Kỳ vọng mùa xuân

28/02/2016 - 10:03

PNO - Hơi ấm của cuộc sống thực, con người thực trong gia đình quý giá lắm, xin hãy giữ gìn nó từ mùa xuân này, từ cái tết này trở đi.

Ky vong mua xuan
Ảnh minh họa

Cuối năm, nhiều chuyện đã hẹn mình “để ra tết rồi tính tiếp”, nên đầu năm đành phải giở hết ra những gì đã hẹn hò. Năm mới mà êm xuôi, làm gì được đó, thì cả năm sẽ hanh thông thuận lợi dài dài. Bởi vậy, đầu năm, Hạnh Dung chọn những thư nào dễ gỡ, những cặp đôi dễ tái hợp sum vầy, để phụ họ vượt qua trắc trở mà đến với nhau, về lại với nhau. Xuân ấm, trời đất an lành, có thể cái bao dung hồn hậu của mùa mới cũng sẽ góp phần làm cho lòng người rộng rãi, dễ tha thứ cho mình và cho người.

Nhưng tìm mãi vẫn không thấy chuyện nào là dễ, việc nào là đơn giản!

Chuyện đối với người này là chuyện nhỏ có thể bỏ qua, đối với người khác lại là chuyện lớn không thể tha thứ. Vì vậy, Hạnh Dung mãi mãi mang thân cò, lặn lội vào từng gia đình, từng hoàn cảnh, từng tính cách, để gỡ rối, mãi hoài mà vẫn không xong. Ngày đầu năm, tự hỏi mình, chẳng lẽ không có cái gì chung trong những câu chuyện ấy, những trắc trở tình duyên ấy? Cái gì là chung nhất, gần nhất giữa những con người, những cảnh đời, mà chị em mình có thể soi vào đấy để tự so sánh, tự điều chỉnh?

Có chứ. Không nhiều, nhưng có.

Càng ngày, những tác động của xã hội bên ngoài vào những giềng mối của gia đình càng mạnh mẽ hơn. Các bà vợ năng động hơn - đó là thực tế đáng mừng. Nhưng một khi những cây “cột cái” của gia đình năng động hơn, tức là gia đình cũng bị ngả nghiêng nhiều hơn, sự ổn định, thăng bằng chắc chắn sẽ giảm sút. Nếu các thành viên gia đình đồng điệu với nhau, cùng năng động, thì cả nhà cùng nhịp nhàng trong chuyển động về phía trước. Còn một khi đã lạc điệu, thì sự năng động này cũng là căn nguyên của bao nhiêu rủi ro.

Hạnh Dung đã đọc nhiều thư, nhiều chia sẻ, trải lòng của những người đàn bà quyết liệt lao ra bon chen với đời, thắng lợi, thành công, nhưng rồi hẫng hụt khi trở về tổ ấm. Những điều các chị thường viết trong thư là “biết vậy, tôi cứ yên ổn trong gia đình…”, “biết vậy, thà nghèo mà…”. Biết vậy thôi, nói vậy thôi, nhưng cả người nói lẫn người nghe đều biết không phải vậy, không thể như vậy.

Những người đàn bà không phải vì chọn lựa, vì háo thắng, mà họ bắt buộc phải đứng ra gánh vác lấy, lo toan lấy, tranh đua bươn chải với đời, và thực tế chứng minh họ giỏi hơn những người đàn ông trong gia đình. Quay trở về tổ ấm, cái chỗ cũ bên cạnh chồng trở nên không vừa vặn nữa, trở nên bức bối, chật hẹp, nỗi bất hạnh này nói là tự do họ mà ra thì cũng đúng, nhưng nói vậy là không thấu lý đạt tình. Ngăn cản điều này là không thể, hạn chế thì khó khăn. Chỉ có cách chỉ ra cho chị em nhìn thấy trước, để chị em tự điều chỉnh, cũng có thể là để chấp nhận, nhưng quan trọng hơn là để tìm cách tác động vào cả gia đình, để bản thân mình không đơn độc trong quyết định bước ra, gánh lấy những gánh nặng khác của gia đình.

Thứ hai, tiếp theo, là cuộc sống thực của gia đình, những mối dây liên hệ, gặp gỡ, trao đổi, chuyện trò trực tiếp với nhau, trong ngôi nhà của mình, cần được chú ý giữ gìn nhiều hơn, khi những không gian ảo đang dần thâm nhập và lấn lướt. Chiếc điện thoại trên tay, cái TV trong phòng ăn, phòng ngủ, cái máy tính trong nhà… tất cả đã trở thành một phần đáng kể và đáng sợ của cuộc sống hiện đại. Cái phần ấy nếu không để ý, sẽ phình ra lấn lướt, nuốt dần cả ngôi nhà. Người thứ ba, tình ngoài luồng, chuyện dối lừa, sự hư hỏng… có phần từ những vật dụng ấy mà lấn vào bữa cơm, giấc ngủ của cả gia đình. Đừng xem thường chúng.

Hơi ấm của cuộc sống thực, con người thực trong gia đình quý giá lắm, xin hãy giữ gìn nó từ mùa xuân này, từ cái tết này trở đi. Đừng nghĩ thế giới đang toàn cầu hóa, rồi mỗi người mải mê vào chiếc điện thoại, chiếc laptop của mình để kết nối càng nhiều càng tốt. Xin hãy giữ lấy những gắn bó gần gũi trong mỗi một người thân, giữ lấy giềng mối trong ngôi nhà của mình, tổ ấm của mình. Lúc nào đó trong năm, trong đời, mình sẽ cần đến nó, như một sự nâng đỡ, bao dung.

Những quà tặng của trời đất mùa xuân mang lại, giữ gìn lấy nó, cũng là giữ mùa xuân còn mãi trong gia đình…

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI