Lạ lùng chuyện Lê Gia Tông lấy danh hiệu của mẹ phong cho vợ

11/11/2015 - 07:15

PNO - Một trong những việc phong tước hậu cung bị sử sách chê cười là trái đạo lý, ngược phép tắc, đó là trường hợp của vua Gia Tông nhà Hậu Lê.

Chân dung vị Hoàng đế yểu mệnh

Lê Gia Tông là hoàng đế thứ 20 của nhà Hậu Lê và là hoàng đế thứ 9 của thời Lê Trung hưng. Vua có tên thật là Lê Duy Cối, lại có tên khác là Lê Duy Khoái.

Về thân thế, Lê Gia Tông sinh năm Tân Sửu (1661), vua là con thứ của Lê Thần Tông, thân mẫu là Cung nhân Lê Thị Ngọc Hoàn, người xã Phúc Lộc, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa (nay thuộc Thanh Hóa).

Khi hoàng tử Lê Duy Cối mới lên 2 tuổi thì vua cha là Lê Thần Tông băng hà. Chính phi của chúa Trịnh Tạc là Trịnh Thị Ngọc Lung đón về vương phủ nhận làm con, chăm sóc nuôi dưỡng. Thế nên, bà này tuy chỉ là mẹ nuôi nhưng lại được coi là mẹ chính (đích mẫu).

La lung chuyen Le Gia Tong lay danh hieu cua me phong cho vo

Tuyên chiếu lên ngôi (Tranh minh họa)

Ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi (1671), vua Lê Huyền Tông (anh của Lê Duy Cối) lâm bệnh mất, không có con nối dõi. Bấy giờ chúa Trịnh Tạc ban chỉ dụ cho Tiết chế phủ và văn võ đại thần, trong đó có đoạn viết:

“Ngôi báu rất quan trọng, chỉ có con của Tiên đế, người có đức hiền mới đương nổi mà thôi. Nay hoàng đệ Lê Duy Cối là con thứ của Tiên đế Thần Tông uyên hoàng đế, gặp khi tiên đế mất đi, mới lên 2 tuổi, ta vâng lời ký thác chăm non, nuôi dưỡng ở trong phủ, giúp đỡ từ lúc còn bé, dạy bảo sửa chữa, lời nói chính việc làm chính, hàng ngày khiến nghe khiến làm.

Nay đã 11 tuổi, đức tính và tuổi đều cùng tiến, vốn người hiền hiếu, có thể nối được nghiệp lớn, nên tôn lập lên ngôi hoàng đế để khỏi phụ lòng mong mỏi của thần dân trong nước. Tiết chế phủ và các quan đại thần văn võ nên theo ý chỉ của ta, cùng lòng giúp đỡ, khuya sớm kính chăm, đều hết chức vụ, đên nên công trí trị, tới phúc dài lâu, để giữ được đế nghiệp vương lâu đời”.

Ngày 19 tháng 11 năm Tân Hợi (1671), quần thần đón Lê Duy Cối tôn lên ngôi hoàng đế. Khi mới lên ngôi, Lê Gia Tông không đặt niên hiệu ngay mà lấy năm sau mới đặt. Trong thời gian ở ngôi, vua đã đặt hai niên hiệu là: Dương Đức (1672 – 1674) và Đức Nguyên (1674 – 1675).

Ở ngôi được 4 năm thì Lê Gia Tông mắc bệnh hiểm, mất vào ngày mồng 3 tháng 4 năm Ất Mão (1675), thọ 14 tuổi. Triều đình đặt thụy hiệu là “Khoan minh Mẫn đạt Anh quả Huy nhu Khắc nhân Đốc nghĩa Mỹ hoàng đế”. Tháng 6 năm đó, thi hài vua được đưa về an táng tại quê mẹ ở xã Phúc Lộc, huyện Thụy Nguyên và nơi chôn cất được gọi là lăng Phúc An.

Đánh giá về Lê Gia Tông, sử viết: “Vua tướng mạo anh vĩ, tính trời khoan hòa, có đức độ đế vương. Tiếc rằng ở ngôi không được lâu, chưa thấy làm được việc gì” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Chuyện lạ mà chẳng được coi là lạ

Nếu như thời Trần có Trần Thái Tông truy phong cho vợ làm Thái hậu, một danh hiệu chỉ dùng để tôn phong cho mẹ vua, khiến sử sách chê trách, thì đến đời Hậu Lê lại có chuyện Lê Gia Tông phong cho mẹ danh hiệu chỉ dành cho vợ vua.

Ngay sau khi lên ngôi, Lê Gia Tông đã tôn mẹ nuôi là Trịnh Thị Ngọc Lung làm Quốc Thái Mẫu, còn mẹ đẻ thì không tôn phong danh vị gì. Đến tháng 7 năm Giáp Dần (1674), vua mới xuống chiếu tôn mẹ đẻ làm Chiêu Nghi.

La lung chuyen Le Gia Tong lay danh hieu cua me phong cho vo
Tranh vẽ cung tần triều Hậu Lê (Hình minh họa)

Sách Lê triều quan chế, ở phần Hoàng triều quan chế có quy định về chế độ thứ bậc trong cung đời Hậu Lê như sau: Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu; tiếp đến là Tam phi (gồm Quý phi, Minh phi và Kính phi).

Kế sau đó là Cửu tần, gồm có Tam chiêu (Chiêu nghi, Chiêu dung và Chiêu viên), Tam tu (Tu nghi, Tu dung và Tu viên), Tam sung (Sung nghi, Sung dung và Sung viên); tiếp đến là Sáu chức gồm: Tiệp dư, Dung hoa, Tuyên vinh, Tài nhân, Mỹ nhân và Lương nhân.

Như vậy thật lạ lùng, Lê Gia Tông không phong mẹ đẻ danh hiệu tôn quý đã là chuyện ít thấy, nhưng lại dùng danh hiệu dành cho vợ vua để phong cho mẹ mình thì lại là điều rất khác thường.

Khi bàn luận về sự kiện đó, các sử gia triều Nguyễn lại cho rằng, nó cũng không phải là chuyện lạ kỳ gì: “Từ đời cổ, vua chúa tôn xưng danh hiệu mẫu hậu thì tôn xưng là Hoàng thái hậu hoặc Hoàng thái phi. Còn như Chiêu nghi là hiệu cung giai, nay đem danh hiệu ấy tôn xưng mẫu hậu thì thật không ra lễ nghi gì cả.

Lúc ấy, chính quyền ở trong tay họ Trịnh, vua nhà Lê có cử động việc gì cũng đều bị ngăn cản ức chế. Như thế thì việc này cũng không có gì đáng lấy làm quái lạ” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI