Lá thư 16 trang của liệt sĩ chỉ mong con gọi mình một tiếng cha

18/04/2024 - 06:35

PNO - Lên đường chiến đấu khi con gái 3 tuổi, ngày liệt sĩ Nguyễn Trí Phước trở về, con không nhận ra ông. Cho đến tận lúc ông qua đời, vẫn mong con gọi một tiếng cha.

Từ “cõi chết” trở về

Năm 1965, liệt sĩ Nguyễn Trí Phước (sinh năm 1934, quê xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) xung phong lên đường vào miền Nam chiến đấu khi con gái đầu lòng Nguyễn Tuyết Mai mới lên 3 tuổi. Ngày lên đường, ông chỉ kịp nắm tay vợ là bà Lê Thị Hồng Minh hẹn “đất nước thống nhất anh sẽ về bù đắp cho mẹ con em”.

Những bức thư thời chiến do gia đình trao tặng được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ An - Ảnh: Phan Ngọc
Những bức thư thời chiến do gia đình trao tặng được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ An - Ảnh: Phan Ngọc

Những năm chồng ở chiến trường, bà Minh chỉ nhận được 2 lá thư thông báo tình hình. Năm 1968, bà nhận được giấy báo tử của chồng, thông tin quá bất ngờ khiến bà ngất lịm. Nhưng rồi bà gượng dậy vì trên vai còn mẹ già, con thơ. Năm 1973, bà bất ngờ biết chồng mình vẫn còn sống.

Ông Phước cho biết, năm 1968, ông bị địch bắt và đày ra nhà tù ở Phú Quốc. Khi Hiệp định Paris được ký kết, hai bên trao trả tù binh, ông được chuyển ra Quảng Ninh để an dưỡng. Lúc này, ông nghĩ vợ đã lập gia đình mới nên không muốn viết thư về vì sợ đảo lộn cuộc sống của vợ con. Chỉ đến khi biết vợ vẫn ở vậy nuôi con, thờ chồng, ông quyết định về nhà.

Từ “cõi chết” trở về, ông háo hức được gặp lại vợ, người thân… và nghe con gái gọi cha sau nhiều năm xa cách. Về đến nhà, ông mong được ôm con vào lòng nhưng không thể, vì con gái không nhận ra ông. Trong ký ức con gái, cha là một người đàn ông cao lớn, khôi ngô chứ không phải là người đàn ông lưng còng rạp, khuôn mặt méo mó với hàm răng đã rụng gần hết. Những vết thương chiến tranh đã khiến ông trở nên già nua, gầy gò, lưng còng hẳn xuống…

Mong một tiếng gọi “cha”

Cô bé không chịu gọi ông là cha. Dù mẹ và ông bà giải thích thế nào, gia đình tạo điều kiện cho cha con gần gũi đến đâu, Tuyết Mai cũng không chịu nhận cha. Về phép được 1 tháng, ông Phước trở lại trại an dưỡng ở Quảng Ninh khi lòng vẫn nặng trĩu muộn phiền.

Bức thư dài 16 trang nói về nỗi đau chiến tranh được bà Minh trao tặng bảo tàng Nghệ An - Ảnh: Phan Ngọc
Bức thư dài 16 trang nói về nỗi đau chiến tranh được bà Minh tặng bảo tàng Nghệ An - Ảnh: Phan Ngọc

Nhiều đêm trằn trọc khó ngủ, ông viết lá thư dài 16 trang để nói lên lòng mình. “Lại một đêm nữa thức trắng, thả hồn về quê để ấp ủ trái tim trống trải của em. Có lẽ những giờ phút trong đêm đó hồn em cũng đang bay theo hình ảnh người chồng “bạc bẽo” đã 13 năm mà may ra mới sống bên em được 4 tháng” - liệt sĩ Phước viết cho vợ trong thư.

Ông tâm sự, mỗi lần ngồi chuyện với bạn bè, nghe họ kể chuyện tình cảm con cái, gia đình, ông đã quay mặt gạt nước mắt khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Rồi ông lặng lẽ rời đi. Mỗi lần nhìn tấm ảnh của con chụp chung với các chú bộ đội, ông lại phát “ghen” lên vì tình cảm ấy. Bởi, ông đã 2 lần rủ con đi chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm cả gia đình nhưng bất thành.

“Anh nghĩ rằng, nếu như Tuyết Mai không quen gọi anh bằng cha thì anh sẽ vui lòng cho phép Tuyết Mai gọi anh bằng chú bộ đội, để chú bộ đội Phước được gần gũi bên cháu dăm ba phút cho đỡ tủi lòng” - ông Phước viết trong thư.

Nhưng rồi ông căn dặn vợ, dẫu sao con cũng còn quá nhỏ, chưa hiểu chuyện nên cần thời gian chứ đừng mắng nạt con. Những tâm sự về nỗi đau đớn khi đứa con ruột thịt không chịu nhận cha, ông Phước cũng dặn bà Minh đọc xong phải cất thật kỹ, hoặc đốt đi vì “để con đọc được sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng, người khác đọc được sẽ chê cười, trêu ghẹo con gái”.

Những bức thư này là minh chứng rõ nhất để giới trẻ có một cái nhìn chân thực về cuộc sống thời chiến - Ảnh: Phan Ngọc
Những bức thư của liệt sĩ Phước tại bảo tàng - Ảnh: Phan Ngọc

Khi sức khỏe tốt hơn, ông Phước được xuất ngũ, về với gia đình. Tháng 8/1974, vợ chồng ông đón tin vui khi cậu con trai thứ chào đời khỏe mạnh. Nhưng chỉ 2 ngày sau, vết thương cũ tái phát, ông phải nhập viện cấp cứu và điều trị. Tháng 10/1975, ông qua đời tại Viện Quân y 4 và được công nhận liệt sĩ.

Bà Tuyết Mai nói bà vẫn chưa kịp gọi cha cho đến khi vĩnh viễn mất đi người cha thân yêu của mình. “Lúc đó còn nhỏ nên tôi suy nghĩ quá bồng bột” - bà nói.

Ít năm trước, bức thư dài 16 trang này đã được bà Minh trao tặng cho Bảo tàng Nghệ An với mong muốn kỷ vật của gia đình sẽ được bảo quản tốt hơn, cũng như qua bức thư này, thế hệ trẻ sẽ có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống thời chiến.

Bà Hoàng Minh (phòng Kiểm kê bảo quản Bảo tàng Nghệ An) cho biết, hiện đơn vị đang lưu giữ khoảng 50 bức thư của các liệt sĩ gửi cho vợ con, người thân thời chiến. Do các bức thư đã bị hư hỏng nặng, bảo tàng chỉ chọn một số còn đọc được trưng bày để phục vụ công tác tuyên truyền.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI