Dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông: Bao giờ thực chất? Bài cuối

Kỳ vọng vào chương trình mới

26/04/2022 - 06:19

PNO - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai sẽ khắc phục được những hạn chế trong việc học tiếng Anh hiện nay của học sinh. Đó là khẳng định của ông Đặng Hiệp Giang, chuyên viên tiếng Anh, Vụ Giáo dục trung học Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong cuộc trò chuyện với Báo Phụ Nữ TPHCM.

Ngoại ngữ đang được xem là “chìa khóa vàng” để giúp học sinh, sinh viên Việt Nam có cơ hội vươn ra biển lớn, hội nhập quốc tế. Do đó, môn tiếng Anh đã được đưa vào giảng dạy xuyên suốt ở bậc phổ thông từ tiểu học đến THPT. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chất lượng dạy và học môn học này vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Bài 1: Lớp đông, đọc viết... đến khi nào?

Bài 2: Học rất nhiều nhưng "dung nạp" chẳng bao nhiêu

Bài 3: Cần thay đổi từ tư duy dạy học, thi cử

Phóng viên: Nhiều nhà giáo và phụ huynh cho rằng chương trình dạy tiếng Anh hiện nay trong trường phổ thông vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, học sinh rành ngữ pháp nhưng không thể giao tiếp. Ông nghĩ như thế nào về nhận định này?

Ông Đặng Hiệp Giang: Đây là một hạn chế của việc dạy học ngoại ngữ mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai là để khắc phục. Chương trình ngoại ngữ được xây dựng tham chiếu tới khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam với mục tiêu học sinh (HS) hoàn thành cấp tiểu học đạt năng lực tương đương bậc 1, THCS tương đương bậc 2 và THPT tương đương bậc 3. Chương trình mới tiếp thu các ưu điểm của chương trình 2006 và hướng tới phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ cho HS. Năm học 2021 - 2022, chương trình ngoại ngữ đã được triển khai ở lớp Sáu, từ năm học 2022 - 2023 và các năm tiếp theo triển khai cuốn chiếu cho đến hết lớp 12.

Để HS có thể thực sự giao tiếp được bằng tiếng Anh cần sự vào cuộc của tất cả thành phần. Giáo viên cần nâng cao năng lực cả về sư phạm và ngôn ngữ. HS cần nỗ lực cố gắng và phương pháp học tập phù hợp. Phụ huynh đồng hành cùng nhà trường, giáo viên và con mình để tạo điều kiện thuận lợi nhất. Nhà nước và nhân dân cũng cần đầu tư nâng cao cơ sở vật chất để giúp việc học ngoại ngữ được hiệu quả bên cạnh các chính sách, cơ chế do các cấp quản lý giáo dục đề ra.

* Cụ thể hơn, chương trình và sách giáo khoa mới có ưu điểm gì so với chương trình cũ, thưa ông?

- Chương trình môn ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng trong chương trình mới được xây dựng với định hướng kết quả đầu ra trên nền tảng phát triển đầy đủ các kỹ năng cho người học. Chương trình được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực cho HS ở lớp sau, cấp học sau trên nền tảng năng lực của lớp trước, cấp trước. 

Bên cạnh đó, chương trình tiếp thu những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ để nâng cao chất lượng dạy và học với những định hướng như dùng chủ điểm, chủ đề làm nền tảng, phương pháp dạy học theo đường hướng giao tiếp là sợi chỉ xuyên suốt và lấy hoạt động học làm trung tâm để phát huy vai trò, xác định rõ nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của các bên tham gia vào việc dạy và học nhằm đạt mục tiêu đề ra của chương trình.

Với định hướng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, môn tiếng Anh đang có ưu thế rất lớn trong việc hưởng lợi từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh. Các bộ sách được phê duyệt đều có sự hợp tác, phối hợp về chuyên môn từ các nhà xuất bản hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh. Giáo viên và HS bên cạnh việc sử dụng một bộ sách chính thì có thể tham khảo và tận dụng các nội dung phù hợp, chất lượng từ các bộ sách đã được phê duyệt khác để phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực giao tiếp cho mình.

* Cùng với chương trình mới, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có đổi mới trong kiểm tra đánh giá người học để phát triển toàn diện cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết không? 

Học tiếng Anh ở trường ít hiệu quả, nhất là về khả năng giao tiếp  nên nhiều phụ huynh phải đưa con em đến trung tâm ngoại ngữ để học thêm (trong ảnh: Trẻ học tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội) - ẢNH: Đ.M
Học tiếng Anh ở trường ít hiệu quả, nhất là về khả năng giao tiếp nên nhiều phụ huynh phải đưa con em đến trung tâm ngoại ngữ để học thêm (trong ảnh: Trẻ học tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội) - Ảnh: Đ.M

- Việc kiểm tra đánh giá và việc dạy học là các thành tố có quan hệ mật thiết qua lại trong tiến trình dạy và học. Học gì thi nấy và thi gì học nấy là thực tế khách quan và do vậy, với việc triển khai Thông tư 22, việc kiểm tra đánh giá được chỉ đạo quyết liệt hơn để đảm bảo HS được kiểm tra đầy đủ bốn kỹ năng trong kiểm tra thường xuyên và định kỳ trên lớp học. Khi HS được kiểm tra đầy đủ các kỹ năng, giáo viên và HS sẽ quan tâm nhiều hơn tới việc rèn luyện đầy đủ các thành tố ngôn ngữ đảm bảo phát triển toàn diện năng lực cho người học.

Để thay đổi tâm thế cho HS thay vì chỉ tập trung vào bài thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang ngày càng được áp dụng rộng rãi. Bộ GD-ĐT đã cho phép sử dụng các chứng chỉ được công nhận để thay thế cho kết quả bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều trường đại học, cao đẳng đang chấp thuận chứng chỉ quốc tế cho tuyển sinh và để có được những chứng chỉ này, HS phải toàn diện về bốn kỹ năng khi tham gia bài thi. 

* Người dạy vẫn là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng nhưng kỳ thực phần lớn giáo viên tiếng Anh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy bốn kỹ năng. Bộ GD-ĐT có giải pháp nào để khắc phục nhược điểm này về lâu dài?

- Phần lớn giáo viên tiếng Anh đều đạt chuẩn giáo viên và đáp ứng được yêu cầu giảng dạy bốn kỹ năng. Tuy nhiên, HS không phải em nào cũng có nhu cầu sử dụng đủ bốn kỹ năng trong học tập cũng như công việc trong tương lai. Vì trong số các em HS phổ thông chỉ có một số nhỏ đi theo chuyên ngành ngoại ngữ, còn lại là theo học các ngành nghề khác hoặc tham gia lực lượng lao động. 

Bộ GD-ĐT luôn chỉ đạo dạy học đầy đủ các kỹ năng trên lớp, tuy nhiên nhu cầu của người học là đa dạng và số người dùng đủ bốn kỹ năng cho công việc và học tập là rất nhỏ so với những người chỉ dùng một vài kỹ năng nên đã gây ra quan niệm sai lầm là giáo viên không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy bốn kỹ năng.

Để khắc phục điều này cần có sự hỗ trợ của xã hội cũng như vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng để xã hội hiểu Bộ GD-ĐT luôn tối đa hóa các cơ hội học tập của HS và cung cấp đầy đủ các điều kiện học tập để đáp ứng nhu cầu. Giáo viên ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đều là các thầy cô được đào tạo bài bản, đủ năng lực dạy học, đạt các yêu cầu đề ra. 

* Xin cảm ơn ông! 

Sẽ đưa việc học ngoại ngữ trở thành phong trào rộng khắp

Ông Đặng Hiệp Giang cho hay, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ là một phần trong việc phát triển và nâng cao năng lực ngoại ngữ cho HS phổ thông. Hiện nay, Bộ GD-ĐT còn có nhiều hoạt động khác để phục vụ cho mục tiêu trên. Cụ thể là đề án ngoại ngữ quốc gia với các hoạt động hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông với các mục tiêu: Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo, khuyến khích đưa ngoại ngữ vào nhà trường từ bậc mầm non và các hoạt động xã hội. Đẩy mạnh dạy ngoại ngữ tích hợp trong các môn học khác và dạy các môn học khác bằng ngoại ngữ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dạy và học ngoại ngữ với hệ thống học liệu điện tử phù hợp mọi đối tượng để người học có thể học ngoại ngữ, tiếp cận tiếng bản ngữ mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện, đặc biệt trong phát triển kỹ năng nghe và nói. Tạo môi trường học ngoại ngữ trong nhà trường, gia đình và xã hội để giáo viên, giảng viên, thành viên gia đình và người học cùng học ngoại ngữ. Bảo đảm năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, giáo viên, giảng viên dạy các môn khoa học, môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo. 

Tăng cường năng lực kiểm tra, đánh giá của quốc gia trong dạy và học ngoại ngữ. Ưu tiên hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ đối với các khu vực khó khăn. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy vai trò của các trung tâm ngoại ngữ trong dạy và học ngoại ngữ ngoài nhà trường.

Bộ GD-ĐT cũng đang phối hợp với các bộ, ngành khác đặc biệt là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng Đề án hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030 nhằm đưa việc học ngoại ngữ trở thành phong trào rộng khắp.

Việc các tổ chức cá nhân tham gia vào nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cũng được khuyến khích. Trong các văn bản hướng dẫn đều có định hướng phát huy tối đa vai trò của việc xã hội hóa để tận dụng nguồn lực của xã hội phục vụ cho phát triển giáo dục nói chung và cụ thể là nâng cao chất lượng, hiệu quả của giảng dạy ngoại ngữ thông qua các phong trào, các hoạt động ngoại khóa, các hội thi, cuộc thi và các hoạt động tương tự.

Đại Minh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI