Kỷ vật chiến tranh thấm đẫm yêu thương và khát vọng

30/04/2021 - 12:11

PNO - Những bảo vật vô giá đi cùng tháng năm luôn mang theo những câu chuyện tình người, lòng người...

Cây bút máy của chú bộ đội

Bố chồng tôi là một người lính kháng chiến chống Mỹ. Vào đầu những năm 1970, ông vượt Trường Sơn, vào miền Nam hoạt động binh vận. Ở ngay trong nhà dân tại Bảo Lộc, ông và đồng đội được dân nuôi, giúp đỡ. 

Một quán cà phê ở Quảng Nam lưu giữ hơn 1.000 kỷ vật chiến tranh
Một quán cà phê ở Quảng Nam lưu giữ hơn 1.000 kỷ vật chiến tranh

Điều éo le, gia đình bố chồng tôi ở có người con đi lính Việt Nam cộng hoà. Dù vậy, họ vẫn mở cửa đón và bảo bọc bộ đội miền Bắc vào nhà.

Những ngày đầu, dù không nói ra nhưng hai bên đều có ít nhiều phần e ngại. Về sau, hiểu được lòng nhau, đối đãi nhau bằng sự thân tình, tử tế, mối quan hệ trở nên thâm tình.

Trong khoảng thời gian hai năm hoạt động ngay trong lòng dân, bố chồng và một chú đồng đội được gia đình đó thương như con cháu trong nhà. Họ chia sẻ từng bữa no, bữa đói với hai anh bộ đội.

Bộ đội cũng xách nước, chẻ củi, dạy học cho con em trong nhà những khi rảnh rỗi. Ngày chia tay, bố chồng tôi lục hết ba lô chẳng có gì quý giá ngoài vài sổ sách, bộ quần áo... Ông tặng cậu anh cả trong gia đình ấy cây bút máy. Đó là thứ giá trị nhất trong ba lô ông. Cây bút từng theo ông đi dọc Trường Sơn, suốt gần một đời quân ngũ. 

Hòa bình lập lại, người Nam kẻ Bắc thất lạc tin tức nhau. Mấy chục năm sau, các anh chị em chồng tôi hiểu ưu tư của bố, bằng mọi cách để tìm lại gia đình đã cưu mang bố ngày xưa.

Phải mất tới 5, 6 năm tìm kiếm hai gia đình mới gặp nhau. Khi trò chuyện, mới vỡ lẽ: người con út của người lính Việt Nam cộng hoà trong gia đình ấy là người bạn học chung lớp đại học với tôi - con dâu của anh bộ đội năm xưa.

Khi chúng tôi, những đứa 8X, sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa nhắc lại kỷ niệm cũ của gia đình người lính hai phía, Tư - anh bạn tôi kể: “Nhà tôi mãi sau này vẫn trân trọng giữ cây bút máy của bác Vịnh, cất ngay trong tủ trà, nơi để đồ kỷ niệm của gia đình. Anh em tôi đi học đứa nào ít nhiều cũng được cầm cây bút ấy viết một thời gian, rất vui. Kiểu như được chia sẻ “quà” của chú bộ đội”.

Cây bút máy kỷ niệm - ân tình ấy, khiến chúng tôi rưng rưng.

Tấm thêu hoa hồng của nữ tù

Một trong những nhân vật trong sách của tôi là anh hùng lực lượng vũ trang Lê Thị Thu Nguyệt. Cô Nguyệt là người đặt bom trên máy bay Mỹ được Bác Hồ viết thư khen ngợi. Về sau, cô bị chỉ điểm, nhận án tù chung thân ở chuồng cọp nhà tù Côn Đảo.

Cô gái nhỏ Thu Nguyệt ngày ấy đã dũng cảm ngay từ những bước chân đầu tiên trong hành trình từ 8 tuổi đi làm giao liên, đến thời thanh xuân hết mình hoạt động và ở tù khi còn rất trẻ. 

Hoà bình lập lại, trao trả tù binh,  “tài sản” cô mang về với cuộc sống hoà bình là vài tấm áo mặc trong tù, vài tấm vải thêu tay.

Những nữ tù vẫn thường bày nhau thêu thùa để tiêu bớt thời gian cơ cực, phần vì nghĩ, biết đâu hoà bình lập lại có cơ hội nhờ tới nghề thêu. Cô Nguyệt thêu tay rất đẹp. Trong những bức thêu của cô có một bức gồm rất nhiều cụm hoa hồng trên mảnh vải lớn cỡ tấm trải bàn ăn.

Tấm khăn thuê của nữ tử tù
Tấm khăn thêu của nữ tù nhân Côn Đảo

Cô gái trẻ chưa một lần yêu nghĩ: "Biết đâu, sẽ có ngày mình dùng tấm khăn ấy để trải bàn tiệc cưới của mình". Mảnh vải ấy cô xin được từ cai ngục khi đám lính lười giặt giũ định vứt đi sau một lần tổ chức đám tiệc của nhà tù.

Và quả thực, trong đám cưới nghèo thời hậu chiến của cô, tấm khăn thêu hoa hồng ấy được trải ra, những người đồng đội đều cảm động ngợi khen tấm khăn đặc biệt.

Hàng chục năm sau chiến tranh, những bức ảnh tư liệu, tấm áo mặc trong tù, những mảnh thêu bé bằng bàn tay, mảnh khăn tang cô cột trong ngày để tang Bác Hồ cùng các nữ tù... được các nhà bảo tàng xin lại để trưng bày. Cô Nguyệt sẵn sàng chia sẻ “gia tài” tinh thần của mình, vì nghĩ tới việc chung.

Nhưng hai cậu con trai thuộc thế hệ 8X lại năn nỉ mẹ không tặng tấm vải thêu hoa hồng. Với những cậu con trai ấy, tấm trải bàn mẹ thêu trong những tháng năm ngồi tù là vật vô giá, nhắc nhớ một thời thanh xuân hy sinh, đầy khát vọng, ước mơ vào tương lai của mẹ.

Anh hùng lực lượng võ trang Nguyệt bên tấm thêu kỷ niêm
Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Thị Thu Nguyệt bên tấm vải thêu kỷ niệm

Công việc cho tôi cơ hội để gặp những cô chú từng là những người chiến sĩ hiến dâng thanh xuân, không tiếc thân mình vì Tổ quốc. Sau những chiến công, câu chuyện chiến đấu gay cấn, tôi thường có cảm xúc đặc biệt khi nghe họ hoặc con cái họ kể những về những kỷ vật mà gia đình gìn giữ như bảo vật.

Những “bảo vật” vô giá đi cùng tháng năm luôn mang theo những câu chuyện tình người, lòng người đầy cảm động.

Khôi Nguyên Thảo

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI