Kỳ vọng sáng sủa về lợi nhuận từ các buổi biểu diễn trực tuyến

03/06/2021 - 11:57

PNO - Thành công từ các buổi biểu diễn trực tuyến của loạt sao thế giới như Nick Cave, Niall Horan, BTS… mở ra hy vọng mang về việc mang lại nguồn lợi nhuận tiềm năng cho ngành công nghiệp âm nhạc.

Đại dịch COVID-19 bùng phát buộc phải hủy bỏ các sự kiện âm nhạc trực tiếp, khiến các nghệ sĩ mất phần lớn thu nhập. Theo Pollstar ước tính, ngành công nghiệp biểu diễn toàn cầu đã mất 9 tỷ USD, tương đương 75% doanh thu vào năm 2020.

Để hạn chế thiệt hại, các nghệ sĩ tổ chức những buổi biểu diễn trực tuyến có trả phí. Erykah Badu được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng đầu tiên áp dụng hình thức này vào tháng 3/2020. Kể từ đó, một loạt ngôi sao đã nhanh chóng học hỏi.

BTS đã chứng minh rằng các buổi hòa nhạc phát trực tiếp có thể là một công việc kinh doanh có lãi sau concert BangBang Con.
Concert BangBang Con của BTS đem lại doanh thu gần 20 triệu USD

Tháng 6/2020, concert BangBang Con của BTS đã thu hút hơn 750.000 người xem ở 107 quốc gia và đem về doanh thu gần 20 triệu USD. Theo công ty nghiên cứu MIDiA, trong năm 2020, các buổi biểu diễn trực tuyến đã mang về 600 triệu USD, doanh thu tăng khoảng 300% trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11.

Jaeson Ma, nhà đầu tư của Triller - đối thủ của Tiktok - chuyên cung cấp các chương trình trực tuyến cho biết: “Hiện tại chúng ta đang sống trong một thế giới mà các concert thực và ảo (trực tiếp và trực tuyến) đều là xu thế”.

Tuy nhiên, để tổ chức những buổi biểu diễn trực tuyến được yêu thích không phải là chuyện đơn giản. Khee Lee, giám đốc của Kiswe, công ty sản xuất sự kiện cho nhóm BTS, chia sẻ: “Các sự kiện trực tuyến bao gồm nhiều công đoạn quan trọng và tất cả phải kết hợp hoàn hảo với nhau”.

Không có sự hiện diện của khán giả, đơn vị tổ chức những buổi biểu diễn trực tuyến phải dùng một số cách giúp nghệ sĩ có thể tương tác với người hâm mộ. Trong concert BangBang Con của  BTS, khán giả có thể sử dụng thiết bị di động để tương tác trực tiếp với ban nhạc trên sân khấu, người xem cũng có thể kiểm soát nhiều góc quay để thưởng thức trọn vẹn từng khoảnh khắc trong đêm nhạc.

Hãng thu âm What the Duck, đơn vị tổ chức Lễ hội âm nhạc trực tuyến Top Hits Thái Lan, cũng tạo ra một ứng dụng cho phép người hâm mộ gửi các thông điệp và trò chuyện với nghệ sĩ giữa buổi biểu diễn.

Buổi biểu diễn trực tuyến của Erykah Badu vào tháng 3/2020.
Buổi biểu diễn trực tuyến của Erykah Badu được tổ chức hồi tháng 3/2020

Driift, công ty sản xuất các chương trình trực tuyến của Vương quốc Anh, đơn vị đứng sau các buổi biểu diễn thành công của Nick Cave, Niall Horan, Biffy Clyro, Laura Marling, Andrea Bocelli… cũng thấy được lợi ích mà những đêm nhạc trực tuyến mang lại.

Các concert của BTS và Nick Cave thường có mức giá dao động khoảng 23 USD/vé và trung bình mỗi đêm nhạc thu hút hàng chục đến hàng trăm ngàn khán giả theo dõi trực tuyến, giúp các ngôi sao thu được lợi nhuận đáng kể. Các buổi biểu diễn trực tuyến, có mức giá rẻ hơn nhiều so với một buổi biểu diễn truyền thống, cũng tạo điều kiện để khán giả có thể tiếp cận các thần tượng.

“Ngành công nghiệp âm nhạc đang hướng tới một mô hình mới trong tương lai. Sau dịch, mọi người có thể sẽ quay lại các sự kiện trực tiếp, tuy nhiên, các buổi biểu diễn trực tuyến cũng sẽ được phổ biến rộng rãi và được chấp nhận, vì không phải ai cũng có thể đến các buổi biểu diễn trực tiếp. Các buổi biểu diễn trực tuyến sẽ giúp nghệ sĩ tiếp cận nguồn khán giả mới và mở rộng đáng kể các kênh kiếm tiền" - Khee Lee cho biết.

Chung Thu Hương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI