“Ký ức những con đường dân vận khéo”

18/05/2022 - 06:16

PNO - Cảm ơn bạn đọc đã cùng Báo Phụ Nữ TP.HCM đồng hành kể chuyện phố phường trong suốt một tháng qua. Chuyên mục “Ký ức những con đường dân vận khéo” xin khép lại...

Thấy đường mở rộng nhiều người liền sắm xe hơi

Đường Trương Văn Đa hôm nay
Đường Trương Văn Đa hôm nay

Ngồi nhâm nhi ly cà phê trước cửa nhà, nhìn xe cộ chạy bon bon qua lại trên con đường Trương Văn Đa (ấp 1, xã Bình Lợi, H.Bình Chánh), ông Đào Văn Thêm vui vẻ kể: “Lúc chưa mở lộ, đoạn từ cầu Bà Tỵ - nơi giáp ranh giữa xã Tân Nhựt và xã Bình Lợi, H.Bình Chánh - đến cuối đường thuộc địa phận xã Bình Lợi, có hết thảy 23 cây cầu lớn, nhỏ. Nhiều cây cầu không tay vịn, bề ngang chưa đầy nửa mét. Vì thế, nông dân trồng mai ở xã phải vận chuyển bằng ghe nên rất mất thời gian, có khi cả buổi mới kịp vô tới thành phố bán. Bây giờ mở đường nên xe chạy chỉ hơn một tiếng là tới nơi, tiện thiệt!”. 

Ký ức của nhiều người dân sống lâu năm ở xã Bình Lợi vẫn còn ám ảnh những ngày chạy xe trên đường mà tay phải cầm sẵn thanh tre hoặc bất cứ vật gì có thể để gạt bùn, đất nếu trời mưa. Chị Nguyễn Thị Trang, ngụ ở ấp 1, kể: “Xưa mỗi lần có việc lên huyện, mấy chú giữ xe hay đùa, nhìn vào là biết xe ở trong Bình Lợi ra. Nghe vậy mình cũng tủi thân, dù biết họ nói vui thôi”. 

Còn ông Thêm thì hào hứng nói: “100% hộ dân đã hồ hởi dời rào, dời nhà để hiến đất làm đường. Quanh tôi, từ đầu ấp đến cuối ấp, tôi chưa thấy hộ nào từ chối. Công trình này chính quyền nói là công trình dân vận, mà dân chúng tôi thì mang ơn công trình nhiều vô kể. Thấy đường mở rộng này, nhiều hộ ở đây liền sắm xe hơi, cất nhà khang trang hơn”.

Phạm Phan 

Con chúng tôi được đưa dâu trên con hẻm sạch đẹp

Tôi năm nay hơn 70 tuổi, đã gắn bó với con hẻm từ lúc lên xe hoa về nhà chồng. Năm ấy, tôi chỉ vừa mới đủ tuổi làm chứng thư hôn thú. Con hẻm khi ấy được gọi là hẻm 96 Lê Lợi (ấp Cộng Hòa 2, Hanh Thông Xã, Q.Gò Vấp - tên gọi trước năm 1975). Đầu hẻm là một cây đa to, rũ từng cọng rễ. Dọc con hẻm có cây vú sữa nhà bà Sáu, cây bồ quân nhà ông Năm, cây mít nhà ông bảy Bán, và đẹp nhất là hai cây tùng nhà ông Sáu. Đối diện nhà chồng tôi là một hàng tre rậm rạp, cao lớn. Cả con hẻm không có lấy một bóng đèn đường, tối om bởi cây nhiều hơn nhà. Điều đó khiến người trẻ chúng tôi thường lo sợ mỗi khi ra đường vào buổi tối.

Khi miền Nam được giải phóng, cuộc sống hoàn toàn đổi thay. Các thành phần công dân tham gia sinh hoạt đoàn thể. Tôi cũng xúng xính đi họp phụ nữ cùng chị em. Các em thiếu nhi tối nào cũng rủ nhau ra nhà văn hóa xã sinh hoạt dù đường đi tối om. Nhờ đó, con hẻm sinh động hẳn lên. Nhu cầu nâng cao đời sống cũng là lúc người dân xóm tôi thấy con hẻm trời nắng thì bụi mịt mù, trời mưa thì sình lầy khiến việc đi lại vô cùng khổ sở. Thương nhất bác tổ trưởng đi từng nhà vận động bà con góp nhau mua xà bần nâng cấp con đường. Ngày xe chở gạch đá đến, cả xóm vui như hội, cùng ra góp sức sang nền. Năm ấy, tôi chừng 40 tuổi, cũng hồ hởi ra khiêng khiêng đổ đổ.

Con hẻm 142 Phạm Văn Đồng rộng, thoáng sau bao lần nâng cấp
Con hẻm 142 Phạm Văn Đồng rộng, thoáng sau bao lần nâng cấp

Mãi đến năm 2005, con đường Phạm Văn Đồng được khởi công thì con đường vào xóm tôi cũng bắt đầu nâng cấp. Công nhân đào cống, làm ống nước, đổ bê-tông; dây điện được kéo, bóng đèn đường chiếu sáng choang. Lúc này, con hẻm rộng 6m, được đổi thành hẻm 142. Đó cũng là thời điểm những đứa con của tôi lần lượt trưởng thành và được làm đám cưới, đưa dâu đi trên con đường sạch đẹp, tinh tươm. Rồi những cây đa, cây mít nhường chỗ cho những căn nhà lầu ba, bốn tầng…

Năm 2019, Nhà nước vận động nhân dân thực hiện những tuyến hẻm xanh, sạch đẹp, tôi lại cùng bà con trong hẻm tham gia sơn phết, trồng tỉa tạo nên một mảng xanh sinh động. Trong mắt tôi, đây là bức tranh đẹp nhất khi cháu nội, cháu ngoại tạo kiểu chụp hình. Vậy mà cuộc sống bình yên trong con hẻm cũng có lúc bị xáo trộn vì COVID-19. Tháng 6/2021, con hẻm bị phong tỏa hoàn toàn để khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Từ đó, con hẻm lại gánh thêm trọng trách mới, là nơi tập kết gạo, rau dưa để phân phát đến từng nhà…

 Nguyễn Thị Đào (Q.Gò Vấp)

Người dân phấn khởi nhìn tuyến hẻm được bê-tông thẳng tắp

“Hai năm nay, người dân ấp 5, xã Bình Mỹ, H.Củ Chi phấn khởi mỗi khi lưu thông trên tuyến hẻm 433 (tổ 10). Con đường được bê-tông thẳng tắp, khang trang, sạch sẽ. Đây là thành quả của cả ấp, nhất là sự đồng thuận cao của người dân trong công tác mở rộng hẻm”, Trưởng ấp 5 Nguyễn Văn Tây nói. 

Hẻm 433 ban đầu là đường đất nhỏ, trời nắng xe chạy thì cuốn bụi, trời mưa thì sình lầy, trơn trợt. Thấy bà con đi lại vất vả, Chi bộ - Ban Nhân dân ấp 5 đã chọn hẻm 433 để thực hiện mở rộng, bê-tông toàn tuyến. Tưởng vận động khó khăn, nhưng không ngờ vừa thông báo, nhiều hộ dân đã lập tức đồng tình. Gia đình ông Lê Huỳnh Nghĩa cắt hơn 40m2 mặt tiền nhà để mở rộng hẻm. Hộ bà Võ Thị Hiền cũng đồng ý hiến tặng bề ngang mặt tiền nhà dài 25m, sâu vào 1,5m. Từ sự đồng thuận của bà Hiền, ông Nghĩa, phong trào vận động mở rộng hẻm đã nhanh chóng được nhiều hộ dân khác ủng hộ. Dù ít dù nhiều, các gia đình đều hiến tặng một phần đất, tự tháo dỡ hàng rào, các công trình khác.

Hẻm 433 được khởi công xây dựng từ cuối tháng 7/2020. Sau gần một tháng thi công, tuyến hẻm đã hoàn thành với chiều dài 450m, rộng 3,5m. Ngoài tổng kinh phí trên 360 triệu đồng còn có 250 ngày công của nhân dân tự nguyện tham gia. Hẻm 433 sau khi hoàn thành được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, đảm bảo đèn điện được chiếu sáng khắp tuyến đường trong một xóm ấp nhỏ, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại. 

 Lê Thị Thanh An (xã Bình Mỹ, H.Củ Chi)

Hẻm 433, xã Bình Mỹ, H.Củ Chi sau khi được bê-tông hóa thẳng tắp khang trang, sạch đẹp
Hẻm 433, xã Bình Mỹ, H.Củ Chi sau khi được bê-tông hóa thẳng tắp khang trang, sạch đẹp

Cảm ơn bạn đọc đã đồng hành cùng chuyên mục

Ngày 11/4, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã mở chuyên mục “Ký ức những con đường dân vận khéo” với ý tưởng ban đầu nhằm ghi nhận câu chuyện cán bộ Hội các cấp trong hành trình vận động nhân dân mở hẻm làm đường, chỉnh trang đô thị theo chủ trương chính quyền các cấp. Thế nhưng, trong hơn một tháng qua, hàng chục bài viết của bạn đọc gần xa gửi về báo không chỉ đề cập chuyện vận động mở hẻm làm đường, mà còn đầy ắp câu chuyện tình người, về lòng dân, sức dân. 
Có hộ gia đình hiến cả ngàn mét vuông đất mà vẫn vui phơi phới khi nhắc chuyện có đường đẹp, đất đai lên giá hơn, nhiều người trong con phố, con hẻm bỗng nhà lầu, ô tô… Họ không chút ghen tỵ mà đầy tự hào vì được góp sức cho cái chung. Có cụ bà gần trăm tuổi ở H.Bình Chánh “gật đầu cái rụp” kêu con gái cắt 700m2 đất hiến tặng. Cụ còn dốc hết tiền dưỡng già cho con cháu dời rào, dời cổng ủng hộ chính quyền. Bởi như cụ nói: “Mình nhà toàn đảng viên, cán bộ, nhân viên nhà nước, ở ngay đầu hẻm không làm, người dân không thấy sự nêu gương…”. 
Có chị nông dân ở H.Củ Chi nghèo rớt mồng tơi, chỉ có khoảnh đất rộng hơn 500m2 của cha mẹ để lại là gia tài quý nhất vẫn chấp nhận tiên phong hiến gần nửa tài sản để nhà mình “lên đời”. Chị kể: “Ngày xưa, cha tôi nghèo lắm, toàn đi làm mướn mà vẫn để khạp nước mưa cùng cái gáo dừa ở trước nhà cho ai đó lỡ đường có nước uống. Giờ mình hiến đất cũng giống vậy thôi. Nhà nước, người dân và cả con cháu nhà mình nữa, có ai mà không cần đường đẹp để đi…”.
Theo số liệu từ HĐND TP.HCM, từ năm 2000 đến cuối năm 2021, toàn thành phố đã có 168.139 hộ dân đã tham gia hiến hơn 5,3 triệu m2 đất, với trị giá hơn 10.050 tỷ đồng, phục vụ cho 5.235 công trình. Trong đó, 3.874 công trình mở rộng hẻm, với trị giá hơn 6.622,8 tỷ đồng; 1.237 công trình mở rộng đường, ước tính tương ứng với hơn 3.379 tỷ đồng… Để có những con số đầy ấn tượng này, hàng trăm ngàn gia đình đã cùng chung tay, góp sức.
Cảm ơn bạn đọc đã cùng Báo Phụ Nữ TP.HCM đồng hành kể chuyện phố phường trong suốt một tháng qua. Chuyên mục “Ký ức những con đường dân vận khéo” xin khép lại bằng những lời nhắn thân thương của những người trong cuộc: “Nghe kể chuyện con đường a, b, c… tụi tui thấy tuổi thơ, thanh xuân của mình trong đó”. 

 Báo Phụ Nữ TP.HCM

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI