Lạ kỳ như giải... nhặt rác thế giới ở Nhật Bản

23/11/2023 - 06:01

PNO - Ngày 22/11, giải nhặt rác thế giới (Spogomi World Cup) đã diễn ra tại Nhật Bản với sự tham dự của 21 đội từ khắp thế giới.

World Cup Spogomi chứng kiến ​​21 quốc gia tranh tài để thu gom nhiều rác nhất trong một thời hạn nhất định. ẢNH: REUTERS
World Cup Spogomi có 21 quốc gia tranh tài để thu gom nhiều rác nhất trong một thời hạn nhất định - Ảnh: Reuters

Để chiến thắng giải thưởng này, các đội phải chiến đấu, cạnh tranh để thu gom nhiều rác nhất trong một thời hạn nhất định. Họ phải lùng sục khắp đường phố để tìm kiếm nhựa, tàn thuốc lá và các loại rác khác.

Spogomi là từ kết hợp giữa “sport” (thể thao) và “gomi” (tiếng Nhật có nghĩa là rác). World Cup Spogomi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 với quy mô trong nước nhằm khuyến khích mọi người dọn dẹp không gian công cộng. Năm nay, lần đầu tiên Spogomi World Cup diễn ra với sự cổ vũ nhiệt liệt của nhiều người địa phương và khách du lịch.

Người sáng lập Spogomi là anh Kenichi Mamitsuka. Kenichi cho biết, anh bắt đầu nhặt rác trong các buổi chạy bộ buổi sáng của mình. Sau đó, anh nhận ra rằng, có thể biến việc nhặt rác thành một hoạt động thú vị.

Kenichi cho biết, việc tổ chức giải vô địch thế giới đầu tiên của sự kiện này “giống như một giấc mơ”, nhưng anh lạc quan tin rằng nó có thể phát triển ở quy mô lớn hơn nữa.

“Nếu bạn thành lập hiệp hội spogomi ở mỗi quốc gia, tham vọng của tôi là nó có thể trở thành một sự kiện trình diễn Olympic” - anh nói khi đứng trước gần 550kg rác mà những người tham gia cuộc thi thu gom lại.

Điểm được trao dựa trên số lượng và chủng loại, trong đó các hạng mục nhỏ như đầu điếu thuốc lá được ghi điểm cao. ẢNH: REUTERS
Một đội đang tham gia cuộc thi 

Được trang bị găng tay, kẹp kim loại và túi đựng rác bằng nhựa, mỗi đội 3 người đi lang thang trong khu vực rộng khoảng 5km2 ở quận Shibuya nhộn nhịp của Tokyo để thu gom rác.

Những người tham gia phải làm việc chăm chỉ, nhanh gọn và sạch sẽ. Việc chạy, lục soát các thùng rác hay theo dõi các đội khác đều bị cấm. Mỗi đội sẽ có một trọng tài theo dõi để nhắc nhở.

Trong cả buổi sáng và buổi chiều, các nhóm thi có 45 phút để nhặt rác và 20 phút để phân loại rác.

Mỗi đội phải giành được quyền đại diện cho đất nước mình tại Tokyo bằng cách giành chiến thắng trong các cuộc thi quốc gia.

Điểm được tính dựa trên số lượng và loại rác, trong đó rác là đầu điếu thuốc lá được ghi điểm cao.

Cô Petrya Williams đến từ Úc cho biết, nhóm của cô đã tìm thấy một số địa điểm tuyệt vời "giống như bản đồ kho báu” khi nhặt được nhiều rác.

Lý do tham gia của các đội thi cũng rất đa dạng. Anh Jamie Gray, cũng đến từ Úc, cho biết nhóm của anh thuộc một nhóm thiền và “dọn dẹp là một phần triết lý của chúng tôi”.

Đội của Pháp có lợi thế khi cả ba thành viên đều làm việc trong ngành thu gom rác thải. “Chúng tôi có kinh nghiệm và năng khiếu về nhặt rác" - anh Usman Khan, 32 tuổi, nói.

Cuối ngày, đội tuyển Anh được tuyên bố là đội chiến thắng sau khi thu gom được 83kg rác.

Philippe Louis de Froberville đến từ Nam Phi cho biết, đường phố tương đối sạch sẽ của Tokyo khiến việc tìm rác khó hơn so với cuộc thi ở quê nhà của anh.

“Cuộc thi này sẽ là nơi bạn tập hợp những người cùng sở thích với mình” - người đàn ông 33 tuổi đến từ Durban cho biết. Anh nói rằng, niềm đam mê lướt sóng và đại dương đã khiến anh tham gia vào công việc nhặt rác.

“Nếu bạn bắt đầu khi còn trẻ, bạn sẽ muốn làm điều đó khi bạn lớn hơn và bạn sẽ muốn chăm sóc môi trường của mình” - anh nói thêm.

Anh Mamitsuka tin rằng, việc thay đổi cách mọi người nghĩ về rác là chìa khóa thành công của cuộc thi. Anh tâm sự, ban đầu mọi người nghĩ rằng anh là kẻ điên rồ, nhiều người còn chế giễu những người làm nghề nhặt rác. Sau đó anh bắt đầu nghe câu chuyện của những người tham gia cuộc thi và những thói quen tốt mà họ truyền lại cho con cái mình. “Điều đó khiến tôi nghĩ rằng mình nên tiếp tục. Mục tiêu của chúng tôi là tổ chức các sự kiện spogomi ở 50 quốc gia vào năm 2030” - anh nói thêm.

Thảo Nguyễn (theo AFP)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI