Ký ức thăm thẳm của ông hề già

25/04/2023 - 07:12

PNO - Kể chuyện ma nhưng để nói chuyện người, trang viết hôm nay nhưng là ký ức của xa xăm, của những năm tháng mà nhân vật Can còn là “cậu thiếu niên ốm đói” đánh trống cho đoàn hát. Những câu chữ trong "Ma gánh hát" khiến người đọc rưng rưng…

1. Gánh hát của ông bầu Bảy Quới là “gánh hát Cái bang bá đạo, hát Hồ Quảng được, hát cúng đình cũng được, đêm về với 2 cái đèn măng xông treo trên mấy cây che chụm lại”. Người của đoàn hát là ông bầu Bảy Quới, anh Hai Môi - kép độc tài hoa nhưng có khuôn mặt xấu xí kỳ dị, vua hề Ba Lùn, vợ chồng họa sĩ thiết kế Bê, chú Năm Đèn hậu đài, cô bếp Mai Liên… và “tôi” là Can - chàng trai ốm tong teo gõ trống cho đoàn hát. Chỉ với những nhân vật ấy, câu chuyện Ma gánh hát được kể từ miền Tây đến miền Đông, theo đời “gạo chợ nước sông” của những người nghệ sĩ.

ẢNH: NGUYỄN Á
Nghệ sĩ Mạc Can - Ảnh: Nguyễn Á

Đúng như tựa đề, truyện Ma gánh hát (trong tập truyện viết chung Ma gánh hát v/s Ma bịnh viện, nghệ sĩ Mạc Can viết phần Ma gánh hát, nhà văn Nguyễn Đông Thức viết phần Ma bịnh viện, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM vừa ấn hành) là câu chuyện về ma trong gánh hát. Nhưng kỳ lạ thay, những câu chuyện ma không khiến người đọc sợ mà lại thấy thương. Thương một gánh hát nghèo phiêu dạt, có lúc “dựng rạp diễn ở cái đình bỏ hoang đã lâu, bà con ở tuốt trong miệt xa xa cũng ráng lội bộ hay chèo xuồng tới coi”; có khi nằm đói dài vì trời mưa triền miên, thậm chí đi diễn tuồng ở nghĩa địa trong ngày giỗ của người đã khuất…

Gánh hát ấy bao lần dong ghe ngược xuôi khắp miền Tây, ăn đình ngủ chợ nhưng người nghệ sĩ yêu nghề thiết tha, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều biểu diễn hết mình. Đến mùa mưa, mỗi người tự tản ra tìm kế mưu sinh. Kép Hai Môi trên sân khấu được bao nhiêu khán giả ái mộ trở về với cuộc sống đời thường, nhận làm thuê làm mướn, tát đìa, cắt cỏ, chẻ củi… chờ thời. Những trang viết chở ký ức của ông hề già Mạc Can gửi đến người đọc một miền nhớ thương thăm thẳm. “Ma” là mạch cảm hứng xuyên suốt nhưng “gánh hát” mới thực sự là trọng tâm trong tác phẩm mới của nghệ sĩ Mạc Can. 

Những câu chuyện kể hay chính là nỗi nhớ thăm thẳm của ông hề già khiến độc giả - những người yêu mến Mạc Can sẽ rưng rưng cùng ông khi đọc Ma gánh hát.

2. Nghệ sĩ Mạc Can từng nói, cuộc đời ông đâu có gì vui mà khán giả cứ thấy ông là thấy hài. Người lớn yêu mến những vai diễn của ông, vui với cách ông trò chuyện dí dỏm. Còn trẻ nhỏ mê tít với những trò ảo thuật và kiểu pha trò hài hước, duyên dáng của ông. 

Nghệ sĩ  Mạc Can (trái) và nhà văn Nguyễn Đông Thức trong buổi ra mắt sách - ảnh: nguyễn á
Nghệ sĩ Mạc Can (trái) và nhà văn Nguyễn Đông Thức trong buổi ra mắt sách - Ảnh: Nguyễn Á

Thế nhưng, phía sau tiếng cười mà ông hề già mang lại cho bao người là nỗi cô đơn. Như cách ông đã bộc bạch trong lời cuối tác phẩm Ma gánh hát, có những lúc “ngồi thui thủi suốt đêm không ngủ” trong ngôi nhà “không địa chỉ, không số nhà”. Những hôm 3g sáng còn cần mẫn ngồi viết và thậm chí là “hàng đêm trò chuyện với những con ma” trong căn phòng của mình. “Tôi cũng là ma chăng vì tôi thích ngồi suốt đêm chờ trời sáng?” - ông viết. 

Nhiều năm về trước, ông cũng đã thức hàng đêm như vậy, máy tính lúc nào cũng mở sẵn nhiều file bản thảo còn dang dở. Viết quá nửa đêm, thấy đói bụng lại đi vo gạo nấu cơm ăn, rồi viết tiếp. Rồi có thời gian sang Mỹ, sau những ngày đi diễn dạo ở sân khấu hội chợ, làm thêm trong tiệm bánh mì là trở về ngồi viết trong ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô TP Dallas… Cứ thế mà những tác phẩm của ông lần lượt ra đời: Cuộc hành lễ buổi sáng, Tạp bút Mạc Can, Người nói tiếng bồ câu, Những bầy mèo vô sinh, Ba… ngàn lẻ một đêm, Quỷ với Bụt và Thần Chết… cùng hàng loạt kịch bản tiểu phẩm truyền hình, và giờ là Ma gánh hát. 

ẢNH: NGUYỄN Á
Ảnh: Nguyễn Á

Trên đất khách hay ở quê nhà, có những khoảng thời gian ông im lặng, bặt tăm. Ngày xuất hiện trở lại luôn là một tác phẩm mới. Để mọi người được chia sẻ cùng ông. Ngày tác phẩm Ma gánh hát v/s Ma bịnh viện ra mắt, nghệ sĩ Mạc Can xuất hiện trước mọi người vẫn với cách trò chuyện hóm hỉnh thường thấy, dẫu sức khỏe ông đã không còn được như trước. Ông bày tỏ: “Đi theo gánh hát từ lúc nhỏ, sau các cuộc phiêu lưu thăng trầm, cho đến nay tôi vừa đúng 78 tuổi. Tôi vẫn vậy, vẫn tiếp tục theo nghề biểu diễn, sân khấu chính là điểm tựa cuộc đời tôi. Chỉ ở trên sân khấu tôi mới vui”. 

Tác phẩm đầu tiên - Tấm ván phóng dao - ông viết về sân khấu. Tác phẩm mới nhất cũng dành cho thánh đường trong ký ức. Những câu chuyện kể của Mạc Can chưa bao giờ thôi hấp dẫn, dẫu cách kể của ông mộc mạc, “có sao kể vậy” như lời ông nói. Nhưng những câu chuyện của ông hề già như một di sản ký ức quý giá không chỉ với cuộc đời ông mà còn với cả sân khấu cải lương của một thời. Tìm đâu lại những vàng son, những yêu thương thuở ấy?

Ma gánh hát được nghệ sĩ, nhà văn Mạc Can hoàn thành bản thảo từ năm 2018. Đến giờ, ông đã không còn tự viết như trước được nữa. Chiếc máy tính hay dùng để viết thuở trước đã lạc mất sau nhiều lần chuyển nhà. Nhưng những ý tưởng vẫn luôn xuất hiện trong đầu ông, để mỗi khi có ai đến thăm, ông lại nhờ họ gõ lại bản thảo. Vẫn mong ông sẽ có tiếp những tác phẩm của mình, để công chúng mến mộ Mạc Can sẽ được thêm nhiều lần nữa nhìn thấy ông cười. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI