Lá dong đâu chỉ để gói bánh chưng, bánh tét

22/01/2020 - 06:11

PNO - Cây lá dong thường mọc hoang ở những vùng núi ẩm ướt, được người dân hái lá dùng gói bánh chưng, bánh tét.

Cây lá dong (tên khoa học Phrynium parvifloum Roxb) còn gọi là cây lùn. Cây cao khoảng 1m, lá to hình trứng thuôn dài, đầu nhọn nhẵn, thường có độ dài 35cm, rộng 12cm, cuống dài 22cm, trong đó 2-3cm phía trên nhẵn.

Lá dong có vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn nên có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết, lợi niệu. Do đó, lá dong được xem là loại thảo dược chữa một số bệnh thông dụng nhưng cũng mới được sử dụng theo kinh nghiệm trong nhân dân, chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể.

Người dân thường dùng lá dong để giải ngộ độc rượu, trị lở loét miệng, men gan cao, suy nhược và cầm máu vết thương. Ngoài ra, rễ của cây còn có tác dụng chữa lỵ, tiểu tiện đỏ, đau, sưng gan.

Chữa bệnh bằng lá dong theo kinh nghiệm dân gian

1. Chữa say rượu, dùng làm thuốc giải độc

Lấy 1 nắm lá tươi khoảng 200g giã nát, vắt lấy nước uống ngay sau khi uống rượu say. Hoặc dùng 80g lá dong khô đun nước uống.

2. Chữa rắn cắn

Lấy lá tươi nhai nát, nuốt lấy nước, dùng bã đắp vào nơi bị rắn độc cắn.

3. Chữa ngộ độc

Đọt lá dong 50g, rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống. Ngày làm 2 - 3 lần.

4. Chữa vết thương

Lá dong 100g, rửa sạch, giã nhỏ, đắp băng. Nếu vết thương chảy máu sẽ cầm lại ngay.

5. Chữa rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày

Lá dong đốt tồn tính, mỗi lần uống 20g với nước sôi để nguội. Ngày uống 2-3 lần.

6. Làm thuốc mát gan, giải độc gan

 Lấy 80g lá dong khô đun nước uống hàng ngày.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga - Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quận 2, TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI