edf40wrjww2tblPage:Content
Tôi ước mơ được đi học nhưng nhà nghèo, phải chăm em cho cha mẹ đi làm, không đi học được. Năm 1945, tôi tham gia cách mạng, xin chi bộ xã Ngọc Chúc cho đi học văn hóa nhưng mơ ước ấy cũng không thành. Đến khi có chồng, sinh được hai con, trường văn hóa công nông của khu mở, tôi ôm hai con vừa đi học, vừa công tác. Nhưng, con còn nhỏ, một lần nữa tôi đành gác lại mơ ước. Mãi đến bây giờ tôi cũng chỉ tự học, không ai dạy cả”. Mơ ước lớn nhất đời bà là được đi học, nhưng cả đời vẫn không được học hành. Dù vậy, với trái tim cháy bỏng lòng yêu nước, với trí thông minh bẩm sinh, bà đã làm nên kỳ tích của ngành tình báo khu Tây Nam bộ.
Trong ký ức bà Phan Thị Báu, những ngày cuối tháng 4/1975 luôn sống động: “Đội chúng tôi được Khu ủy giao ba nhiệm vụ trong chiến dịch giải phóng thành phố: (1) Bao vây gọi hàng Nguyễn Khoa Nam, nếu không được thì tiêu diệt tên này. (2) Xây dựng chỗ ăn ở cho ban chỉ huy bên ngoài vào chỉ đạo, chỉ huy trong nội thành. (3) Chuẩn bị may cờ, treo trên dinh Nguyễn Khoa Nam, trên cây dương bến Ninh Kiều làm hiệu lệnh cho bộ đội tiến vào. Trong các nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ đầu tiên là quan trọng nhất mà cũng khó khăn nhất. Quan trọng vì đây là đầu não quân sự của địch ở đồng bằng sông Cửu Long. Khu ủy miền Tây Nam bộ xác định đây là địa bàn quan trọng nhất, là mục tiêu số một ở Cần Thơ. Khó khăn vì địch hiểu rõ đây là nơi sống còn, việc bố phòng đặc biệt gắt gao".
Giây phút hiếm hoi của nữ tình báo Phan Thị Báu bên con trong chiến khu
Ấy vậy mà những người được giao nhiệm vụ khó khăn đó chỉ là một chi bộ bốn người, cải trang thành thường dân, hoạt động bí mật trong nội thành, do bà Phan Thị Báu phụ trách. Bà Báu nhận nhiệm vụ khi vừa điều trị vết thương, hai chân bước còn chưa vững. Bà chợt nhớ đến người cô họ đang là bà chủ khách sạn Khải Hoàn. Bà Báu nghĩ, khách sạn Khải Hoàn là bình phong tốt cho bà hoạt động khi xâm nhập nội đô, nhưng cũng biết người cô sẽ sợ liên lụy, không chấp nhận sự hiện diện của một đứa cháu làm cộng sản. Bà về Giồng Riềng, thuyết phục em gái mình là Phan Thị Năng cạo đầu tu tại gia, mượn tên em gái hoạt động.
Về Cần Thơ, bà đến khách sạn Khải Hoàn, tìm bà cô than thở: “Chồng con có vợ bé. Con buồn quá, cạo đầu tu tại gia. Cô cho con lên đây ở với cô”. Bà cô ngờ ngợ: “Sao tao thấy mày giống con Báu quá”. Bà nói: “Con Báu đi làm cộng sản chết rồi. Con là Sáu Năng, cô nói vậy là chết con”. Tin đứa cháu hồng nhan bạc phận, bà chủ khách sạn Khải Hoàn cho Sáu Năng ở nhờ.
Hàng ngày bà mặc áo nâu sồng, gánh hoa đi hết chùa này tới miễu khác bán kiếm lời, nhưng thực chất đó là những chuyến đi móc nối cơ sở, xây dựng lực lượng. Với nghề đỡ đẻ, bà xâm nhập được vào nhà nhiều tên chủ ấp, xã trưởng, nắm nhiều cơ sở. Bà còn được Cúc Phương - con gái bà chủ khách sạn Khải Hoàn - sinh viên đại học Luật, làm giao liên công khai, chuyển tin tức bà thu thập được về khu. Bà có cơ sở nội tuyến Thế Vũ - người thân cận của tướng Nguyễn Khoa Nam. Những tin tức trong dinh tướng tư lệnh vùng IV liên tiếp được chuyển ra Khu ủy.
Nhận chỉ thị của Khu ủy “Phải thuyết phục cho bằng được Nguyễn Khoa Nam đầu hàng, nếu không được mới tiêu diệt”, lòng bà Phan Thị Báu đầy giằng xé. Một mặt, bà viết thư thuyết phục Nguyễn Khoa Nam đầu hàng, nhờ nội tuyến chuyển đến thư ký riêng của Nguyễn Khoa Nam. Thư gửi đi, bà không tin ông ta dễ dàng đầu hàng. Bà biết trận chiến sẽ vô cùng quyết liệt.
Mấy mươi năm sau, bà chân thành nói: “Khi nhận nhiệm vụ, đội chúng tôi xác định quyết tử để tiêu diệt kỳ được Nguyễn Khoa Nam. Tôi hoàn toàn không hối tiếc nếu phải đổi mạng với nó, để giảm xương máu cho đồng chí, đồng bào, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Nhưng, cũng như bao phụ nữ, chúng tôi có gia đình, có con, có tình cảm lưu luyến. Ba đứa con tôi mỗi đứa mỗi nơi. Chồng tôi lâu rồi không được gặp. Một tình yêu quặn thắt trong lòng tôi. Đêm ấy, tôi lên lầu năm, tầng cao nhất của khách sạn Khải Hoàn, ngồi viết lá thư tuyệt mệnh, hy vọng đến được với chồng con, nếu tôi không trở về.
Thành phố Cần Thơ
12 giờ đêm 29/4 năm 1975
(...)
Ba đứa con thân yêu của mẹ, đây là mười hai giờ đêm. Mẹ đang ở một cái phòng bí mật, trên khách sạn, trong nội ô thành phố, một ngọn đèn mờ, đầu óc của mẹ còn phải lo nhiều việc, ngày mai mẹ phải giáp mặt với quân thù. Mẹ hết sức cố gắng tranh thủ một ít thời giờ viết thư để lại cho các con, mẹ nói ít các con phải hiểu nhiều!...
...Mình ơi, tôi vợ mình, mẹ của các con là người đảng viên cộng sản, trọn thề trước Đảng, tôi không đội trời chung với kẻ thù, tôi quyết nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của Đảng giao, quyết chiến đấu diệt cho được đầu não kẻ thù, là thằng tướng vùng IV chiến thuật, tướng tư lệnh tên Nguyễn Khoa Nam, trận cuối cùng giải phóng thành phố Cần Thơ, khu Tây Nam bộ.
***
Mình ơi! Sau trận này tôi có bề nào, mình đừng buồn, vui lòng ở lại gánh vác thêm nhiệm vụ cho tôi và tập hợp các con về, mình cố gắng nuôi dạy cho con khôn lớn nghe mình. Các con ơi! Khi các con về với cha con, mẹ không còn nữa, mẹ đã trọn thề trước Đảng, cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên cộng sản, mẹ nặng nợ nước phải nhẹ tình nhà, các con hiểu cho mẹ đừng buồn nghe con. Các con ở lại với cha phải nghe lời dạy bảo của cha, các bác, các cô, các chú, phải cố gắng học tập văn hóa tốt, lao động tốt, đoàn kết tốt, sống với dân phải khiêm tốn, có tổ chức kỷ luật cao, phải học biết làm người!
Đây đã ba giờ sáng, mẹ ra khỏi phòng bí mật, mẹ tiếp tục chiến đấu với kẻ thù…
Hôn mình và các con nhiều.
Phan Thị Báu”
Viết xong, bà ra đi. Thế Vũ bị giữ chặt trong nhà máy phát điện riêng trong dinh Nguyễn Khoa Nam. Bà đã chuẩn bị sẵn cờ trong người, giả ói mửa, chôn cờ dưới một ổ chuột. Bà men theo đường cống, vào tận chỗ Thế Vũ làm việc. Người sĩ quan nội tuyến kinh ngạc khi phát hiện ra bà, mình mẩy lem luốc và hôi thối vì nước cống. Anh giấu bà trong một chỗ kín. Bà hỏi Thế Vũ: “Lá thư tôi thuyết phục Nguyễn Khoa Nam ra sao?”.
Thế Vũ nói: “Ông ta xé nát lá thư, rải trắng trước bàn thờ Phật”. Tin tức Sài Gòn giải phóng bay về Cần Thơ, tướng vùng IV biết không thể nào thay đổi được thế cuộc. Khi tên thư ký thân cận đưa vợ con trốn đi trên chiếc trực thăng, Nguyễn Khoa Nam rơi vào tận cùng tuyệt vọng. Đêm 30/4 rạng sáng 1/5/1975, Nguyễn Khoa Nam ngồi trên chiếc ghế bành, trước bàn thờ Phật, rút súng ngắn tự sát. Bà Phan Thị Báu cùng Thế Vũ có mặt tại hiện trường ngay lúc ấy. Chính bà đã lấy khẩu súng từ người Nguyễn Khoa Nam…
Còn lá thư tuyệt mệnh bà gửi cho chồng con trước lúc bước vào hang ổ kẻ thù được Cúc Phương gói lại, ngụy trang trong tim cây đèn cầy, giấu trong bó nhang đèn, hoa quả đi cúng chùa. Giao liên đã mang lá thư ấy ra cho Khu ủy, đóng ở vùng ven thành phố. Ngày hòa bình, bà được Năm Cúc - người chỉ huy đường dây tình báo của bà trao lại. Lá thư ấy được gia đình bà xem như báu vật, trân trọng cất giữ…
Trầm Hương
* Bà mất năm 2012.