Ngoài giờ làm việc, những nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy có một đam mê khá mạnh mẽ. Đó là tập luyện võ thuật. Một lớp võ Vovinam bên trong bệnh viện đã được duy trì trong nhiều năm qua.
|
Huấn luyện viên của lớp võ này là anh Nguyễn Thanh Phương, 39 tuổi, điều dưỡng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là võ sư ở cấp độ Hoàng đai tam cấp (3 đẳng quốc tế). Lớp võ thuật Vovinam trực thuộc Hội Vovinam, Hội thể thao đại học và chuyên nghiệp TP.HCM. |
|
Huấn luyện viên Nguyễn Thanh Phương - võ sư cấp độ Hoàng đai tam cấp (3 đẳng quốc tế) |
Lớp võ thuật Vovinam ra đời từ năm 2014 và duy trì đến nay với số lượng học viên nữ luôn áp đảo so với nam giới. Trong 15 học viên thì có 11 người là nữ, 4 người là nam.
|
Những học viên của lớp võ Vovinam Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết võ thuật giúp họ giải tỏa căng thẳng trong công việc, rèn luyện sức chịu đựng trước áp lực rất lớn của công việc |
Sau những giờ làm việc căng thẳng, những nữ điều dưỡng tưởng chừng rất yểu điệu lại có những giờ phút say mê tung cước trên thảm tập.
Người tập luyện lâu nhất và đạt trình độ cao nhất là điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Huê, 31 tuổi, khoa Bệnh Nhiệt đới (cấp độ lam đai nhị); điều dưỡng Đào Thị Lệ, 31 tuổi, khoa Nội thận (cấp độ lam đai đậm).
|
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Huê, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy |
|
Sự mạnh mẽ của nữ điều dưỡng Thanh Huê trên sàn tập Vovinam |
Vào 2 ngày cuối tuần thứ 7 và chủ nhật, câu lạc bộ võ thuật Vovinam lại sáng đèn ở ngay lầu 1, nơi khám bệnh. Vào dịp cuối tuần, khu vực này không khám bệnh nên được trải thảm để trở thành sân tập luyện cho các điều dưỡng viên. Những hàng ghế chờ được quây lại xung quanh sàn tập luyện.
|
Lớp võ tại bệnh viện nên cũng có những điều khá lạ. Lâu lâu lại có những y bác sĩ đi ngang qua hỏi thăm các đồng nghiệp đang tập luyện. Hoặc thi thoảng lại có bệnh nhân nằm trên băng ca được di chuyển vào phòng bệnh. |
Thân nhân bệnh nhân là những khán giả thường xuyên của lớp võ thuật. Thậm chí, có trường hợp thân nhân bệnh nhân còn tham gia học võ cùng với võ sư Nguyễn Thanh Phương.
Đó là một thanh niên ngoài 30 tuổi ở Kiên Giang. Trong thời gian nuôi bệnh ở khoa Phẫu thuật tim, trong 2 tuần lễ, anh này đã tham gia tập luyện võ thuật cùng với các y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy.
|
Điều dưỡng Đào Thị Lệ, khoa Nội thận |
|
Hình ảnh điều dưỡng Đào Thị Lệ trong võ phục Vovinam |
Tuy nhiên, cũng có lúc cả thầy và trò của lớp võ Vovinam cũng khá lúng túng khi nghe bệnh nhân hỏi: "Bộ bác sĩ học võ để...oánh bệnh nhân hả". Võ sư Nguyễn Thanh Phương chỉ cười xòa vì đa phần ít người biết cũng như y đạo, võ đạo có những nguyên tắc rất nghiêm ngặt: đó là không dùng võ để hại người.
Ngoài thân nhân người bệnh, lớp võ cũng thâu nhận của học viên bên ngoài, bảo vệ bệnh viện. Một điều khá “hụt hẫng” là lúc ban đầu, có ít nhất 3 bác sĩ tham gia tập luyện nhưng do quá bận lịch làm việc và dành thời gian cho phòng mạch riêng, đội ngũ bác sĩ rút lui dần dần.
|
Nguyễn Trung Hậu, kỹ thuật viên khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy |
Với một áp lực căng thẳng của công việc và hầu như không có nhiều thời gian, đã có lúc, võ sư Nguyễn Thanh Phương tính giải tán lớp võ. Tuy nhiên, tình yêu dành cho võ thuật và mong muốn có một sân chơi, một nơi gặp gỡ, giao lưu cho các đồng nghiệp, lớp võ vẫn tiếp tục mở cửa.
Tuy nhiên, thời gian rất linh động và rút gọn lại, từ 3 buổi/tuần xuống còn 2 buổi/tuần. Và khi có những trường hợp cấp cứu thì học viên hoàn toàn có thể vắng mặt mà không cần phải lo lắng bị thầy “la rầy”.
|
Lớp võ thuật còn là nơi chia sẻ tâm tư sau những giờ làm việc |
Lớp võ tại bệnh viện nên thầy – trò cũng rất thoải mái vì cùng là đồng nghiệp. Võ sư Nguyễn Thanh Phương cho biết những bài tập đa phần là nhẹ nhàng để giúp mọi người xả stress, lấy lại sức khỏe, tăng cường giao lưu,nhân viên giữa các khoa.
|
Điều dưỡng Nguyễn Thanh Phương, khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy |
|
Hình ảnh võ sư Vovinam Nguyễn Thanh Phương trên sân tập |
Một điều khá thú vị là môn võ Vovinam chú trọng thực chiến nên ngay từ ban đầu, các học viên hoàn toàn đã được học về các kỹ thuật té ngã, lăn lộn,các kỹ thuật tự vệ cận chiến cơ bản nhất, các tư thế để phòng vệ hữu hiệu.
Điều dưỡng Nguyễn Thanh Phương tự tin cho biết những học viên của lớp võ thuật hoàn toàn có khả năng tự vệ, thoát ra khỏi các tình huống nguy hiểm khi bị uy hiếp…
|
Những võ sinh Vovinam được học các đòn tự vệ ngay từ ban đầu mới nhập học |
Với những kiến thức và kỹ năng võ thuật học được, hẳn nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng một trong những nguyên tắc hàng đầu của những võ sinh điều dưỡng này đó là không bao giờ sử dụng võ thuật trong bệnh viện, lẫn trong cuộc sống đời thường hằng ngày.
Trả lời câu hỏi trong trường hợp bị bệnh nhân hoặc thân nhân hành hung thì cách xử lý ra sao, điều dưỡng Đào Thị Lệ cho biết võ thuật không bao giờ được sử dụng trong những tình huống như thế này.
Thay vào đó, dù có võ thuật và có khả năng ra đòn áp chế nhưng nhân viên y tế sẽ chỉ lẩn tránh và gọi bảo vệ xử lý. Đây không chỉ là phương châm của riêng Lệ mà là một trong những nguyên tắc tuân thủ nghiêm ngặt khi tham gia lớp võ thuật Vovinam tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Võ sư Nguyễn Thanh Phương cho biết: “Một trong mười điều tâm niệm các môn sinh môn phái Vovinam cần ghi nhớ đó là không bao giờ dùng võ thuật để làm hại, lấn lướt người khác, chỉ dùng võ để cản phá sức tấn công của đối thủ, để cảm hóa người,… huống chi đây là trong môi trường bệnh viện, nơi để cứu người.
Vì thế không thể gây hại cho bất cứ ai. Chỉ trong tình huống có thể ảnh hưởng đến tính mạng thì những kỹ năng võ thuật mới được sử dụng để thoát khỏi tình huống nguy hiểm”.
Theo võ sư Nguyễn Thanh Phương, việc rèn luyện sức khỏe cho cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện là rất cần thiết, một mặt nhằm đảm bảo anh ninh trật tự trong bệnh viện, mặt khác quan trọng là nâng cao sức khỏe phục vụ người bệnh: “Tập võ thuật không chỉ để nâng cao trình độ kỹ năng, không chỉ để giao tiếp mà sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp”.
Hiếu Nguyễn