Lá thư viết tay

26/01/2017 - 06:30

PNO - Lâu lắm rồi mới cầm một lá thư viết tay trên giấy, cô chợt có cảm giác xao động. Cô tự cười mình sao lại dễ dàng xúc cảm như thế.

“...Bé Bi của chúng ta sắp thêm một tuổi nữa... Mấy hôm nay anh đi quanh cửa hàng bán đồ chơi, muốn tìm một món hay hay đáng gọi là quà tết cho con nhưng thật sự lúng túng. Lần đầu tiên tự mình chọn quà, anh mới thấu hiểu sự kỹ tính của em, mà đã có lần anh nóng nảy trách em quá kén chọn. Anh còn nhớ lời mình lúc đó: “Ai cũng đòi hỏi như em thì các hãng đồ chơi sập tiệm từ lâu rồi!”.

Cùng đi với em để tìm vài món vừa có thể hấp dẫn được con, vừa dạy cho con được một kỹ năng nào đó, có lúc anh nghĩ, mình sẵn lòng làm một việc nặng nhọc như vác cái máy giặt từ tầng năm đem đi sửa, thay vì kiên nhẫn loanh quanh gian hàng đồ chơi, nghe em lo lắng nhận xét búp bê này váy ngắn quá, rô bốt cầm súng này nhìn bạo lực quá...

La thu viet tay
 

Chẳng biết nên mua gì, anh định chuyển tiền nhờ em mua nhưng lại sợ em trách anh vô tâm với con, đẩy thêm việc cho em. Cuối cùng, anh chọn cái xe đạp màu vàng mơ này vì nhớ em thường chọn màu đó cho váy áo của con...”.

Đã biết phân biệt màu vàng chanh và màu vàng mơ rồi sao? Cô bất giác cười khẽ. Người của dịch vụ giao hàng đem quà đến khi bé Bi chưa đi học về, chỉ mình cô ở nhà. Căn hộ chung cư vừa mới thuê được sáu tháng, cô vẫn còn mệt lử với lần thay đổi lớn của cuộc đời - chia tay đời sống vợ chồng nhiều mâu thuẫn. Tìm thuê chỗ ở vừa túi tiền mà không quá xa trường học của con và nơi cô làm việc. Sắm sửa mọi thứ để bắt đầu lại. Những lần đi công tác xa cô phải gửi con cho bà ngoại, lại phải chịu đựng những lời ca cẩm của mẹ về hậu quả chuyện ly hôn, mà nhãn tiền là không có người trông con khi đi công tác. Phiền nhất là cô còn phải đối mặt với những thăm hỏi đầy chất giáo huấn của cô dì chú bác với mong muốn hàn gắn.

Cô nhìn cái xe đạp màu vàng mơ và tiếp tục đọc “Anh biết em luôn cố gắng để chu toàn mọi việc, điều mà anh không thể (và cũng không biết cách để được em thông cảm), nhưng việc dạy con đạp xe thì chắc em vui lòng cho phép anh...”. A ha! Hóa ra anh chọn xe đạp làm quà cho con chỉ là cái cớ. Nhưng dù sao thì...

Lâu lắm rồi mới cầm một lá thư viết tay trên giấy, cô chợt có cảm giác xao động. Cô tự cười mình sao lại dễ dàng xúc cảm như thế. Cô nhớ có lần cô kể anh nghe ý kiến của ai đó than phiền, thời đại internet, những lá thư điện tử giống hệt nhau từ kiểu chữ  đến cả cách xuống dòng, khiến người ta không còn cảm giác thân quen của màu giấy, sự riêng tư của nét chữ và nỗi hồi hộp mong ngóng ông đưa thư đi ngang nhà. Cũng không còn niềm vui được xếp cất lá thư nào đó rất đặc biệt vào trong ví, để mỗi khi mở ví ra lấy món gì đó lại nhìn thấy lá thư như một gợi nhắc...

“Kẻ than phiền như thế chắc rảnh rỗi và thường xuyên lên cơn lãng mạn bốc đồng lắm…”, anh nhận xét, khiến cô hụt hẫng, nín lặng. Vậy mà giờ lại là lá thư này. Những con chữ thẳng hàng, đều đặn cho cô biết người viết rất cẩn trọng, một việc không dễ với tính cách của anh. Lại còn là màu mực xanh! Cô nhớ năm học lớp 3, bé Bi được chọn đi thi viết chữ đẹp, thầy giáo yêu cầu dùng mực đen cho đều đặn giống chữ in trong sách, cô càu nhàu với anh là tất cả đều dùng mực đen, nhìn như khuôn đúc, sao không cho học trò được chọn màu mực tùy ý, màu tím dễ thương hoặc màu xanh hy vọng có phải tươi tắn hơn không?

Lá thư dài đầy trang giấy A4 khiến cô nhớ lại những tin nhắn cụt ngủn của anh “Chiều nay bận họp không đón bé Bi được”, hoặc “Hai mẹ con ăn cơm trước, đừng chờ”, hoặc “Đi công tác với sếp. Mai về”. Những tin nhắn kiểu đó khiến cô thấy tổn thương mà không biết nói thế nào. Cô lấy lý do đôi khi cô đang bận tay, bé Bi là người đọc tin nhắn. Anh đừng làm gương xấu cho con vì kiểu nhắn tin trống không đó, chẳng biết ai là người gửi ai là người nhận, lỡ bé Bi bắt chước thì không hay. Anh nói ngay là tin nhắn của anh chỉ để thông báo cho cô biết, chứ không kèm theo việc giáo dục con. Anh còn “nâng quan điểm” là nếu cô không thích thì từ nay anh khỏi nhắn nữa là xong!

Rồi anh không còn nhắn tin thật. Có những buổi chiều cô đợi anh về cho đến khi mâm cơm nguội lạnh thì tự hiểu chiều nay anh không ăn cơm nhà. Những khuya không thấy anh về nhà thì tự biết anh đi công tác đột xuất. Hôm sau anh về, thản nhiên trong tư thế một người chồng đi công tác về, là đi làm việc để kiếm tiền lo cho vợ con. Anh đáp trả lại cô vợ hay bắt bẻ vậy đó. Mà giờ lại là lá thư này.

Cô đọc lại một lần nữa rồi nhìn đồng hồ, đã đến giờ đón bé Bi đi học về. Cô xếp lá thư cất vào túi xách, dắt xe máy ra đường. Phố phường những ngày cận tết chừng như đông hơn hay là vì cô đang đi qua con phố bày bán hoa, có nhiều người dừng lại lựa chọn. Hôm nay cô không định mua hoa nhưng vẫn ngừng xe lấy một bó hồng. Biết đâu chiều nay anh sẽ đến ngay để bắt đầu dạy bé Bi đạp xe. Cô đâu thể từ chối một đề nghị chính đáng như vậy. Và thật lòng cô cũng thấy nhẹ nhõm.

Đúng là khó coi khi cô hình dung cái cảnh mình là phụ nữ mà chạy lúp xúp theo cái xe đạp nghiêng ngả trước bao ánh mắt của người trong chung cư... Mở túi xách lấy ví ra trả tiền hoa, cô cảm giác mặt mình nong nóng khi thấy lá thư. Cô đã không nhét đại lên kệ hoặc ném bừa đâu đó. Cô xếp thẳng thớm, cất vô túi xách vẫn đem theo bên mình.

Như gợi nhắc... Cô nhớ lời mình từng nói với anh.

                                                                                                        Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI