Kỳ vọng về một chính sách khuyến sinh toàn diện, hiệu quả: Nhiều đề xuất có lợi cho phụ nữ khi sinh con

15/04/2025 - 06:00

PNO - Mới đây, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số và dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đã đề xuất nhiều chính sách khuyến sinh thu hút sự quan tâm của người dân. Đây được xem là những tín hiệu tích cực trong nỗ lực giải quyết bài toán dân số hiện nay. Tuy nhiên, các ý kiến góp ý cũng cho rằng để khuyến sinh thành công, cần có những chính sách tổng thể, toàn diện.

Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) - nhận định dự thảo Luật Dân số đang mang đến chính sách đồng bộ để khuyến khích mỗi gia đình sinh đủ 2 con, đối phó với tình trạng mức sinh thay thế đang suy giảm.

Gỡ nhiều mối lo

Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) - cho biết, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số và dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đã đề xuất kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng đối với lao động nữ sinh con thứ hai. “Đây được xem là giải pháp khuyến khích của Nhà nước để người dân sinh đủ 2 con. Tuy nhiên, để có thể thực hiện, cần có sự chung tay, chia sẻ của bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp - người sở hữu lao động” - ông Lê Thanh Dũng nói.

Gia đình Chị Nguyễn Thị Linh (SN 1989) và anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1985) ở quận Hà Đông, Hà Nội hạnh phúc với 4 con.  Chị Linh cho rằng nếu có các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, việc làm thì phụ nữ sẽ mạnh dạn sinh con - ẢNH: LINH NGUYỄN
Gia đình Chị Nguyễn Thị Linh (SN 1989) và anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1985) ở quận Hà Đông, Hà Nội hạnh phúc với 4 con. Chị Linh cho rằng nếu có các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, việc làm thì phụ nữ sẽ mạnh dạn sinh con - Ảnh: Linh Nguyễn

Cũng theo ông Dũng, bên cạnh đề xuất kéo dài thời gian nghỉ thai sản, dự thảo lần này còn đề xuất trao quyền quyết định cho các cặp vợ chồng và cá nhân trong việc sinh con - thời gian sinh con; số con; khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của từng cá nhân, cặp vợ chồng. Đáng lưu ý, dự thảo cũng đề xuất phụ nữ sinh đủ 2 con ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp được hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội.

Chị Nguyễn Hồng Liên - 32 tuổi, công nhân một công ty nhựa ở quận Bình Tân, TPHCM - rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch các điểm trông trẻ và đánh giá đây là bước đi thiết thực, đánh đúng nhu cầu của nhiều cặp vợ chồng có con nhỏ. “Vợ chồng tôi sinh bé đầu phải gửi về quê nhờ ông bà ngoại trông vì nhà trẻ công lập thì mình không đủ tiêu chuẩn gửi con, còn nhà trẻ tư chi phí quá cao. Với chính sách lần này, hy vọng có nhà trẻ phù hợp gần nơi làm việc để công nhân chúng tôi bớt nỗi lo khi sinh con” - chị kỳ vọng.

Cùng chung niềm vui, chị Phạm Thu Phương - 34 tuổi, nhân viên một ngân hàng ở quận 5, TPHCM - chia sẻ: “Tăng thêm 1 tháng nghỉ thai sản để khuyến sinh thực sự rất ý nghĩa. Cách đây 2 năm, tôi sinh non con đầu lòng, cháu rất yếu. Trong 6 tháng nghỉ thai sản, tôi ấp con bằng phương pháp kangaroo. Tôi đi làm trở lại trong sự thấp thỏm, âu lo. Giá mà lúc đó tôi được nghỉ thêm, có lẽ con đã cứng cáp hơn”.

Không chỉ vậy, anh Nguyễn Văn Tưởng - 31 tuổi, kỹ sư ngành in ở quận Tân Phú, TPHCM - còn hào hứng với chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Anh nói: “Vợ chồng tôi đang ở nhờ nhà mẹ vợ. Bây giờ nhà nước vừa tăng thời gian nghỉ thai sản, vừa hỗ trợ thuê mua nhà ở xã hội, chúng tôi rất mừng, có động lực sinh con”.

Hỗ trợ y tế kịp thời, chất lượng là một giải pháp cần quan tâm để khuyến sinh - ẢNH: NHÃ CHÂN
Hỗ trợ y tế kịp thời, chất lượng là một giải pháp cần quan tâm để khuyến sinh - Ảnh: Nhã Chân

Mong chính sách hoàn thiện, toàn diện

Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ, nhiều chị em cũng bày tỏ những kỳ vọng về một chính sách dân số toàn diện hơn. Chị Bích Trần - 30 tuổi, công tác tại một công ty truyền thông ở TPHCM - đang mang thai cho rằng ngoài tăng thời gian nghỉ thai sản, để quyết định sinh con thứ hai còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như tài chính, điều kiện làm việc, phúc lợi xã hội…

Đồng quan điểm, chị Trương Thị Mỹ Tiên - 32 tuổi, công tác tại một bệnh viện phụ sản - kỳ vọng vào những hỗ trợ cụ thể hơn: “Để thực sự khuyến khích người lao động sinh con, tôi mong nhà nước có những chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp, ví dụ cấp phát tã sữa hằng tháng, hỗ trợ chi phí thuê hoặc mua nhà cho người có thu nhập thấp”.

Còn chị Phan Phương Thảo - 32 tuổi, nhân viên y tế ở quận 5, TPHCM - đưa ra một đề xuất táo bạo: “Để khuyến sinh một cách hiệu quả, tôi đề xuất nhà nước xem xét cấp dưỡng cho trẻ hằng tháng đến khi các bé đủ 3 tuổi, tương tự chế độ trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi”.

Bác sĩ Huỳnh Thị Trong  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Bác sĩ Huỳnh Thị Trong - Ảnh do nhân vật cung cấp

Từ góc độ chuyên môn, bác sĩ Huỳnh Thị Trong - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, cố vấn cao cấp Khoa Phụ sản Bệnh viện An Sinh - nhận định: “Dự thảo Luật Dân số lần này có nhiều đề xuất tiến bộ, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân, đặc biệt là những gia đình trong độ tuổi sinh sản. Việc mỗi cặp vợ chồng được tự quyết định số con, người sinh con thứ hai được nghỉ thai sản 7 tháng hay hỗ trợ thuê, mua nhà… đều là những chính sách rất nhân văn và tiến bộ, cho thấy sự gần gũi hơn giữa quản lý nhà nước và nhu cầu thực tế của người dân.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trong, để thực sự “gỡ rối” cho bài toán dân số và khuyến khích các gia đình an tâm sinh con, cần một chiến lược đồng bộ, đa chiều, tạo ra một môi trường sống và làm việc thực sự thuận lợi cho các bậc cha mẹ.

Thùy Dương - Huyền Anh

Hình thành mạng lưới hỗ trợ liền mạch cho cha mẹ có con nhỏ

Việc kết hợp thời gian nghỉ đủ lâu, chăm sóc y tế chu đáo, dịch vụ giữ trẻ giá phải chăng và đầu tư cho giáo dục mầm non là những chính sách giúp hình thành một mạng lưới hỗ trợ liền mạch cho những gia đình có con nhỏ ở các nước tiên tiến.

Tại Thụy Điển, cha mẹ có tổng cộng khoảng 480 ngày nghỉ phép khi sinh con. Trong thời gian này, họ được hưởng 80% lương. Đây là một biện pháp được thiết kế để thúc đẩy bình đẳng giới và gắn kết gia đình.

Trong khi đó, Na Uy cung cấp tới 59 tuần nghỉ với 80% lương hoặc 49 tuần với 100% lương dành cho các cặp cha mẹ. Điều này giúp đảm bảo người cha có điều kiện tham gia vào quá trình chăm sóc con cái.

Bulgaria là một trong những quốc gia có kỳ nghỉ thai sản dài nhất thế giới, lên đến 410 ngày với 90% lương, giúp các bà mẹ có thời gian chăm sóc con và phục hồi sức khỏe sau sinh.

Canada cũng nổi bật với tối đa 61 tuần nghỉ phép chung cho cả cha và mẹ chăm nuôi con nhỏ, tất cả được bảo hiểm Việc làm hỗ trợ.

Ở Đức, các bà mẹ có 14 tuần nghỉ thai sản với lương đầy đủ, tiếp theo là 12 tháng nghỉ phép chung cho cha mẹ với mức hưởng 65 - 67% lương.

Hỗ trợ y tế cũng là một trụ cột trong chính sách khuyến sinh ở các nước tiên tiến. Thụy Điển và Na Uy miễn phí mọi chi phí chăm sóc trước sinh, sinh nở và sau sinh. Bảo hiểm của Đức chi trả toàn bộ dịch vụ thai sản, bao gồm chăm sóc trong 12 tuần sau sinh trong khi Bảo hiểm y tế quốc gia Nhật Bản bù đắp phần lớn chi phí, kèm theo trợ cấp sinh nở. Những khung y tế này không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho gia đình mà còn đảm bảo mẹ được hồi phục, bé phát triển khỏe mạnh.

Về dịch vụ giữ trẻ và giáo dục, Thụy Điển giới hạn phí giữ trẻ ở mức 3% thu nhập và cung cấp trường mẫu giáo miễn phí từ 1 tuổi - một cam kết được UNICEF và Skolverket (Cơ quan Giáo dục quốc gia Thụy Điển) ghi nhận.

Hàn Quốc được đánh giá là một trong những quốc gia không có “khoảng trống chăm sóc” (childcare gap), tức là không có sự gián đoạn giữa thời điểm kết thúc chế độ nghỉ thai sản được trả lương và thời điểm bắt đầu các chương trình giáo dục mầm non miễn phí hoặc bắt buộc. Tại Hàn Quốc, phụ huynh được hưởng chế độ nghỉ thai sản có lương ngay sau khi sinh con. Khi thời gian này kết thúc, các gia đình có thể tiếp cận ngay các chương trình giáo dục mầm non miễn phí hoặc các dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ. Điều đó đảm bảo rằng phụ nữ không phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dịch vụ chăm sóc trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp, giúp họ quay lại làm việc mà không lo mất việc.

Lam Hồng (tổng hợp)

Ý kiến:

Nên cho chồng nghỉ thai sản 1-2 tháng để cùng vợ chăm con

Nếu được thực thi, những đề xuất trên có thể giúp Việt Nam tiến gần hơn đến những chính sách tương tự ở các quốc gia phát triển. Các quốc gia Bắc Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thực hiện các chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh con và phát triển gia đình trong môi trường công sở và xã hội. Những đề xuất đó tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho phụ nữ, giúp họ cân bằng giữa công việc và gia đình, từ đó phát triển sự nghiệp, chăm sóc con cái tốt hơn.

Việc tạo ra các điểm giữ trẻ và các hỗ trợ về nhà ở xã hội cũng giúp phụ nữ giảm bớt gánh nặng tài chính và gia đình, từ đó đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Ở các nước phát triển như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, sinh con và nuôi dạy con là trách nhiệm của cả chồng và vợ. Khi vợ sinh con, ngoài việc vợ được nghỉ thai sản, chồng cũng được nghỉ thai sản để cùng chăm sóc con. Việt Nam có thể áp dụng chính sách cho chồng nghỉ thai sản phụ vợ. Thời gian nghỉ có thể từ 1-2 tháng, tùy công việc, điều kiện cụ thể.

Ngoài ra còn cần thêm các chính sách hỗ trợ phụ nữ sau khi sinh như bố trí các công việc làm trực tuyến tại nhà hoặc giờ làm việc linh động, giúp họ thuận tiện hơn trong việc chăm sóc con nhỏ. Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo kỹ năng và hỗ trợ tài chính để phụ nữ dễ quay lại công việc.

Việc khuyến khích các công ty, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như chăm sóc trẻ em tại nơi làm việc hoặc nhà trẻ miễn phí là yếu tố quan trọng giúp phụ nữ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trương Thị Hiền

- Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM

Cần hỗ trợ cả lao động nữ và doanh nghiệp

Tôi đánh giá cao những đề xuất trong dự thảo Luật Dân số, đặc biệt là các đề xuất hướng đến nhóm lao động nữ - lực lượng lao động quan trọng tại các khu công nghiệp. Việc cho phép các cặp vợ chồng tự quyết định số con thể hiện sự tôn trọng quyền cá nhân, phù hợp xu thế xã hội hiện đại. Chính sách kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng cho con thứ hai là bước tiến đáng ghi nhận, giúp lao động nữ có thêm thời gian phục hồi sức khỏe, chăm sóc con nhỏ.

Tuy nhiên, câu chuyện này cũng đặt ra những thách thức đối với doanh nghiệp. Việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và sắp xếp nhân sự, đặc biệt trong các ngành đòi hỏi vận hành liên tục.

Ngoài ra, hiệu suất làm việc của lao động nữ sau khi trở lại làm việc có thể bị ảnh hưởng bởi việc chăm sóc con nhỏ. Quyết định sinh con cần dựa trên hoàn cảnh thực tế của từng gia đình, không chỉ là lợi ích từ việc nghỉ thêm 1-2 tháng. Chính sách có thể hỗ trợ nhưng trách nhiệm chủ động vẫn thuộc về người lao động. Vì vậy, về vấn đề này, nhà làm chính sách cần lắng nghe thêm từ nhiều phía để có quyết sách phù hợp.

Tôi cũng cho rằng đề xuất hỗ trợ thuê/mua nhà ở xã hội và quy hoạch nhà trẻ gần nơi làm việc là giải pháp rất thiết thực. Đây là điều Sài Gòn Food luôn trăn trở. Bởi lẽ, khi có chỗ ở ổn định và điểm trông trẻ phù hợp, lao động nữ sẽ yên tâm làm việc, năng suất và sự gắn bó với doanh nghiệp cũng tăng rõ rệt. Để các chính sách dân số đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, cần có các giải pháp đồng bộ như: hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo nguồn nhân lực thay thế tạm thời, khuyến khích các mô hình sản xuất linh hoạt.

Nguyễn Thị Thu Trinh
- Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food

Có thể linh động thời gian nghỉ thai sản theo nhu cầu

Việc tăng thời gian nghỉ thai sản thêm 1 tháng không chỉ giúp phụ nữ có thêm thời gian chăm sóc con cái mà còn giúp họ cải thiện sức khỏe và sức đề kháng sau lần sinh nở vất vả; từ đó góp phần cải thiện hiệu quả, nâng cao năng suất lao động khi quay trở lại làm việc.

Với doanh nghiệp, đây có thể là một khó khăn nhưng không phải không có cách giải quyết phù hợp. Điều này đòi hỏi chủ lao động phải nâng cao năng lực quản trị bằng cách sắp xếp, lên kế hoạch nhân lực ngay từ đầu. Người phụ nữ không chỉ nghỉ sinh mà trước đó còn trải qua thời gian mang thai. Doanh nghiệp phải có phương án thay thế, lấp chỗ trống khi họ nghỉ thai sản để đảm bảo không ảnh hưởng tới quy trình lao động, sản xuất.

Vai trò của công đoàn - đại diện cho người lao động - lúc này cũng rất quan trọng. Cần có những chính sách, chủ trương, tuyên truyền nhằm tạo ra sự đồng thuận, thống nhất cao của chủ doanh nghiệp.

Có ý kiến lo ngại chính sách nghỉ thai sản 7 tháng với phụ nữ sinh con thứ hai được ban hành có thể ảnh hưởng tới khả năng xin việc của người lao động. Tôi cho rằng phụ nữ có những thế mạnh riêng như sự khéo léo, cần cù, tỉ mỉ… Không lẽ vì nghỉ thai sản thêm 1 tháng mà phụ nữ đánh mất cơ hội nghề nghiệp? Đây là chính sách nhân đạo được đặt ra trong bối cảnh chúng ta phải đối mặt với nguy cơ suy giảm về dân số, kéo theo hàng loạt hệ lụy của xã hội trong tương lai.

Do đó, không chỉ là sự cảm thông, chia sẻ, các doanh nghiệp phải xem đây là trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam. Doanh nghiệp phải đồng hành với sự phát triển của đất nước và cũng chính là động lực phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lấy ý kiến về nhu cầu làm việc của nữ lao động khi nghỉ thai sản. Một số chị em có nhu cầu có thể đi làm sớm hơn, được bố trí công việc theo hình thức làm việc online. Tuy nhiên, việc bố trí này phải phù hợp với vị trí việc làm, trình độ lao động.

Tôi cũng tán thành một số chính sách đặt ra trong dự thảo Luật Dân số đang lấy ý kiến, trong đó có việc để các gia đình tự quyết về số lượng con. Song song đó, cần tuyên truyền sâu rộng để dù không giới hạn số con nhưng các gia đình phải đảm bảo có điều kiện nuôi con, tránh tạo ra hệ lụy, gánh nặng xã hội. Với những gia đình thu nhập thấp, việc sinh đủ 2 con nên là một “điểm cộng” khi xét duyệt hồ sơ thuê, mua nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống.

Giai đoạn dân số vàng trôi đi rất nhanh, nếu không tận dụng kịp thời, chỉ 10 năm nữa, chúng ta có thể phải đối diện với một bức tranh lao động rất khác. Do đó, các chính sách khuyến sinh không thể chậm trễ hơn. Tôi kỳ vọng những đề xuất có lợi cho phụ nữ nhanh chóng đi vào cuộc sống nhằm góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu

Nhã Chân - Huyền Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI