Lá chuối gói xôi, lá sen gói bún

05/08/2019 - 07:40

PNO - Tại TP.HCM và Hà Nội, trung bình mỗi ngày thải ra 80 tấn rác thải nhựa, trong đó có túi ni-lông. Hầu hết sản phẩm nhựa đều có tuổi thọ từ hơn 350 năm cho tới hơn 1.000 năm.

Túi ni-lông, chai nhựa, bao gói nhựa... nếu không được thu gom, tái chế, sẽ làm ô nhiễm môi trường đất và nước, gây tắc nghẽn dòng chảy. 

Những thông điệp nói trên đã được chị em ý thức và truyền tai nhau. Chưa bao giờ, cuộc chiến “chống rác thải nhựa” và “nói không với túi ni-lông” lại lan tỏa mạnh mẽ trong giới chị em như vậy. 

Ngồi đâu cũng lấy giấy ra xếp

Từ giấy báo và tạp chí cũ, hơn 20 chị em “Tổ hợp tác túi giấy trao tay” - Hội LHPN Q.11 - đã tỉ mỉ cắt, gấp, xếp, dán thành những chiếc túi giấy xinh xắn. Công việc được thực hiện đều đặn vào thứ Năm hằng tuần. 

La chuoi goi xoi, la sen goi bun
Các chị tham gia xếp túi giấy

Ban đầu, tổ có chín thành viên, được phát giấy báo cũ và hướng dẫn cách xếp để tranh thủ lúc nhàn rỗi ở nhà. Sản phẩm sau đó được phát miễn phí cho các cửa hàng mua bán nhỏ, các gánh hàng rong… với mục đích tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni-lông. 

Để phong trào được lan tỏa, mỗi tuần các chị đều dành một buổi để gặp gỡ, trò chuyện. Và cứ sau mỗi buổi gặp gỡ, số lượng thành viên lại tăng, số lượng túi giấy cũng tăng đáng kể. Đến nay, tổ đã có 32 thành viên. Thành viên mới là chị Cao Thị Kim Phượng nói: “Mấy ngày trước, chị Hồng thành viên trong tổ rủ, nhưng tôi còn chần chừ. Rồi thấy các chị livestream vui quá nên hôm nay tôi đến chơi. Xếp túi này dễ ợt hà, nhìn thoáng qua là tôi làm được liền, mới hơn nửa tiếng mà xếp được vài chục cái rồi đó”.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh - tổ phó Tổ hợp tác túi giấy trao tay - cho biết: “Xếp riết rồi quen tay. Ngồi đâu cũng lấy giấy ra xếp. Thấy có tờ giấy đẹp là lấy ướm thử, thấy hờm hờm bằng tờ giấy A4 thì cắt gọn lại để dành, xếp thành túi rồi mang góp vào tổ”.

“Tổ ra đời với mong muốn góp phần hình thành thói quen “nói không với túi ni-lông”. Bước đầu, tổ xếp và phát miễn phí, sau này quen tay và có nhiều mẫu mã đẹp thì bán để có thêm thu nhập nhàn rỗi cho chị em. Qua bốn tháng hoạt động, đến nay đã có nhiều người ủng hộ và đặt mua. Mỗi chiếc túi giấy được bán với giá 100 đồng” - chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Ủy viên Thường vụ, Hội LHPN Q.11 - cho biết.

Gói xôi, gói bún bằng lá sen, lá chuối

“Mấy tháng nay, bán được lắm. Nhờ mình gói xôi bằng lá chuối nên ai ăn cũng khen thơm, khen ngon” - chị Âu Thị Lộc, một người bán tạp hóa kiêm bán xôi, bánh mì, trong một hẻm nhỏ trên đường Ông Ích Khiêm, Q.11, cho hay. 

Chị Lộc cho biết, trước đây chị đựng xôi trong hộp xốp rồi bỏ vào túi ni-lông. Mấy tháng nay, từ khi được Hội Phụ nữ phát túi giấy và tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni-nông, chị hưởng ứng và đặt mua thêm túi giấy để đựng xôi, bánh mì. Bánh mì thay vì đựng trong túi ni-lông thì đựng trong túi giấy. Túi giấy hết thì chị tự xếp thêm. Bên cạnh đó, chị cũng đã tìm mối bỏ lá chuối để gói xôi. Nhắc đến chi phí, chị cười: “Thôi kệ, có mắc hơn một chút cũng không sao, vì môi trường mà”. 

Tại chợ Củ Chi, hàng bún của chị Trần Thị Dẻo luôn đông khách. Khách đến với hàng của chị không chỉ vì quen biết mà còn vì bún của chị gói bằng lá sen, lá chuối. Bún được giữ tươi và thơm hơn. 

35 năm kinh doanh ngành hàng bún, hủ tíu tại chợ Củ Chi, chị Dẻo luôn là người tiên phong trong các phong trào của Hội Phụ nữ chợ. Chị cho biết: “Lúc trước, tôi bỏ bún vào túi ni-lông. Nếu khách không mang giỏ xách thì tôi cho thêm một túi ni-lông nữa. Nhưng mấy năm trở lại đây, tôi nghĩ mình phải thay đổi để hạn chế sử dụng túi ni-lông. Lúc nào có lá sen, lá chuối thì tôi gói bún bằng lá. Còn như hủ tíu, giá sống, các mặt hàng khô thì tôi đựng bằng túi giấy. Những lúc không có lá, không có túi giấy thì tui dùng túi ni-lông tự hủy”.

Mỗi nơi, mỗi cấp Hội đều có những hoạt động khác nhau. Có nơi xếp túi giấy để tặng, có nơi phân phối túi ni-lông tự hủy, có nơi lại vận động chị em xách giỏ đi chợ, sử dụng túi vải thay cho túi ni-lông… Tuy là những việc làm nho nhỏ nhưng đây là bước khởi đầu của một chiến dịch lâu dài rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng để bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta. 

Tại buổi họp giao ban khối chợ, bà Cổ Tấn Mỹ Dung - Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN TP.HCM - cho biết: tại 54 chợ có Hội Phụ nữ thuộc cấp quận huyện quản lý hiện đang duy trì 78 điểm bán túi ni-lông tự hủy. Các điểm bán túi ni-lông tự hủy sẽ là cầu nối và tuyên truyền, vận động tiểu thương và người dân hạn chế và dần tiến đến từ bỏ thói quen sử dụng túi ni-lông để thay bằng túi ni-lông tự hủy và các loại túi thân thiện với môi trường. 

“Hiện nay, tại chợ Thị Nghè, Q.Bình Thạnh, đã có ba điểm bán túi ni-lông tự hủy. Hội Phụ nữ chợ liên hệ và mua được túi ni-lông với giá hợp lý, các điểm bán túi cũng có các chế độ ưu đãi cho các tiểu thương là giảm giá 2.000 đồng/kg túi nhằm khuyến khích sử dụng túi ni-lông tự hủy, túi thân thiện với môi trường” - chị Phạm Phương Khanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh - cho biết.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI