Con đường gai góc của một tác phẩm vĩ đại
Ở lễ bế mạc Liên hoan phim (Lhp) venice (Ý) năm 1954, ban tổ chức công bố giải Sư tử bạc cho bộ phim La Strada (Con đường) của đạo diễn Federico Fellini. vào thời điểm đó, nhiều cây bút chỉ trích mạnh mẽ bộ phim La Strada. phần lớn họ nhận định góc nhìn của Fellini là sai trái, thậm chí nguy hiểm cho nghệ thuật và xã hội. nguyên nhân sâu xa là họ cho rằng nhà làm phim đã phản bội chủ nghĩa tân hiện thực mà ông từng là một phần quan trọng. trường phái này tập trung mô tả hiện thực khắc nghiệt sau thế chiến thứ hai. trong khi đó, La Strada lại khắc họa một câu chuyện đau thương bằng không khí phảng phất màu cổ tích.
|
Đạo diễn Federico Fellini |
Sinh năm 1920, Federico Fellini được xem là thiên tài điện ảnh, niềm tự hào của giới làm phim Ý. Ông xuất thân gia đình trung lưu, học ngành luật nhưng rồi theo đuổi nghệ thuật. Fellini đã trải qua Thế chiến thứ hai ở tuổi thanh niên, chứng kiến chính quyền Mussolini tham chiến bên phe Trục rồi thất bại.
Sau khi quân Đồng minh chiếm Rome, Fellini kiếm sống bằng nghề vẽ chân dung cho lính Mỹ. trong dịp tình cờ, ông gặp đạo diễn Roberto Rossellini và hỗ trợ sáng tạo kịch bản cho bộ phim Rome, Open City. Từ đó, chàng trai trẻ bước vào nền điện ảnh của đất nước Ý giàu truyền thống văn hóa.
Với những trải nghiệm thời chiến, không khó hiểu khi Fellini nhiệt thành với chủ nghĩa tân hiện thực - tập trung vào cuộc sống khó khăn của người nghèo và dân lao động. Sự đói khổ, áp bức, bất công và tuyệt vọng được họ mô tả theo cách chân thực. từ năm 1950 đến 1953, Fellini đã đạo diễn bốn phim, trong đó phim I Vitelloni thắng giải Sư tử bạc ở Lhp venice.
Vì tầm ảnh hưởng của Fellini trong chủ nghĩa tân hiện thực, nhiều người phản ứng khi ông tạo ra La Strada với phong cách khác biệt. Nhưng, theo thời gian, tác phẩm dần được xem như kiệt tác của mọi thời đại. Năm 1957, nó còn thắng giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc”. Hiện phim nhận 98% đánh giá tích cực trên chuyên trang phê bình Rotten Tomatoes đồng thời nằm trong nhiều danh sách phim hay nhất do các tạp chí hay tổ chức uy tín bầu chọn. Như chính tên phim, La Strada đã trải qua một con đường dài để giành được sự công nhận.
|
Anthony Quinn phải rèn luyện nhiều để vào vai lực sĩ |
Niềm hạnh phúc trong thống khổ
Những con đường cũng xuất hiện liên tục trong bộ phim dài 108 phút. Câu chuyện bắt đầu khi Gelsomina (Giulietta Masina) - một cô gái nhà quê chân chất - hay tin chị mình đã qua đời trên hành trình cùng gã lực sĩ Zampano (Anthony Quinn). Hắn tìm đến gia đình cô, đề nghị trả một khoản tiền để Gelsomina đi cùng trong những chuyến lưu diễn.
Vì nhà quá nghèo, mẹ Gelsomina đồng ý “bán con”. Từ đó, cô gái trẻ chu du cùng gã lực sĩ khắp các nẻo đường ở Ý. Zampano biết vài trò xiếc, được tán thưởng nhất là màn dùng sức mạnh bứt xiềng. Hắn thuộc kiểu người diễn trò rẻ tiền, mua vui cho cuộc sống tẻ nhạt của dân chúng ở làng quê. Gelsomina đóng vai hề, diễn những trò khuấy động không khí cho chương trình. Cô cũng đảm nhiệm khâu thu tiền khán giả.
Zampano vốn nát rượu, thô lỗ và hay dùng Gelsomina để thỏa mãn xác thịt. Hắn chẳng hề quan tâm đến trái tim nhạy cảm của cô gái trẻ. Trong những cơn say hoặc khi nhìn thấy các cô gái hấp dẫn, Zampano sẵn sàng tống cổ Gelsomina ra ngoài. Chuyện ngược đãi diễn ra thường xuyên trong gánh xiếc hai người. Thế nhưng, chẳng hiểu sao Gelsomina lại đem lòng yêu thương và muốn gắn bó với gã trai giang hồ.
|
Gelsomina và anh hề |
Mọi chuyện phức tạp khi họ gia nhập đoàn xiếc, trong đó có một anh hề (Richard Basehart) hay chăm sóc Gelsomina. Chàng trai này bản tính tếu táo, hay trêu chọc Zampano, nên trở thành cái gai trong mắt gã lực sĩ. Một chuyện khủng khiếp đã xảy ra khiến số phận ba người thay đổi mãi mãi.
Cách xây dựng nhân vật Gelsomina là điểm thú vị trong kịch bản, đồng thời cũng là thứ khiến La Strada bị phản đối lúc ra mắt. Giữa muôn trùng nỗi đau, cô gái trẻ vẫn giữ một sự lương thiện và tình yêu thương vô bờ bến. Cô nuôi dưỡng tình yêu với kẻ chẳng hề nghiêm túc với mình. Cô nhìn thấy hy vọng và ánh sáng giữa một thế giới tối tăm. Trong suốt câu chuyện, Gelsomina có thể rời Zampano vài lần nhưng đã không chọn điều đó. Cô liên tục hứng chịu sự không chung thủy và lạm dụng của anh ta. Sau cái chết của anh hề, Gelsomina đau lòng đến ngã bệnh nhưng vẫn không từ bỏ Zampano.
Với những khán giả hiện đại, có lẽ hơi khó để thấu hiểu tình yêu của Gelsomina. Đó là một tình yêu không vụ lợi, thánh thiện và mang màu sắc cổ tích. Sự tươi sáng của cô gái khoác lên bộ phim một vẻ đẹp kỳ lạ, có phần thuộc về thần thoại. Với nhiều người xem thời đó, việc tạo ra không khí như vậy trong một chuỗi sự kiện khắc nghiệt là khá khó hiểu. Vậy nhưng có lẽ Fellini đã chủ tâm đặt Gelsomina ở giữa một thế giới đen tối đến thế để níu giữ những hy vọng và tình cảm tốt đẹp nơi con người. Cô là nàng công chúa thanh cao giữa muôn vàn nỗi đau trần tục.
|
Hai diễn viên chính trong phim |
Cứ thế, La Strada dẫn dắt con người qua những cung bậc của nỗi đau đan xen hạnh phúc. Cách ông dày công bồi đắp cho hai nhân vật chính đã khiến câu chuyện trở nên bất tử. Ở đoạn cuối, bất chấp cả hai đều có kết cục bi kịch, khán giả vẫn thấy được tia sáng của nhân tính. Dường như đến cuối cùng, Zampano đã hối cải và hiểu được hậu quả từ hành động của mình.
Sự dày công của một thiên tài
La Strada là bước ngoặt của Fellini trong việc tạo ra phong cách đặc trưng của mình: Thu lại hiện thực và kể nó qua lăng kính của một giấc mơ. Ông vừa muốn tái hiện cuộc sống vừa muốn thoát khỏi nó. Nhìn lại sự nghiệp, Fellini cho biết La Strada là bộ phim gần gũi với ông nhất trên góc độ tình cảm cá nhân. Tương truyền, vị đạo diễn này sinh ra trên một chiếc tàu hỏa đang chạy. Ông cũng thường tổ chức các cuộc họp với cộng sự trên xe hơi. Một bộ phim về cuộc sống rày đây mai đó rõ ràng là thứ khiến Fellini hứng thú.
Vai nữ chính được giao cho Giulietta Masina, người vợ và cộng sự lâu năm của đạo diễn. Còn tài tử Mỹ cao 1m85 Anthony Quinn hóa thân Zampano. Khi hai người đứng cạnh nhau, Masina giống như một cô bé gái. Sự tương phản về hình thể này cũng phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của bộ phim.
Để chuẩn bị cho vai diễn, Quinn và Masina học mọi thứ có thể từ Savitri, một lực sĩ và diễn viên xiếc ngoài đời thực. Đạo diễn muốn rạp xiếc trên phim phải thật chân thực, nên giám sát sản xuất Luigi Giacosi phải thuê luôn rạp xiếc nhỏ của Savitri, bao gồm cả lều và xe lưu động.
Trailer phim La Strada:
Nhà làm phim thực hiện La Strada ở độ tuổi ngoài 30, khi ông sung sức và cũng rất giàu năng lượng sáng tạo. Kịch bản phim dài đến 600 trang và bào mòn sức lực của ông. Nhà làm phim không chỉ viết câu chuyện mà còn phủ lên nó các chú thích về góc máy, nghiên cứu giai đoạn lịch sử, mô tả trường quay và cách hội thoại.
Suốt quá trình quay phim, Fellini chuẩn bị rất tỉ mỉ và thể hiện nhiệt huyết chưa từng trước đó. Không ngạc nhiên gì khi ở cuối quá trình sản xuất, Fellini đã suy kiệt tinh thần và phải trị liệu tâm lý. Kết quả nhận được là một bộ phim giúp vị đạo diễn này vang danh và bước chân vào ngôi đền của những huyền thoại điện ảnh.
Ân Nguyễn