Là 'thằng lầm lì' hay 'thằng hôn hít'?

14/08/2017 - 16:31

PNO - Nói lời yêu rất dễ, nhưng thể hiện tình yêu thương thì phải bằng tinh thần trách nhiệm, điều ấy không tự nhiên mà có.

1. Lần ấy, khi chăm người thân nằm bệnh viện, tôi đã chứng kiến chuyện của một người mẹ nằm cùng phòng. Người mẹ có hai con trai, 18 và 27 tuổi. Hàng ngày, vào buổi chiều, hai cậu vào chăm mẹ. 

La 'thang lam li' hay 'thang hon hit'?
Dạy cho con biết thương yêu cha mẹ chưa đủ

Những ngày đầu, mọi người trong phòng đều xúc động mỗi lần cậu nhỏ vào ôm mẹ hôn, nói với mẹ những lời yêu thương, ngọt ngào. Trong khi đó, cậu lớn ít nói, lầm lầm lì lì, chỉ chào hỏi mọi người, gọi mẹ một tiếng, rồi im re. 

Nhưng sau vài ngày, chúng tôi dần nhận ra những điều khác biệt giữa “thằng hôn hít” và “thằng lầm lì”. Ngoài chuyện hôn hít, cậu em chẳng hề làm gì cho mẹ. Ngồi cạnh mẹ, cậu cứ bấm game, nhắn tin, không coi ngó mẹ cần gì.

Những lúc cậu trong bệnh viện, bà mẹ luôn cố gắng nhịn, nhịn tiểu, nhịn khát, nhịn mỏi, để chờ cậu con trai lớn vào. Chỉ cậu lầm lì mới không nề hà ẵm, dìu mẹ đi vào nhà vệ sinh, tắm rửa, đút cho mẹ ăn, bóp chân cho mẹ. Bất cứ lúc nào mẹ động đậy cái chân, cái tay là cậu nhỏm dậy hỏi mẹ cần gì. 

Khi mọi người nhận xét về đứa cháu của mình, người dì thanh minh mà cũng như có ý trách móc chị gái. Ngày xưa, chồng chị gái bị tai nạn, mất khi “thằng hôn hít” còn quá nhỏ. Người mẹ dồn hết mọi tình yêu thương cho cậu, chăm sóc từng ly từng tí, chẳng bao giờ để cho cậu phải động chân động tay vào việc gì. “Thằng lầm lì” học giỏi nhưng phải nghỉ học, đi làm sớm để phụ mẹ lo cho em.

“Thằng hôn hít” quen được hưởng tình yêu của mọi người, không biết lo cho ai, thậm chí lo cho bản thân mình cũng không xong. Còn “thằng lầm lì”, coi có vẻ khô khan vậy nhưng nó sống có trách nhiệm với mẹ và em trai từ khi còn nhỏ xíu.

La 'thang lam li' hay 'thang hon hit'?
 

2. Xưa nay người ta thường nói giáo dục con cái sao cho chúng biết yêu thương cha mẹ, và đôi khi nghiễm nhiên cho rằng, tình yêu thương sẽ luôn đi kèm với trách nhiệm, hễ thương yêu thì sẽ có trách nhiệm. Điều đó có đúng không? Quan sát “thằng hôn hít” và “thằng lầm lì”, tôi ngờ như điều đó không đúng. Dạy cho con biết thương yêu cha mẹ thôi chưa đủ, mà cần phải dạy con biết quan tâm chăm sóc cho người mình thương yêu bằng những hành động cụ thể. 

Nhiều cha mẹ đang nói với con và tuyên ngôn với cả thế giới là họ “yêu con vô điều kiện”. Nhưng thực sự nếu bạn yêu con mình và nghĩ rằng bạn sẽ cho nó hết mọi thứ nó cần mà không đòi hỏi điều gì, không cần nó đáp lại điều gì, thì chắc chắn sau này, bạn sẽ có một đứa con như “thằng hôn hít”.

Nó rất yêu bạn, nhưng khi cần thiết, nó không biết làm những việc dù đơn giản nhất là rót cho bạn ly nước chứ đừng nói là đổ bô, thay tã cho bạn. Vì thế, hãy dạy con, làm sao cho nó hiểu rằng khi yêu ai đó có nghĩa là nó phải biết làm cho người đó vui, hạnh phúc. Nó phải biết chăm sóc, lo lắng và hy sinh cho người đó, và đó mới là cách thể hiện tình yêu.

3. Đến chơi nhà của nhà thiết kế Sương Nguyễn, tôi bất ngờ khi được cậu bé 6 tuổi lịch thiệp bưng nước, mời trái cây. Cậu bé được cha mẹ dạy cho cách trân trọng một phụ nữ từ khi còn bé. Cậu biết mở cửa cho mẹ, biết cài giùm chị gái khuy giày và nhường các bạn gái trong lớp mẫu giáo một món đồ chơi.

Tôi tin rằng, tinh thần "quý ông" đó của một cậu bé sẽ cùng cậu trưởng thành theo năm tháng và trở thành ý thức của một người đàn ông thực thụ, một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Trong thời buổi hiện tại, không hiếm những cô gái khi chọn người bạn đời cho mình đã đề cao tinh thần trách nhiệm của người đàn ông còn hơn cả tình yêu. Khi đã có gia đình, bất kể là nam hay nữ, ai cũng phải có trách nhiệm với người mình yêu thương và chung sống. Yêu cầu đó với đàn ông càng phải cao hơn, bởi họ sẽ là trụ cột, là nóc nhà, là những bức tường che chắn cho cả gia đình.

Nói lời yêu rất dễ, nhưng thể hiện tình yêu thương thì phải bằng tinh thần trách nhiệm, điều ấy không tự nhiên mà có. 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI