Ký ức mát lạnh như sương sa

13/11/2017 - 08:43

PNO - Cuộc sống ngoài kia cũng rực rỡ sắc màu như những hạt lựu bé tí, cũng phải trái trắng đen như những mảng thạch sương sa, cũng ngắn dài rộng hẹp như những sợi bánh lọt.

Nếu ai đó hỏi nhớ gì nhất vào những ngày đầu đông, tôi sẽ chẳng ngần ngại mà đáp rằng: một ly sương sa hạt lựu. Chẳng hiểu sao lại là một ly chè ngọt lịm và mát lạnh, chứ không phải một món ăn nghi ngút khói để làm ấm các tế bào cơ thể. Phải chăng vì mảng ký ức mát lạnh của thứ quà vặt ấy gợi nhớ nhiều hơn bao giờ hết cái giá rét của gió mùa, và làm sống lại những ngày mùa đông?

Ky uc mat lanh nhu suong sa
 

Có lẽ đứa trẻ nào cũng từng một lần hớn hở vì được theo mẹ ra chợ, để rồi không khỏi phấn khích trước quầy chè đủ màu xanh đỏ tím vàng, sáng bừng cả một góc chợ quê. Tôi nhớ mình đã dán mắt vào những ly chè sương sa hạt lựu phía sau lớp tủ kính, một cách đầy háo hức và thèm muốn.

Với một đứa trẻ lên bảy, những viên thạch rực rỡ sắc màu chẳng khác gì những tinh thể lấp lánh trong dải ngân hà là mấy. Dù nó chỉ là những viên bột năng bé xíu ôm lấy phần cơm dừa được xắt hạt lựu bên trong, và những màu sắc lộng lẫy thực chất được chiết từ lá dứa cho màu xanh, cà rốt cho màu cam, hay củ dền cho màu đỏ.

Những viên bột năng sau khi được nhuộm màu sẽ được mang đi luộc. Khi chín, bột sẽ trong veo soi rõ được phần cơm dừa bên trong, đánh lừa thị giác với cảm tưởng rằng trước mặt mình là những hạt lựu thứ thiệt, bởi trông chúng cứ đỏ mọng và sinh động như thể cắn vào là nước ứa ra tận chân răng.

Ky uc mat lanh nhu suong sa

Một ly chè hạt lựu sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu sương sa. Có hai loại: sương sa trắng, một loại rau câu màu trắng đục, vị ngọt thanh, và sương sa đen, còn gọi là sương sáo - một món ăn có nguồn gốc Trung Hoa với công dụng giải nhiệt gần như tuyệt đỉnh.

Ngoài sương sa và hạt lựu, tùy theo vùng miền, ly chè còn có thêm sự góp mặt của bánh lọt, hay đậu xanh đánh. Nhưng thế vẫn chưa đủ, nếu chưa được thêm vào một thứ nước xốt kết nối tất cả, mang đến trải nghiệm tối ưu cho vị giác lẫn khứu giác. Chính là nước cốt dừa!

Giữa sắc đỏ, xanh, vàng, cam, đen, trắng của sương sa và hạt lựu chen chúc trong ly thủy tinh, nước cốt dừa trắng tinh len lỏi vào những kẽ hở, trở thành mối liên kết quan trọng và duy nhất cho đại tiệc sắc màu này. Thêm một ít đá bào, trộn đều lên, rồi xúc một muỗng thật đầy cho vào miệng, cái nóng của phiên chợ đang ngả về trưa không ai xua, cũng tự dưng tan biến mất.

Ky uc mat lanh nhu suong sa
 

Chỉ còn lại chút sần sật vui miệng từ cơm dừa, chút dai dai của bánh lọt, quyện cùng vị ngọt thanh của sương sa, thêm tí bùi bùi của đậu xanh đánh, và béo ngậy của nước cốt dừa... Tất cả cứ từ từ chậm rãi tan dần trong khoang miệng.

Sương sa hạt lựu là sự kết hợp của nhiều thành phần tưởng chừng chẳng hề liên quan đến nhau, nhưng vẫn có thể xúm xít trong một chiếc cốc và được kết nối với nhau bằng nước cốt dừa. Hệt như cái cách các bà các chị chen chúc trong một cái chợ quê, mỗi người một cuộc đời, một thân phận, dẫu quen hay lạ, vẫn có thể kết nối với nhau bằng những câu chuyện thời sự, chuyện mưa bão, chuyện phim truyền hình tối qua “con nhỏ đó rút cục cũng lấy được thằng đó”. 

Lối sống cộng đồng rất đặc thù của người Việt, hóa ra, chẳng khác một ly sương sa hạt lựu là mấy. Cuộc sống ngoài kia cũng rực rỡ sắc màu như những hạt lựu bé tí, cũng phải trái trắng đen như những mảng thạch sương sa, cũng ngắn dài rộng hẹp như những sợi bánh lọt. Nhưng làm sao béo bùi và ngọt lịm như cái thế giới bé tẹo gói gọn trong ly chè mát lạnh, chỉ có được dư vị trọn vẹn - khi người ta bé. 

Hạnh Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI