Hy vọng từ chính sách mới
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) 2022 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam mới đây cho thấy, thị trường năm qua đã ngưng trệ, giao dịch yếu. Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm). Cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, đầu tư; thiếu hẳn các sản phẩm nhà ở phù hợp với túi tiền của số đông người dân.
Về tỉ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV/2022, tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%. Giá BĐS đặc biệt là sản phẩm đất nền được điều chỉnh về bằng thời điểm cuối năm 2021, khi chưa xảy ra sốt đất.
Tuy nhiên, căn hộ chung cư không nằm trong xu hướng giảm giá bán. Một phần do nhu cầu loại hình nhà ở này tăng không ngừng cùng quá trình đô thị hóa, một phần do chi phí đầu vào, lãi suất, lạm phát ngày càng tăng cao.
|
Các doanh nghiệp bất động sản đang hy vọng thị trường sẽ ấm hơn trong năm nay |
Các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê cao vẫn ghi nhận tỉ lệ hấp thụ tốt. Tuy nhiên, lượng giao dịch không cao bởi việc hạn chế tín dụng, giá không phù hợp với nhu cầu của đa số người mua.
Trước những biến động của thị trường trong năm 2022, Nhà nước đã đưa ra các chính sách hỗ trợ trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Cụ thể, ngày 10/12/2022, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng với mức tăng 1,5 - 2%. Sau đó, trong 3 ngày liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 công điện chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường BĐS. Cụ thể gồm: Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 “về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế”; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 “về thị trường trái phiếu doanh nghiệp”; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 “về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở”. Theo nhiều chuyên gia, đây là những động lực quan trọng để thị trường BĐS năm 2023 có cơ hội hồi phục và chuyển biến tích cực.
Phục hồi thị trường theo hướng bền vững
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - nhận định: Thị trường BĐS năm 2023 sẽ còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài, nhưng vẫn có cơ hội để phục hồi. Dự kiến, khoảng cuối quý II/2023, giao dịch sẽ tốt hơn, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn.
“Thị trường BĐS Việt Nam giai đoạn này hoàn toàn không lặp lại chu kỳ khủng hoảng giai đoạn năm 2012. Hiện nay, tốc độ phát triển đô thị cao, đầu tư hạ tầng diễn ra mạnh, cùng với đó nhu cầu về nhà ở, nhu cầu đầu tư kinh doanh BĐS rất cao. Đây là những yếu tố tạo nên động lực rất lớn cho khả năng hồi phục của thị trường BĐS” - ông Đính chia sẻ.
Cũng theo ông Đính, chỉ cần gỡ những vướng mắc mà thị trường đang gặp phải gồm: pháp lý, điểm nghẽn về vốn, củng cố niềm tin…, thị trường sẽ cân bằng trở lại. Bên cạnh những hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp BĐS cũng phải chủ động cơ cấu lại sản phẩm, đưa ra sản phẩm theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp thị trường BĐS minh bạch, phát triển bền vững, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Ông Tín Nguyễn - Trưởng phòng nghiên cứu thị trường, Colliers Việt Nam - dự báo, phân khúc nhà ở tiếp tục đối diện với khó khăn về pháp lý, thanh khoản, nguồn vốn và dự kiến sẽ kéo dài đến ít nhất quý III/2023. Các động thái mới nhất của Chính phủ, bộ ngành cho thấy quyết tâm phục hồi thị trường theo hướng bền vững. Việc hoãn triển khai các đợt mở bán mới làm thu hẹp nguồn cung, góp phần thúc đẩy giao dịch. Dự báo thị trường sẽ trải qua một đợt điều chỉnh giá mới trong thời gian tới.
Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - chia sẻ: “Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ vừa qua chủ yếu hướng đến các doanh nghiệp BĐS nhưng dòng vốn của thị trường muốn bền vững vẫn phải từ khách hàng, người mua nhà. Do đó, thị trường nửa đầu năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn nhưng các chính sách này một phần nào đó khơi thông dòng chảy, “rã băng” và thị trường có tiến độ xây dựng tốt hơn”.
Bích Trần