Làm khoa học, công nghệ khó có lợi nhuận
Tiến sĩ Bùi Thanh Luân - Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát - cho rằng, tốc độ phát triển khoa học, công nghệ của TPHCM còn chậm; các công ty còn làm việc riêng lẻ, các chính sách của Nhà nước chưa thật sự rõ nét.
Theo ông, các doanh nghiệp (DN) chuyên về khoa học, công nghệ chưa được miễn, giảm thuế, chưa thể tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi đúng như các chính sách hiện hành. Chính sách thuế nhập khẩu còn gây bất lợi cho các DN khoa học, công nghệ khi nhập linh kiện, thiết bị để nghiên cứu.
Ông nhận định rằng, từ hoạt động thực tiễn, các chính sách hỗ trợ về thuế cho DN khoa học, công nghệ chưa phát huy tác dụng. Ngân hàng luôn đòi hỏi tài sản thế chấp, nhưng DN đã bán tài sản để lấy vốn đầu tư vào khoa học, công nghệ thì lấy đâu ra tài sản để
thế chấp.
Ông cho biết, hơn 90 DN khoa học, công nghệ ở TPHCM gần như “làm vì đam mê” chứ khó có lợi nhuận. Các DN đều có nguồn thu không lớn do phải đối mặt nhiều khó khăn. Các thủ tục về thanh toán, quyết toán còn nhiêu khê khiến chủ DN rất mệt mỏi.
Ông Thân Thế Hào - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ Thuận Thiên - cho biết, hoạt động nghiên cứu tốn rất nhiều nguồn lực, nên khi nghiên cứu xong, DN bị đuối về tài chính. Thế nhưng, khi DN vay vốn, ngân hàng luôn yêu cầu phải có doanh thu, lợi nhuận bên cạnh tài sản thế chấp.
“Trong bối cảnh đó, DN phải tự cứu lấy mình thông qua việc liên hệ với các tổ chức ở nước ngoài về viện trợ phát triển cho các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, cái khó là ai sẽ hỗ trợ DN tiếp nhận các nguồn lực. Hiện nay, chính quyền TPHCM không hỗ trợ DN về nguồn lực để phát triển. Do đó, cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ để các DN khoa học, công nghệ tiếp cận các nguồn quỹ để phát triển, xuất khẩu sản phẩm” - ông Thân Thế Hào nói.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM - nhìn nhận: “Hiện nay, chưa có những cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích DN đầu tư đổi mới, nhập khẩu công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; thiếu các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ ở trình độ quốc tế”.
Theo ông, để khoa học, công nghệ trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, cần khắc phục những khó khăn, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học, công nghệ với pháp luật liên quan; cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ đầu ngành.
2 nhóm giải pháp lớn
Xác định đổi mới sáng tạo là một trong những động lực tạo ra sự bứt phá, dự thảo nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính là miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, DN khởi nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo; thu hút và giữ chân nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Nhấn mạnh sự cần thiết của dự thảo nghị quyết, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (tỉnh Nghệ An) khẳng định, khoa học, công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng, tạo sức bật về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ có phát triển khoa học, công nghệ mới giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công và thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc phát triển, nâng cao vai trò then chốt của khoa học, công nghệ đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bà nhận xét: “Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đang trong giai đoạn hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. DN chưa thực sự đóng vai trò quyết định trong đổi mới sáng tạo. Năng lực kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học với DN chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”.
Theo bà, một số chính sách hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay đang được áp dụng chung cho cả nước, trong đó có một số chưa thực sự phù hợp với thực tế và tốc độ phát triển của TPHCM. Các chính sách được đề xuất trong dự thảo nghị quyết mang tính thiết thực, phù hợp với chủ trương được nêu trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, từ đó góp phần thu hút, hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao.
Bà cũng góp ý, không nên áp dụng thời hạn miễn thuế thu nhập DN cho các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp giống như DN khởi nghiệp sáng tạo. Mặt khác, thời gian ươm tạo và phát triển một DN khởi nghiệp sáng tạo có thể từ 5-15 năm, do đó dự thảo nghị quyết chỉ nên quy định thời gian miễn thuế thu nhập DN tối đa không quá 6 năm và giao cho HĐND TPHCM quyết định thời gian miễn thuế cụ thể cho từng đối tượng và từng lĩnh vực.
Cần thêm chính sách khuyến khích nguồn nhân lực
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành - Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - phân tích, TPHCM có khoảng 123.000 người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chiếm khoảng 45% tổng số nhân lực công nghệ thông tin của cả nước. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu có 1 triệu người làm công nghệ thông tin nhưng tới nay mới đạt được 1/3. Do vậy, việc phát triển đội ngũ này ở TPHCM góp phần làm tăng số nhân lực về công nghệ thông tin trong cả nước, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số.
|
Người dân sử dụng máy quét mã QR để thanh toán, lấy số thứ tự ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - Ảnh: Phạm An |
Dự thảo nghị quyết quy định miễn thuế các cá nhân trong thời hạn 5 năm từ lúc phát sinh thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt. Theo ông, quy định này chưa thực sự khuyến khích các đối tượng trên, bởi hầu hết nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở TPHCM đều trong diện chịu thuế. Khi đi làm từ 1-3 năm, đội ngũ này có mức lương trung bình là 23 triệu đồng/tháng.
Ông đề xuất: “Nên chăng, cần áp dụng chính sách linh hoạt, như áp dụng giảm thuế thu nhập cho các đối tượng trong lĩnh vực này, phân loại theo số năm, từ 1-3 năm, từ 3-5 năm, từ 5-8 năm và trên 8 năm kinh nghiệm, tương ứng với các mức giảm 70%, 50%, 30% và 10% mức thuế thu nhập, trong thời hạn 5 năm”. Theo ông, phương án này giúp thu hút nhiều nhân tài chất lượng cao, thu hút nhiều học sinh, sinh viên vào các ngành khoa học, công nghệ, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin.
Ông Nguyễn Lâm Thành cũng kiến nghị bổ sung thẩm quyền cho HĐND TPHCM, cho phép cơ quan này ra quy định về cơ chế quản lý các hoạt động, chương trình khoa học, công nghệ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (tỉnh Bình Dương) cho rằng, TPHCM cần có chính sách dài hạn đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhân tài từ xa, từ sớm, định hướng ngay từ khi còn là học sinh THPT. Ở Israel, học sinh lớp Bốn đã được học về code, học sinh lớp Mười được học về mã hóa an ninh mạng và chống hacker. Trong các học sinh xuất sắc nhất lớp 11-12 của Israel, có 3-6 học sinh được chọn ra, phân loại theo các nhóm tài năng, được học đại học, cao học miễn phí, bố trí việc làm trong các đơn vị công nghệ hàng đầu quốc gia.
Bà nhận định: “TPHCM có đủ cơ hội, khả năng để đi tiên phong trong vấn đề này nếu có một cơ chế vượt trội đầu tư cho giáo dục, khoa học, công nghệ, từ đó xây dựng thành phố trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước và khu vực ASEAN”.
Minh Quang - Tú Ngân