Kỳ vọng có những bước chuyển tích cực trong năm học mới

06/09/2024 - 06:11

PNO - Từ hôm qua 5/9, năm học 2024-2025 chính thức bắt đầu. Đây là năm mà chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018) được áp dụng ở những khối lớp cuối của các cấp học, gồm lớp Năm, Chín và Mười hai, cũng là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo yêu cầu của chương trình mới.

Học sinh có nhiều lựa chọn

Bà Nguyễn Thị Bích Hiền - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kết Đoàn, quận 1, TPHCM - nhận xét: “Những năm trước, do dạy và học chương trình mới theo hình thức cuốn chiếu nên vẫn có sự chênh nhau giữa các khối học theo chương trình mới và cũ. Năm nay, chương trình mới “phủ sóng” mọi khối lớp, giúp giáo viên có sự nhất quán, đồng bộ trong việc triển khai nội dung”.

Học sinh lớp Một, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2024-2025 ẢNH: TRANG THƯ
Học sinh lớp Một, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2024-2025 - Ảnh: Trang Thư

Theo bà, với chương trình mới, học sinh được tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm trong và ngoài nhà trường; cách đánh giá khuyến khích sự tiến bộ của học sinh qua quá trình học tập; việc quản lý và thực hiện công tác giáo dục nhất quán nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Cụ thể, nhà trường được điều chỉnh thời lượng, bổ sung nội dung dạy và học phù hợp; lồng ghép, tích hợp vào bài giảng các nội dung như giáo dục địa phương, giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), giáo dục kỹ năng công dân số, giáo dục quyền con người, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước… Học sinh được tham gia tích cực vào quá trình này, được tương tác trực tiếp với bạn và thầy cô, có cơ hội thể hiện sự hiểu biết của mình, được hình thành, phát triển những thái độ, thói quen tốt như tự giác, ham hiểu biết, yêu con người, thiên nhiên, đất nước, có ý thức và hành động bảo vệ môi trường.

Nhấn mạnh sự đổi mới toàn diện, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho rằng, chương trình mới cho phép các trường giúp học sinh phát triển mọi mặt từ cảm xúc, tri thức đến tinh thần, sức khỏe để có nhiều niềm vui hơn. Khi học sinh là trung tâm, cá tính được tôn trọng, tài năng riêng được phát huy. Ông dẫn chứng: “Thời tôi đi học, các môn như mỹ thuật, âm nhạc không được chú trọng. Bây giờ, các em được học những môn này xuyên suốt cả bậc phổ thông. Âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao là những hoạt động bổ trợ, làm cho chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM - trao thưởng cho những học sinh xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT  và tuyển sinh đại học năm 2024 ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nhân lễ khai giảng năm học mới 2024-2025, ngày 5/9 - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM - trao thưởng cho những học sinh xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2024 ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nhân lễ khai giảng năm học mới 2024-2025, ngày 5/9 - Ảnh: Nguyễn Loan

Ở Trường trung học Thực hành thuộc Trường đại học Sư phạm TPHCM, học sinh được chọn học 4/10 bộ sách mỹ thuật, được chọn học vẽ hoặc thiết kế đồ họa; được chọn học hát hoặc đàn, thậm chí là học múa, trong môn âm nhạc. Ở Trường THPT Hùng Vương, quận 5, TPHCM, học sinh được chọn học môn âm nhạc và mỹ thuật và từ năm học 2023-2024, trường đã tổ chức được 4 lớp âm nhạc, 4 lớp mỹ thuật cho học sinh khối lớp Mười.

Ông Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận, khi thực hiện chương trình mới, một số giáo viên, nhà quản lý cũng gặp khó khăn, nhất là khi dạy các môn mới, môn tích hợp ở bậc THCS dù sở đã tổ chức tập huấn cho giáo viên từ năm 2019, khi chương trình còn chưa áp dụng. Theo ông, 2024-2025 là năm học đầu tiên áp dụng đồng bộ chương trình mới, hiệu trưởng các trường - đặc biệt là bậc THCS - cần nắm bắt kỹ, hiểu sâu về việc đổi mới chương trình; giáo viên, nhà trường cần có sự nhất quán trong cách gọi tên các môn học cũng như việc thực hiện chương trình, nội dung.

Cô Nguyễn Dư Mỹ Trúc - giáo viên môn ngữ văn, Trường THCS Vân Đồn, quận 4, TPHCM - chia sẻ: “Thời kỳ đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên cũng có gặp một số khó khăn nhưng nay đã thay đổi và dần thích nghi. Riêng với môn ngữ văn, học sinh phát triển toàn diện cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, hình thành những tư duy, cảm xúc riêng.

“Chúng ta đã có định hướng đúng đắn, có nội dung, chương trình mới rất sát với thực tế, giờ chỉ cần nỗ lực thực hiện tốt thì sẽ đạt thành tựu là sự phát triển toàn diện của học sinh”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Việc thực hiện đồng bộ chương trình sẽ thúc đẩy tối đa sự bình đẳng trong giáo dục, sẽ không còn việc trong cùng cấp học mà có cả chương trình mới, cũ ở các khối lớp. Ngữ văn có lẽ là một trong những môn cho thấy rõ nhất sự thay đổi của học sinh. Các em tạo ra thói quen và kỹ năng mới, thực tế hơn, phát huy tối đa khả năng phản biện, thích ứng. Khi thực hiện đồng bộ chương trình mới, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn để thấy được sự phát triển, thay đổi của học sinh qua mỗi học kỳ, mỗi năm học”.

Đón đầu kỳ thi tốt nghiệp thực chất

Đa số giáo viên ở các tỉnh, thành đã đổi mới phương pháp dạy học, số nhập cuộc chậm hơn cũng cố gắng học hỏi để đổi mới phương pháp hiệu quả hơn. Ông Lý Bảo Việt - Hiệu trưởng Trường THPT Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp - cho biết, để triển khai chương trình mới ở lớp Mười hai, nhà trường đã tổ chức hội thảo chia sẻ những giải pháp hiệu quả, cách làm hay của các giáo viên, định hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Học sinh Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú) háo hức tham gia trò chơi trong ngày khai giảng - Ảnh: Trang Thư
Học sinh Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú) háo hức tham gia trò chơi trong ngày khai giảng - Ảnh: Trang Thư

Nhằm tránh tình trạng “văn mẫu”, Bộ GD-ĐT quy định, từ năm học 2024-2025, các địa phương, các trường không được dùng tác phẩm trong sách giáo khoa làm đề kiểm tra môn ngữ văn. Cô Lê Thu Trang (TP Hà Nội) cho biết, rất ủng hộ quy định này cũng như mục tiêu dạy để phát triển năng lực tư duy của học sinh: “Chúng tôi không còn làm “thợ dạy” và chấm văn của người lớn nữa. Giáo viên chỉ hướng dẫn, còn học sinh mới là chủ thể sáng tạo”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được tổ chức theo nội dung của chương trình mới với cấu trúc mới, giúp đánh giá đúng năng lực, thiên hướng của học sinh, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi cách dạy, học sinh phải thay đổi cách học.

Đối với khối Mười hai, ngoài tập huấn giáo viên, Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các trường phân công những giáo viên có kinh nghiệm đảm trách việc dạy chương trình mới. Ông Huỳnh Văn Hóa - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh - cho biết, trước mắt, sở chỉ đạo dạy tốt chương trình lớp Mười hai; khi Bộ GD-ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT, sở sẽ có chỉ đạo về việc ôn tập để học sinh đạt kết quả tốt theo hướng thực chất chứ không phải đối phó.
Trước năm học mới, Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An ra công văn yêu cầu các trường đẩy mạnh dạy và học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Ngoài các buổi tập huấn do người của sở hướng dẫn, sở cũng có kế hoạch mời chuyên gia về tập huấn về các phương pháp phát triển năng lực của học sinh, cách biên soạn câu hỏi, ra đề kiểm tra, đề thi để phục vụ cho việc dạy học, ôn thi tốt nghiệp THPT. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho biết, đã lên kế hoạch tập huấn cho đội ngũ giáo viên về cấu trúc đề thi, xây dựng ngân hàng câu hỏi, cách đánh giá năng lực đầu vào của các trường đại học…

Đồng bộ với chương trình mới, kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức trong năm 2025 sẽ có sự thay đổi rất lớn về cách ra câu hỏi ở phần thi khoa học (các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý). Thầy Nguyễn Thành Nam - giáo viên môn vật lý của kênh truyền hình Giáo dục quốc gia (VTV7) - cho rằng, theo cấu trúc đã được công bố, bài thi sẽ tập trung vào việc kiểm tra kiến thức thực chất về các hiện tượng tự nhiên và các khái niệm khoa học, chú trọng đánh giá năng lực thực nghiệm và thực hành nghiên cứu khoa học, hiểu biết về các ứng dụng của tri thức khoa học trong đời sống; hàm lượng tính toán sẽ ít, không rườm rà, phức tạp.

Gần 2.300 cơ sở giáo dục ở TPHCM khai giảng

Ngày 5/9, gần 2.300 cơ sở giáo dục từ mầm non tới phổ thông ở TPHCM đã làm lễ khai giảng, đón hơn 1,7 triệu học sinh chính thức bước vào năm học mới 2024-2025.

Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM - đã dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ông chúc mừng thầy cô, học sinh đồng thời trao bằng khen cho các học sinh giỏi được tuyển thẳng vào đại học trong kỳ tuyển sinh vừa qua.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI