“Lá cờ thêu 6 chữ vàng”: Hào khí thiếu niên hòa quyện cùng làn điệu dân ca

13/05/2024 - 07:58

PNO - Trước khi lên đường ra Bắc dự Liên hoan nghệ thuật Sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024, sân khấu Sen Việt đã giới thiệu vở nhạc kịch Sử Việt “Lá cờ thêu 6 chữ vàng” (tác giả: Nguyên Phương, đạo diễn: Nguyên Đạt) đến khán giả TPHCM.

Nghệ sĩ Lệ Trinh trong vai Trần Quốc Toản và nghệ si
Nghệ sĩ Lệ Trinh trong vai Trần Quốc Toản và nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Vũ Luân trong vai chú Phương, thầy dạy võ của Trần Quốc Toản.

Lá cờ thêu 6 chữ vàng kể câu chuyện quen thuộc trong sử sách về Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Trước cơn quốc biến gia vong khi quân Mông - Nguyên xâm lược nước ta lần 2 (năm 1285), Trần Quốc Toàn dù chỉ ở tuổi 15 vẫn tình nguyện tòng quân chống giặc.

Chí khí của người anh hùng thiếu niên với hình ảnh lá cờ thêu 6 chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” mãi được truyền tụng, là một nét son trong truyền thống yêu nước ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Giai thoại về người anh hùng thiếu niên bóp nát quả cam
Giai thoại về người anh hùng thiếu niên "bóp nát quả cam" vì uất ức khi không đủ tuổi bàn việc nước được tái hiện trong vở diễn.
Trần Quốc Toản tập hợp các thiếu niên yêu nước, rèn luyện võ nghệ, sẵn sàng chống giặc.
Trần Quốc Toản tập hợp các thiếu niên yêu nước, rèn luyện võ nghệ, sẵn sàng chống giặc.
Nhiều lớp vũ đạo khó và hấp dẫn
Nhiều lớp vũ đạo khó và hấp dẫn được dàn dựng trong vở.

Để “làm mới” một hình tượng đã rất quen thuộc với khán giả sân khấu, đặc biệt là vở cải lương Lá cờ thêu 6 chữ vàng rất nổi tiếng của đoàn Cải lương Nam bộ ngày nào, đạo diễn Nguyên Đạt đã chọn thể hiện theo hình thức nhạc kịch dân ca Nam bộ.

Dù được cảm tác và viết lại từ vở cải lương Lá cờ thêu 6 chữ vàng nhưng đây không phải là một vở cải lương. Dù có sử dụng một số bài bản cải lương nhưng phần âm nhạc chủ đạo là các điệu lý dân ca Nam bộ, ví dụ như: lý con sam, lý Trị An, lý chim quyên, lý cây ổi, lý Mỹ Trà, lý tòng quân, lý đương đệm, lý Mỹ Hưng, lý đêm trăng, lý cá lìm kìm, lý con cua, lý chuồn chuồn… Các bài bản, điệu lý này đều được nhạc sĩ Thanh Liêm phối mới nên vừa đậm đà chất dân tộc lại trẻ trung, tươi mới.

Nhiều điệu lý Nam bộ được sử dụng trong vở diễn.

“Ngoài yếu tố giáo dục lịch sử, chúng tôi còn muốn để các em nghe quen tai những điệu lý quê hương. Như thời của chúng tôi trước đây, được nghe đi nghe lại nên âm nhạc dân tộc cũng thấm vô người.

Hay nói cách khác, đây cũng là phương thức âm thầm đào tạo khán giả kế thừa hướng tới sân khấu tộc, trước là dân ca và sau là sân khấu cải lương” – đạo diễn Nguyên Đạt cho biết.

Vở diễn Lá cờ thêu 6 chữ vàng mong muốn tái hiện hình ảnh người anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản từ trong sử sách một cách gần gũi và sống động với khán giả thiếu nhi hôm nay.

Đạo diễn Nguyên Đạt cho biết, sau khi dự Liên hoan nghệ thuật Sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024 tại Hải Phòng trở về (đoàn thi vào tối 18/5), Lá cờ thêu 6 chữ vàng sẽ tiếp tục phục vụ khán giả thiếu nhi trong dịp hè này. Trước mắt, đơn vị đã hợp đồng được 6 suất diễn cho các trường học (dự kiến đón 450 học sinh/suất), bắt đầu từ 25/5.

Theo đạo diễn Nguyên Đạt, làm sân khấu thiếu nhi không dễ nên hiện vẫn còn nhiều điều lo lắng. “Vẫn phải vừa làm vừa chỉnh, theo dõi phản hồi để xem vở diễn có đáp ứng được đối tượng khán giả của mình hay không. Và phải làm sao để không chỉ thiếu nhi mà người lớn xem cũng thấy thích” – ông Đạt nói.

Lá cờ thêu 6 chữ vàng có sự tham gia của: nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Vũ Luân (chú Phương, thầy dạy võ của Trần Quốc Toản), NSƯT Lê Trung Thảo (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn), NSƯT Hoàng Tùng (vua Trần Nhân Tông), các diễn viên Lệ Trinh (Trần Quốc Toản), Thanh Khang (Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc), Võ Ngọc Quyền (mẹ Trần Quốc Toản)…
Lá cờ thêu 6 chữ vàng có sự tham gia của: NSƯT Vũ Luân (chú Phương, thầy dạy võ của Trần Quốc Toản), NSƯT Lê Trung Thảo (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn), NSƯT Hoàng Tùng (vua Trần Nhân Tông), các diễn viên Lệ Trinh (Trần Quốc Toản), Thanh Khang (Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc), Võ Ngọc Quyền (mẹ Trần Quốc Toản)…

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI