Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025

Kỳ vọng về một đại hội xứng với niềm tin nhân dân

10/10/2020 - 07:04

PNO - Với chủ đề “Nâng cao trách nhiệm nêu gương, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, xứng đáng với niềm tin của nhân dân”, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ được tổ chức từ ngày 14 đến 18/10.

Sự kiện chính trị quan trọng của thành phố đầu tàu cả nước

Đại hội có 445 đại biểu tham dự, trong đó 59 đại biểu đương nhiên, 386 đại biểu được bầu từ đại hội Đảng bộ các quận, huyện và cấp cơ sở trực thuộc Thành ủy TPHCM.

Đại hội Đảng bộ TPHCM lần này sẽ bàn về trách nhiệm lãnh đạo toàn diện với việc phát triển thành phố trong 5 năm tới và những năm tiếp theo. Kết quả thực hiện nghị quyết của đại hội không chỉ thể hiện bằng những chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, mà còn được đo lường bởi sự hài lòng, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ TPHCM. 

Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải tại cuộc thi viết “Hành trình vãng gia - tham vấn - kết nối vãng gia” năm 2020 - Ảnh: Diễm Trang
Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải tại cuộc thi viết “Hành trình vãng gia - tham vấn - kết nối vãng gia” năm 2020 - Ảnh: Diễm Trang

Được biết, dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 là một công trình công phu, thể hiện rõ những mong muốn, kỳ vọng của người dân thành phố. Ngay từ khi bắt đầu chuẩn bị văn kiện ngày 29/8/2019, Ban Thường vụ Thành ủy đã khảo sát, tiếp nhận ý kiến người dân. Qua 6 hội nghị lấy ý kiến từ nhiều thành phần trong xã hội, Thành ủy TPHCM đã tiếp nhận 178 ý kiến đóng góp cho bản dự thảo văn kiện đại hội.

Sự đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân vào văn kiện minh chứng cho việc người dân cùng hành động và giao nhiệm vụ cho Đảng bộ TPHCM; gửi gắm niềm tin vào đại hội, vào sự kiện chính trị quan trọng của thành phố. 

Người dân vui mừng khi Đại hội bàn về "hạnh phúc" 

Tại đại hội lần này, trong các dự thảo văn kiện, Thành ủy TPHCM sẽ trình dự thảo đề án “Nghiên cứu tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TPHCM hiện nay”. Đề án do Sở Văn hóa và Thể thao làm cơ quan thường trực nhằm đề xuất, kiểm nghiệm và đưa ra bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc của TPHCM hiện nay (do Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu xây dựng thông qua đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) đồng thời gợi mở một số vấn đề cần quan tâm về chính sách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình tại TPHCM.

Từ đó, đề án tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình và tiếp thu những giá trị nhân văn mới, không ngừng củng cố và nâng cao hạnh phúc gia đình trong bối cảnh hướng tới phát triển gia đình bền vững, góp phần xây dựng TPHCM trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 

“Xây dựng gia đình hạnh phúc” là một trong những mối quan tâm lớn không chỉ của các cá nhân mà của toàn xã hội - Ảnh: Phùng Huy
“Xây dựng gia đình hạnh phúc” là một trong những mối quan tâm lớn không chỉ của các cá nhân mà của toàn xã hội - Ảnh: Phùng Huy

Dự thảo đề án khi được đưa ra lấy ý kiến chuyên gia đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của nhiều người dân, đặc biệt là những người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội, trực tiếp làm công tác bảo vệ giềng mối gia đình; các chuyên gia tâm lý học, xã hội học.

Ông Nguyễn Hữu Châu - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc - cho rằng: “Việc Đảng bộ thành phố lựa chọn đề án này cho thấy tính nhân văn của thành phố. Hạnh phúc của nhân dân không dừng ở các công trình cao tầng, dự án cầu vượt, tuyến metro… những tiện nghi vật chất cần có. Điều người dân cần cuối cùng vẫn là mái ấm bình yên, hạnh phúc”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, chi bộ khu phố 2B, phường An Phú Đông, quận 12, nói: “Tôi tin chắc chắn ở đại hội lần này, đề án sẽ được thông qua bởi tính nhân văn, cấp thiết của nó, bởi sự phát triển của thành phố cốt yếu cũng vì mục tiêu lớn nhất: phát triển thành phố, đồng hành với việc nâng cao chất lượng sống và hạnh phúc của mỗi người dân”.

Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - bày tỏ: "Việc xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc của thành phố không chỉ phù hợp trong bối cảnh hiện nay mà còn mang tính đột phá, gắn chặt với cuộc vận động xây dựng gia đình hạnh phúc mà thành phố chúng ta đang phát động.

Tuy nhiên, để đề án trở thành hiện thực, cũng như để cuộc vận động xây dựng gia đình hạnh phúc của thành phố đi vào chiều sâu, đúng hướng, có cơ sở khoa học và đạt hiệu quả thiết thực, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sớm thảo luận, tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành Bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc của thành phố trong giai đoạn mới trên cả ba phương diện, gồm: Tiêu chí gia đình hạnh phúc trong lĩnh vực đời sống kinh tế, vật chất và thể chất của gia đình; Tiêu chí gia đình hạnh phúc trong lĩnh vực các mối quan hệ gia đình - xã hội; Tiêu chí gia đình hạnh phúc trong lĩnh vực đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng".

Chúng tôi tin tưởng rằng việc sớm ban hành Bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc của thành phố sẽ là căn cứ quan trọng có tính khoa học và thực tiễn giúp các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan truyền thông và báo chí triển khai và thực hiện thành công đề án “Xây dựng gia đình hạnh phúc 2020-2030” của thành phố. 

Niềm vui và điều cần suy ngẫm

Trong kỷ nguyên số, con người có những thay đổi chóng mặt về cách sống, cách thích ứng với xã hội phát triển cùng muôn màu biến tướng. Việt Nam đang trong xu thế hội nhập rất ấn tượng nhưng cũng mang đến những “khuôn mẫu” mới làm nhiều người lo lắng, nhất là khi các biểu hiện lạ trong cách thức ứng xử giữa người với người xuất hiện ngày càng nhiều. Đã có không ít trường hợp con cái “lôi” cha mẹ ra tòa để phân chia tài sản, đã có không ít cặp vợ chồng “xử” nhau bằng các thủ đoạn độc chiêu khi đồng tiền trở thành tấm vé thông hành cho lộ trình thăng tiến… Gia đình đã không thể giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp từng là nền tảng để sản sinh ra các anh hùng, đã trở thành tài sản vô cùng quý giá của văn hóa Việt Nam? 

Nhiều người tự hỏi rằng điều gì đã xảy ra và điều gì sẽ phải tới nếu các giềng mối từ gia đình có thể bị xô đổ và gia đình mất dần bản chất thiêng liêng. Một khi gia đình không còn là tiền đồn của giáo dục, giá trị của giáo dục nhân cách thì xã hội này sẽ ra sao, cuộc đời của các thế hệ tương lai sẽ “trôi” về đâu?

Lựa chọn đề án này để triển khai trong nhiệm kỳ mới, đồng nghĩa, Thành ủy TPHCM đã “chốt” phương án xây dựng thành phố thành một đô thị phát triển với mục tiêu hướng tới một xã hội kỷ cương, nghĩa tình, hạnh phúc… 

Tôi tin rằng, với đề án và bộ tiêu chí này, công dân TPHCM sẽ có điều kiện chia sẻ, tự nguyện thể hiện tinh thần văn minh của mình qua cách ứng xử vừa thể hiện văn hóa thị dân, vừa bộc lộ các giá trị bản chất của cư dân Sài Gòn - TPHCM vốn trọng nghĩa khinh tài và phản ánh phong cách hào hoa nghĩa hiệp, chân chất ôn hòa…

Kết quả của đề án xây dựng bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình không phải là một sản phẩm có tính pháp quy mà thể hiện một “cam kết” tự nguyện thực hiện đầy cảm xúc và trách nhiệm của người dân TPHCM để tiếp tục cùng cả nước xây dựng một xã hội tiến bộ, nhân ái và đầy tình thương yêu từ nơi bắt đầu và cũng là nơi kết thúc quá trình làm người: gia đình…

Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Phương Duy 
Học viện Cán bộ TPHCM

Hạnh Chi

 

 

 

 

 
TIN MỚI