PNO - "Tôi thích những khoảnh khắc lúc anh ngồi một mình. Những hôm anh đứng nơi cửa sổ hoặc ngồi trên ghế da, hoặc nhìn mấy viên đá… Không có âm nhạc. Một mình và hút thuốc. Đó là những “tâm trạng ăn ảnh” của anh.
Năm 1990, theo kế hoạch, tôi từ Moscow về Việt Nam, tổ chức một triển lãm ảnh cá nhân ở TP.HCM. Vì vài trục trặc nên khi tôi về thì triển lãm đã diễn ra được hai tuần. Một số bạn bè đề nghị tổ chức ngày bế mạc to hơn cả ngày khai mạc để giới thiệu tôi. Các anh đã mời anh Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh và một số bạn bè thân thiết đến dự. Từ mối nhân duyên đó, tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp nhau một cách thường xuyên.
Sau đó, Trịnh Vĩnh Trinh - em gái anh Sơn từ Mỹ về. Tôi cùng Hãng phim Phương Nam và Trinh hợp tác, để quay một video ca nhạc Có một dòng sông đã qua đời. Còn nhớ, ba ngày trước khi quay, anh chuẩn bị một cuộc rượu buổi sáng. Anh nói: “Long lên đây với anh”. Anh dẫn tôi đi qua một hành lang, lên phòng thờ má anh ở lầu hai. Ở đó có một kệ tủ xưa màu nâu rất to. Khi anh mở ra, thì rơi ra rất nhiều bọc đồ. Anh bảo, Long tìm cho anh một lá thư, chính là lá thư anh viết cho nghệ sĩ Joan Baez.
Tôi lấy hết các tư liệu trong đó: những bài báo, những ghi chép, bản nhạc, thơ… trải ra sàn, ở chính phòng thờ má anh, ngồi phân loại tới chiều vẫn chưa tìm thấy. Khi anh lên thấy vậy thì không tin được: “Tại sao rối tung thế, mà giờ lại gọn gàng thế kia?”. Tôi đề xuất: “Nếu anh còn những bọc nào như thế nữa, cứ đưa hết cho em, em sẽ xếp lại cho anh”. Đống tư liệu quá ngồn ngộn và hấp dẫn, gồm nhiều bài báo viết về anh, có cả lệnh cấm không cho Trịnh Công Sơn hát từ phía chính quyền miền Nam trước năm 1975 cùng nhiều thư tình, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của một người bạn gái của anh… Là một người chụp ảnh tư liệu nên tôi bị mê man trong đống tư liệu đó. Tôi xếp hết cả sáng, không ăn trưa, không cả ăn tối mà vẫn chưa xong.
Sau chuyến đi Pleiku để quay MV cho Trinh, về lại Sài Gòn, tôi tiếp tục đến nhà anh ở 47C Phạm Ngọc Thạch (Q.3, TP.HCM) và sắp xếp cẩn thận tất cả tư liệu của anh. Khi nghe tôi ngỏ ý muốn làm một phim tài liệu về anh, Trịnh Công Sơn nói: “Ồ, ok. Long chuẩn bị đi”. Thế là sau đó, cứ vài ba hôm, anh lại chạy vào phòng hoặc chạy ở đâu đó về, lại đưa cho tôi một bọc tư liệu. Những tưởng đến tháng 12/1995 thì tôi sẽ dừng phần tư liệu này; nhưng kéo dài hai năm sau đó mới hoàn toàn chấm dứt.
Rồi, cuộc đời xô đẩy, tôi đi lấy vợ, bộn bề công việc. Ngày 1/4/2001, anh Sơn mất. Lúc đó tôi đang đi chơi chụp ảnh ở Ninh Thuận, chạy xe về liền. Những ngày sau, tôi mới ngấm nỗi buồn. Người bạn lớn của mình mất đi rồi, giữ lại hình ảnh anh làm gì nữa. Tôi chuẩn bị một chiếc thùng phuy, định làm một triển lãm ảnh nhân 49 ngày mất của anh rồi đốt hết tất cả trong đó.
Tôi chụp anh gần 10.000 bức, cũng không muốn giữ lại nữa. Lúc đó một người thầy báo chí của tôi là anh Nguyễn Trọng Chức đã nói một ý khiến tôi suy nghĩ: “Không được làm như thế, Long. Khi làm thế, Long có tội với những người yêu mến Trịnh Công Sơn”.
26 năm gìn giữ khối tài sản của anh Trịnh Công Sơn, tôi trải qua tới 27 lần chuyển nhà ở nhiều tỉnh, thành. Lúc ở nhà thuê, lúc nhà mua. Suốt quá trình đó, đi đâu, tôi cũng mang kè kè bên người gần một tấn phim chụp Việt Nam lẫn quốc tế trong 45 năm làm nghề của mình, và đống tư liệu mà anh Sơn đưa. Khi đó, tôi nghĩ, khi mình chết, chúng cũng sẽ đi theo mình.
Khác với ảnh nghệ thuật, ảnh tư liệu có những đặc thù rất khắt khe. Tôi không biết nếu không còn mình, người ta sẽ cắt cúp bức ảnh ra sao, thông tin bị diễn dịch tam sao thất bản như thế nào. Với ảnh tư liệu, chú thích ảnh quan trọng nhất. Trịnh Công Sơn trong bức hình này được chụp vào thời điểm nào, tại sao ông lại có tâm trạng như thế…
Đó cũng là lý do mà tôi từ chối những lời mời hợp tác công bố ảnh tư liệu liên quan. Tôi muốn trao nó cho gia đình anh để có thể làm một không gian trưng bày gì đó. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, gia đình anh người thì ở Canada, người ở Mỹ... ý tưởng bất thành. Mãi đến hôm nay, 20 năm ngày mất của anh, tôi mới có thể làm công việc ý nghĩa này.
Những bức ảnh tư liệu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Minh Long gìn giữ suốt 26 năm qua
Tôi nhớ, hồi đó, khi xem ảnh tôi chụp anh, anh luôn vui. Anh nói: “Cái này mình không nhận ra mình. Cái này giống ông này ông kia nhỉ? Cái này buồn nhỉ?”. Có những tấm ảnh bẵng đi một thời gian anh mới xem, anh hỏi chụp ở đâu và tại sao lại có một tâm trạng như thế? Lúc đó, anh hút thuốc, ngồi trên bàn tiệc rất đông. Gương mặt của anh rất khó tả.
Tôi thích những khoảnh khắc lúc anh ngồi một mình. Những hôm anh đứng nơi cửa sổ hoặc ngồi trên ghế da, hoặc nhìn mấy viên đá… Không có âm nhạc. Một mình và hút thuốc. Đó là những “tâm trạng ăn ảnh” của anh.
Tôi trao lại khối tư liệu khổng lồ gồm hàng ngàn ảnh, các bản nhạc, bản ghi âm, hiện vật... mà tôi đã lưu giữ trong 26 năm qua cho gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với mong muốn đóng góp xây dựng không gian văn hóa mang tên nhạc sĩ, tôn vinh những cống hiến của nhạc sĩ với nền âm nhạc Việt Nam. Qua đó, tôi muốn công chúng biết thêm được một phần riêng tư nhất của anh - người nghệ sĩ tài hoa của đất nước.