Là mơ hay thực?

11/12/2020 - 18:32

PNO - Phát Dương, sinh năm 1995, hiện vẫn đang là sinh viên ngành văn học Đại học Cần Thơ nhưng đã kịp ghi dấu ấn với văn chương bằng gia tài kha khá giải thưởng.

Anh vừa ra mắt cùng lúc hai tập truyện ngắn Mở mắt mà mơ (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM) và Bộ móng tay màu đỏ (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM). Có thể nói đây là đúc kết sau một thời gian cái tên này xuất hiện thường xuyên trên các mặt báo với lối viết điềm tĩnh, giàu cảm xúc, đôi khi sắc lạnh.

Như truyện ngắn Người, củi cùng khô (trong tập Mở mắt mà mơ), Phát Dương kể về mâu thuẫn gia đình của hai chị em nhưng ẩn sau đó là câu chuyện xót xa về số phận và tình người. Tác giả đưa người đọc lần giở từng chút để vẽ lên hoàn cảnh éo le mà từng nhân vật phải chịu, để đi sâu vào lý giải căn nguyên mâu thuẫn sâu xa để rồi lại vỡ ra những khúc mắc đó chẳng còn ý nghĩa gì nếu ta không biết trân trọng cái tình.

Kết truyện như vết cắt vào lòng người về sự nghiệt ngã và vô thường của thời gian. Khoảng cách và điều tiếng xã hội đẩy con người xa nhau, trong khi lẽ ra họ cần bên cạnh nhau để cùng vượt qua nghịch cảnh. Phải chăng đây chính là tiếng chuông ráo hoảnh gióng lên để ta biết đâu là kho báu của chính ta giữa đời sống đang ngày càng vội vã? Truyện buồn lạnh tê lòng nhưng khiến chúng ta soi lại mình. Đời cần lắm sự cảm thông. Đời cần lắm sự quan tâm. Biết đâu đó có ai đang mòn mỏi chờ một cánh tay chìa ra. Bao lâu rồi vì những hiểu lầm không đáng có mà ta trở nên vô tâm với người mình yêu thương? 

 

18 giấc mơ có cả đẹp đẽ lẫn ác mộng, sáng tươi lẫn tăm tối. Từ tâm thức tổn thương bắt rễ ở hiện thực tiến đến mượn huyền ảo để phản kháng thực tại, nhưng suy cho cùng, giấc mơ nào cũng có một điểm tựa, một lối thoát, như ánh sáng cuối đường hầm tăm tối. Giấc mơ nào sẽ trở thành hiện thực, giấc mơ nào ám ảnh vỡ nát? Không ai có thể sống hoài trong mộng ảo. Rồi ta sẽ tỉnh dậy, tiếp tục đối mặt mọi ngổn ngang, trắc trở của đời mình. Trên hành trình tìm kiếm câu trả lời đan xen nhiều ảo thực, mà chỉ khi biết lúc nào nên nhắm lúc nào nên mở, lúc nào là mơ lúc nào sống thực, ta mới có thể đi đúng con đường mình cần.

Nếu Mở mắt mà mơ là sự thay đổi trong phong cách của tác giả khi những yếu tố huyền ảo và giả tưởng xuất hiện thì Bộ móng tay màu đỏ thấm đẫm màu sắc hiện thực, tạo nên những bức tranh nhiều cung bậc. Nhiều truyện ngắn của cây bút trẻ này mở ra một lối viết không cần cốt truyện, dẫn dụ bạn đọc vào cung đường khám phá từ lát cắt này qua mảng miếng nọ. Có những truyện ngắn bỏ ngỏ đoạn kết, tưởng chừng Phát Dương đẩy độc giả vào hụt hẫng khi không có câu trả lời cụ thể nhưng hóa ra là để độc giả tự chọn cho mình một cái kết. Như tác giả từng chia sẻ, viết là một cuộc trò chuyện với chính mình, với tuổi trẻ. 

Mỗi truyện ngắn của Phát Dương đều rất đời, chạm sâu vào mọi ngõ ngách của cảm xúc người đọc. Nhà văn Võ Diệu Thanh đã nhận xét, truyện ngắn của Phát Dương là "những cuộc truy vấn nội tâm đầy trắc ẩn, đầy ngóc ngách và ngày càng tinh xảo. Bao nhiêu thứ ấm ức vẫn tràn ra đó và rồi vẫn tự mình gỡ từng mối nhỏ. Nhỏ nhưng lại là tất cả. Khi sự nhạy cảm đủ tinh tế thì sự tháo gỡ cũng không kém phần tinh tế". 

Dẫu còn khá trẻ, Phát Dương đã là một cây bút chịu khó tìm tòi sáng tạo, luôn chấp nhận bước ra khỏi vùng an toàn của văn chương để khai phá một giới hạn khác. Tin rằng phù sa sóng nước châu thổ sẽ tạo nên một tác giả đậm đà chất Nam Bộ mà vẫn mang đến sự mới mẻ qua từng trang viết như trước nay anh đã từng. 

Trúc Thiên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI