Kỳ vọng TPHCM thay “áo mới”

22/05/2023 - 06:08

PNO - Sáng nay (22/5), Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ năm.

Chính quyền và người dân TPHCM đang hồi hộp, háo hức trông chờ một sự kiện quan trọng: được kỳ họp nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.  

Sau 5 năm thí điểm, Nghị quyết 54/2017/QH14 không đem lại hiệu quả như mong đợi, không còn phù hợp với thực tiễn yêu cầu phát triển của TPHCM, nhất là trong bối cảnh TPHCM cần hiện thực hóa yêu cầu, nhiệm vụ phát triển theo các mục tiêu, định hướng của Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và nhiều nghị quyết quan trọng khác của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

TPHCM đang cần khung pháp lý phù hợp hơn, thông thoáng hơn để vừa tháo gỡ hàng loạt vướng mắc hiện hữu, vừa tạo động lực, không gian và nguồn lực để phát triển. Dự thảo nghị quyết thay thế lần này được kỳ vọng đáp ứng hiệu quả các yêu cầu nêu trên để củng cố vị thế, vai trò đầu tàu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, qua đó nâng cao chất lượng sống của người dân.

Không thể không nhắc thêm sự tác động to lớn của nghị quyết thay thế đến Thủ Đức - thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước. Địa phương này cho đến nay vẫn chẳng khác gì một đơn vị hành chính cấp huyện, chưa có những cơ chế đột phá để phát triển đúng với mục tiêu, định hướng mà đề án sáp nhập 3 quận trước đây đã thể hiện. TP Thủ Đức cần được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đồng thời cho phép HĐND TPHCM được quyết định tổ chức bộ máy đối với địa phương này.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, đến giờ này, UBND thành phố đã có bước chuẩn bị chủ động nhằm triển khai nghị quyết mới (nếu được Quốc hội thông qua). UBND TPHCM đã phân công các sở, ngành, địa phương chuẩn bị kế hoạch cụ thể hóa nội dung các cơ chế, chính sách, tham mưu UBND TPHCM trình trong các kỳ họp HĐND TPHCM tới đây. Ở góc độ phối hợp cùng các bộ, ngành trung ương, UBND thành phố cũng xây dựng nhiều giải pháp chủ động.

Thời gian qua, UBND TPHCM đã củng cố bộ máy bằng nhiều giải pháp, như có chính sách động viên, khen thưởng, giao việc có giám sát, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ từng khó khăn, đồng thời cũng sẵn sàng thuyên chuyển, cho nghỉ việc nếu cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Ngoài các kế hoạch của Thành ủy, UBND TPHCM về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Chính phủ cũng đang xây dựng dự thảo nghị định liên quan. Dự thảo nghị quyết thay thế cũng đặc biệt thúc đẩy nội dung này thông qua việc tạo điều kiện cho chính quyền TPHCM chủ động có các cơ chế, chính sách để bảo vệ cán bộ, tạo động lực để cán bộ được làm việc, sáng tạo, nỗ lực, cống hiến. 

Với những ý nghĩa to lớn nêu trên, chắc chắn Quốc hội sẽ xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng. Và hy vọng rằng, khi được thông qua, chính thức ban hành, nghị quyết mới của Quốc hội đi kèm nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ sẽ nhanh chóng giúp khơi thông mọi nguồn lực, tiềm năng, tạo bước phát triển mạnh mẽ, đột phá và bền vững cho TPHCM, cho cả vùng, cả nước. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI