Lạ mà quen

06/07/2013 - 20:16

PNO - PN - Dư luận đang ngạc nhiên và “buồn cười” vì một tờ công văn được coi là “lạ đời” của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội gửi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, có ý kiến về chủ trương “dẹp loạn” tại bến xe Mỹ Đình.

Có một đoạn không ăn nhập gì tới nội dung nhưng lại làm cho tờ công văn của cái hội bề thế này được coi là “lạ đời” và gây sửng sốt cho không ít người. Cái đoạn văn trứ danh ấy như sau: “Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý đến các mối quan hệ: Thái Bình là quê của một Phó Thủ tướng, một Bộ trưởng, hai Thứ trưởng Công an, Nam Định là quê của một Phó Thủ tướng, ba Bộ trưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó ban Kinh tế Trung ương…”.

Đúng là một đoạn “cần lưu ý” thật “lạ đời”! Nó lạ đời vì tỉnh này tỉnh nọ có ông nọ bà kia làm to thì đương nhiên phải có tuyến xe được phép lấy khách ở bến xe Mỹ Đình hay sao? Cái việc tỉnh có người làm to thì liên quan gì đến việc phân tuyến xe chở khách ở thủ đô? Những tỉnh không có ai làm to thì chỉ được phép lấy khách trả khách ở xó xỉnh nào đó chứ không phải bến xe Mỹ Đình? Tuy tám ngày sau người ký công văn này nói rằng ông bận việc, căng thẳng nên ký bừa và xin rút lại thay bằng công văn khác, nhưng việc chống chế ấy chỉ là thái độ “đổ thừa” cấp dưới, không có cái gan người lớn dám làm dám chịu mà thôi.

La ma quen

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cái chuyện tưởng là lạ đời ấy đã từng được cha ông tổng kết từ xa xưa với câu tục ngữ hay được nhắc tới và khá quen thuộc: “chó cậy nhà, gà cậy chuồng”. Thời nay, hiện tượng ấy có vẻ không bớt đi mà lại còn nhiều hơn, phổ biến hơn với những biến thái phức tạp, tinh vi, kín đáo hơn, nhưng vì “cậy” vì “dọa” nên chẳng giấu được ai. Dân gian còn tổng kết hiện tượng “cậy thế” này trong mấy câu “cáo mượn oai hùm”, “sáo đội lông công”. Thời hiện đại, ngắn gọn hơn là kẻ “lòn chui ô dù”! Và chắc chắn không chỉ mỗi mình ông chủ tịch hiệp hội nọ.

Cái công văn “lạ đời” ấy chẳng lạ đời, chỉ là một biến thái của “cháu chú Nhanh” mà thôi.

Hiện tượng “cháu chú Nhanh” đã xảy ra khá nhiều, khi ông Nhanh còn làm giám đốc Công an thủ đô. Vì thói cậy quyền, một anh dân phòng tự cho phép mình bắt ngang xương người nào đó về bót nếu anh ta thích, bất chấp luật pháp. Một ông cán bộ văn phòng Quốc hội đã từng đánh gãy chân một chị nhân viên giúp ông ta chơi gôn khi ông ta bực mình, cáu tiết. Khá nhiều kẻ phạm luật giao thông, thay vì nộp tiền phạt đã hét lên “có biết tao là ai không?” hoặc rút điện thoại trong túi ra bấm một số có thể làm mấy anh cảnh sát giao thông yếu bóng vía đổ mồ hôi hột... Chuyện tương tự còn khá nhiều, đâu chỉ mỗi mình ông chủ tịch hiệp hội nọ.

Một quan chức Quốc hội, ông Lê Như Tiến cho rằng, đó là một công văn “rất lố” và “đây chỉ có thể là do cố ý chứ không thể nhầm được”. Nó cũng “lố” ngang với việc chính ông chủ tịch hiệp hội này đã từng tuyên bố “khu vực Đàn Xã Tắc không thể coi là văn hóa tâm linh của người Việt” và “xóa bỏ Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là “xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân (!)”.

Không ai biết chắc cái lố của công văn trên và việc ủng hộ “xóa Đàn Xã Tắc” có phải tối mắt do miếng bánh bị rút ra khỏi mồm hay chỉ là một phút xốc nổi lỡ miệng, lỡ ký bừa như tác giả tự bào chữa. Nhưng cũng có thể cho đây là dịp may của các nhà xã hội học. Họ có chứng cứ hiển nhiên không thể chối cãi, ít nhất cũng có “một người Việt” nhiễm tính xấu có tên khá cổ xưa là “cậy nhà, cậy chuồng”.  

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI