PNO - Trải qua một năm 2021 đầy biến động của nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng, hiện nền kinh tế đang dần phục hồi, thị trường bất động sản cũng lấy lại đà phát triển trong những tháng cuối năm. Vậy thị trường bất động sản 2022 sẽ ra sao?
Ông Võ Hồng Thắng - Trưởng phòng R&D DKRA Vietnam chia sẻ, năm 2021, thị trường xảy ra hiện tượng sốt đất ảo xuất phát từ những thông tin vô căn cứ, nguồn cung mới và sức mua bất động sản sụt giảm đáng kể, nhưng lại hình thành nghịch lý trên thị trường khi giá bán sơ cấp tăng. Trong đó, bất động sản hạng sang liên tục xác lập mặt bằng giá mới. Tiếp đến là sự bất cân đối nguồn cung căn hộ ở các phân khúc. Cụ thể, căn hộ hạng sang và hạng A chiếm đa số, trong khi loại hình căn hộ vừa túi tiền thiếu vắng. Tính đến năm 2021, thị trường đã vắng bóng căn hộ hạng C (căn hộ giá dưới 30 triệu đồng/m2).
Ông Võ Hồng Thắng - Trưởng phòng R&D DKRA Vietnam cho rằng năm 2022 cần định vị lại giá một số phân khúc bất động sản
Trên nền tảng của các tiền đề hiện hữu, ông Võ Hồng Thắng cho rằng, năm 2022 là thời điểm phù hợp để định vị lại thị trường bất động sản, đưa thị trường phát triển tương xứng với tầm vóc quốc gia và bắt kịp xu hướng các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore… Trong quá trình nâng cấp, định vị lại, cần lưu ý điều chỉnh các tiêu chí giá mới trong phân cấp loại hình căn hộ sao cho phù hợp với sự vận động của thị trường. Cụ thể, khung giá phù hợp để xác định căn hộ hạng C là dưới 35 triệu đồng/m2, căn hộ hạng B từ trên 35 - 60 triệu đồng/m2, căn hộ hạng A từ trên 60 - 100 triệu đồng/m2 và hạng sang từ trên 100 triệu đồng/m2.
Song song đó, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường, nhất là sự phát triển của các loại hình bất động sản mới. Quy trình pháp lý cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá trên thị trường. Đối với hình thức đầu tư mới, nên sớm có khung pháp lý chắc chắn, một mặt thúc đẩy sự tăng trưởng của hình thức đầu tư này, mặt khác có thể đảm bảo quyền lợi của khách hàng và nhà đầu tư.
Về phía cơ quan Nhà nước, việc ban hành các chương trình nhà ở quốc gia mang tính lâu dài như nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động… phải gắn liền với vấn đề tài chính cho người mua nhà lần đầu. Về phía doanh nghiệp, những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong mô hình vận hành để cải tiến chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí. Đồng thời, tăng cường áp dụng các bộ quy tắc, chuẩn mực nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ tư vấn viên trong lĩnh vực bất động sản.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực dự báo nhiều pháp lý bất động động sản tháo gỡ sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản 2022
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế nhận định: “Năm 2022 kinh tế dự báo sẽ phục hồi nhanh, khi Chính phủ thực hiện tốt chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có gói tín dụng về nhà ở xã hội được đề xuất là 65.000 tỷ đồng; chiến lược phát triển nhà ở Bộ Xây dựng đang gấp rút hoàn thành trình Chính phủ phê duyệt; đầu tư công, đặc biệt vấn đề pháp lý được tháo gỡ mạnh thời gian qua, sắp tới sẽ sửa đổi Luật Đất đai. Chính phủ cũng đang sửa nghị định về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp… những điều đó sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản năm 2022 và giá nhà ở sẽ điều chỉnh về mức hợp lý hơn”.
Ông David Jackson – Tổng giám đốc Colliers Việt Nam chia sẻ thêm, nguồn cung trong năm 2022 sẽ được cải thiện với nhiều dự án mới của các chủ đầu tư trong và ngoài nước so với năm 2021. Tuy nhiên, do quỹ đất nội thành khan hiếm, các dự án mới ở phân khúc trung cấp sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực phía Đông và các quận ngoại thành. Quỹ đất trung tâm sẽ được ưu tiên phát triển các dự án nhà ở hạng sang và cao cấp. Do đó, giá nhà ở dự kiến sẽ duy trì đà tăng trung bình từ 3-7% trong năm 2022 ở các phân khúc. Đối với người mua nhà, các tiêu chí lựa chọn bất động sản cũng sẽ thay đổi nhiều sau những gì họ đã trải qua trong đại dịch. Các sản phẩm với tiện ích cao cấp, không gian sống thoáng đãng và có kết nối với thiên nhiên sẽ được ưa chuộng.
Trong khi đó, tại Hà Nội, nguồn cung mới dồi dào sẽ đến từ các dự án khu đô thị lớn từ khu vực ngoại thành nhờ quỹ đất lớn. Điểm mạnh của thị trường nhà ở Hà Nội là hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, tăng sự kết giữa vùng trung tâm và các khu vực lân cận. Nhờ đó, các chủ đầu tư đã tự tin hơn trong việc phát triển các dự án quy mô lớn ngoài trung tâm với tiện ích đa dạng và không gian xanh rộng lớn. Giá bất động sản tại Hà Nội thực tế không biến động mạnh như TP HCM song giá vẫn tăng đều qua hàng năm ở mức 1-3%. Chính vì vậy, tôi tin rằng với nguồn cung dồi dào trong năm tới và nhu cầu mua nhà lớn của người dân, giá bán nhà ở tại Hà Nội sẽ tăng nhẹ trong năm 2022 so với 2021.
Ông David Jackson – Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho răng nguồn cung bất động sản năm 2022 sẽ cải thiện hơn
Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn một số điểm cần khắc phục để tăng tính cạnh tranh so với các thị trường trong khu vực như hệ thống cơ sở hạ tầng, chi phí logistic hay một số thủ tục hành chính. Nếu các vấn đề này được giải quyết, thị trường Việt Nam sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư lớn. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, bất động sản nhà ở tại các khu vực vùng ven TPHCM và Hà Nội là phân khúc đáng được cân nhắc trong năm 2022. Cụ thể, các sản phẩm với giá thành phù hợp, chất lượng không gian sống và tiện ích cao sẽ là những lựa chọn hợp lý về đầu tư lâu dài.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong năm 2022, nguồn cung mới dự kiến sẽ tăng hơn so với năm 2021, tuy nhiên thị trường bất động sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn bởi các cơ chế, chính sách; nhất là việc các dự án nhà ở thương mại đang có vướng mắc liên quan đến vấn đề chuyển đổi đất đai đối với các dự án nhà ở thương mại. Thực tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua cũng chưa quy định về việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với chủ đầu tư có quyền sử dụng đất 100% là đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp. Ngoài ra, quỹ đất tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM cũng đang ngày một hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư đất nền và nhà ở gắn liền với đất của người dân ngày càng tăng mạnh khiến cho giá nhà đất tăng cao.
TPHCM yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.