà càng chán chường, bế tắc. May mà có tình thương của hàng xóm láng giềng, khách mua bánh tráng kịp đỡ nâng những thời khắc bà tuyệt vọng nhất.
|
Bà Nguyễn Thị Nhung bên gánh bánh tráng mè |
Đón lấy bịch cam của một khách quen, bà Nhung rối rít cảm ơn rồi quay sang khoe: “Bà khách này tốt bụng lắm. Các con thành đạt, có hiếu, mua ti vi cho mẹ coi. Nhìn người ta thấy ham, biết đời nào mình được như vậy!”. Nhưng bà nhanh chó ng bị kéo về thực tại khi người con trai đạp xe trở lại, đôi mắt láo lia, miệng không ngớt lầm rầm…
Tuổi 90, bán buôn... xuyên tỉnh
Cụ bà bán trứng vịt ở chợ tự phát hẻm 10, đối diện Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Cụ đã mắ c chứ ng lẫn, hỏi tuổi, cụ trả lời 95, nhưng sau đó “rớt” xuống còn 90 tuổi. Giọng Quảng rặt cùng khuôn miệng móm mém khiến người nghe “dịch” mãi mới hiểu ý cụ.
Cụ tên Phan Thị Nghê. Cuộc đời bất hạnh, truân chuyên của cụ, các chị tiểu thương chợ này biết rất rõ. Cụ trôi dạt về đây buôn bán đã gần 20 năm. Chồng cụ mất sớm để lại bốn người con, một người qua đời vì sốt, rồi ba người còn lại 10-8-6 tuổi chết đuối cùng lúc khi cụ bận đi làm cỏ ruộng.
Nhắc lại chuyện chồng con, cụ quệt nước mắt, mếu máo: “Nằm đêm, tôi nhớ con. Nhớ hồi xưa chúng nó cứ giành nhau sau này lớn lên nuôi tôi. Mà giờ đây… Mấy năm trước, tôi dành dụm được 250.000đ mua sẵn cái huyệt để khi mãn phần đặng về nằm gần chồng con”.
Tứ cố vô thân, tuổi già không mảnh đất cắm dùi, cụ tìm vui trong những buổi chợ. Mỗi ngày tiền lời được khoảng 40.000đ, chủ nhà trọ thương không lấy tiền phòng, thức ăn được bà con cho, cụ sống ổn. Cứ năm ngày, cụ lại bắt xe về Bình Thuận (quê hương thứ hai của cụ) để thu gom nghệ, hành tỏi, gừng, lúa gạo, mít, ốc và gần đây là trứng, vào bán.
|
Chị Ngọc Hải mua trứng ủng hộ cụ Phan Thị Nghê |
Hành trình từ TP.HCM về Bình Thuận không quá xa nhưng là kỳ công đối với bà cụ đi chỉ vài trăm mét từ nhà trọ ra chợ mất tới cả tiếng đồng hồ. Cụ khoe đi quen nên không bị say xe, lại được các cháu tài xế, lơ xe khiêng vác đồ đạc giùm, có khi bế xốc cụ lên ghế.
Chị Lê Thị Ngọc Hải (bán thịt ở chợ) dí dỏm tự xưng là đệ tử ruột của cụ, thường xuyên dìu đỡ, dọn hàng giúp cụ. Chị kể có dạo cả tháng không thấy cụ vào bán, tưởng cụ đã “về trời”, ngờ đâu sau đó cụ tái xuất với đống hàng to (chỉ vì cụ mệt quá nên không vào nổi).