Ký ức Sài Gòn cuộn tròn những nhớ mong

07/03/2022 - 08:02

PNO - "Với ngày như lá, tháng như mây" là bàng bạc những mẩu chuyện thuộc về ký ức Sài Gòn của tác giả, vốn quý này không phải tay viết nào cũng may mắn có được.

Nhà văn Phạm Công Luận đã ra mắt nhiều cuốn sách viết về Sài Gòn đủ để bạn đọc xem ông là một trong những nhà văn tiêu biểu viết về chủ đề này. Nối dài mạch sáng tác về miền đất nơi mình sinh ra và lớn lên, Phạm Công Luận giới thiệu đến bạn đọc tập sách Với ngày như lá, tháng như mây.

Hẳn nhiên, khi một tác giả viết nhiều lần với cùng một chủ đề, độc giả có quyền đặt câu liệu nội dung tập sách có đủ mới mẻ và hấp dẫn? Với ngày như lá, tháng như mây, Phạm Công Luận cho thấy ông vẫn duy trì được sức hấp dẫn trong suốt 30 câu chuyện nhỏ. Đâu đó, bạn đọc thấy sự quen thuộc trong lối kể, cách kể ở những cuốn sách đã xuất bản của tác giả, nhưng sự giống nhau chỉ nằm ở mặt hình thức, ở bức tranh phổ quát của Sài Gòn năm tháng đã qua. Còn từng câu chuyện, có lúc tỷ tê, khi hài hước, có lúc khiến người ta xót tiếc, thấy đau lòng về khoảng thời gian đã qua không bao giờ lấy lại được. 

Cuốn Với ngày như lá, tháng như mây của tác giả Phạm Công Luận
Cuốn Với ngày như lá, tháng như mây của tác giả Phạm Công Luận

Với ngày như lá, tháng như mây là bàng bạc những mẩu chuyện thuộc về ký ức Sài Gòn của tác giả, vốn quý này không phải tay viết nào cũng may mắn có được. Phạm Công Luận khéo léo dẫn dắt độc giả đi từ câu chuyện riêng của những cậu nhóc học trò mới ngày nào còn trêu ghẹo bạn gái, giờ đây đã gần 60 tuổi. Rồi ông chuyển cảnh sang hoa, sang cây và rừng, sang hạt điệp già cỗi và côn trùng... Sài Gòn ở đó, lúc chỉ được nhắc thông qua một sự việc khác, nhưng khi lại được khái quát thành vùng đất trù phú, màu mỡ và chan chứa tình thương.

Tuổi càng lớn, người ta càng ưa ôn chuyện cũ, nhắc người xưa. Hoài niệm được họ ví như vàng ròng, càng qua thời gian, vàng càng sáng và chứng tỏ giá trị. Trong nhiều câu chuyện, tác giả Phạm Công Luận nhắc đến những nhân vật và những ký ức gắn liền cùng họ.

Những người được tác giả điểm tên có thể là danh nhân, được nhiều người biết đến nhưng cũng có lúc, họ chỉ tồn tại trong ký ức của Phạm Công Luận. Là chàng trai Châu Ro ở Đồng Nai mà tác giả quen trong một chuyến công tác, anh lên Sài Gòn chơi với ăm ắp những nỗi niềm về rừng bị tàn phá. Là một bác lớn tuổi từng gặp khi uống cà phê. Ký ức của bác là những xe hủ tíu gõ của người Hoa với chiếc ghế xếp chân sắt, mặt gỗ và những bức tranh tráng thủy xanh đỏ vẽ các trận chiến cổ trang trí trên xe…

Những hình ảnh được kể ra trong sách khơi gợi cho bạn đọc bức tranh về một Sài Gòn xưa với đủ âm thanh, sắc màu, hàng quán và những con người đôn hậu. Bạn đọc chậm rãi Với ngày như lá, tháng như mây nhìn ra được nhiều điều, không phải chỉ thổn thức với Sài Gòn mà với cuộc đời của chính mình hiện tại.

Đọc sách, một cảm giác nhung nhớ năm tháng cũ dâng lên đầy ắp vì thời gian đã qua chẳng bao giờ trở lại. Nhưng có lẽ, vì biết ai trong chúng ta rồi cũng sẽ thương nhớ xuân thì, tác giả lồng vào nhiều nội dung an ủi tâm hồn rằng nếu nhớ những ngày cũ, càng phải sống đẹp cho hôm nay.

Một đoạn thơ của tác giả Phan Khôi được Phạm Công Luận trích dẫn, như một lời nhắn nhủ: “Nắng chiều tuy có đẹp/ Tiếc tài gần chạng vạng/ Mặc dù gần chạng vạng/ Nắng được thì cứ nắng”. Ừ thì, nắng được thì cứ nắng, hãy tận hưởng cuộc đời hiện tại của mình. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI