Một Hội An rặt Trung Quốc?
Theo nhà văn Trần Kỳ Trung, từ đầu đến cuối tác phẩm là một Hội An hoàn toàn xa lạ: từ con người, trang phục, cách thức sinh hoạt, mua bán… chỉ thấy toàn Trung Quốc. Trong khi đó, Hội An thuở ấy được sách vở miêu tả là thương cảng bậc nhất xứ Đàng Trong, dân dong thuyền đi khắp nơi.
|
Một cảnh trong Ký ức Hội An |
Chưa kể, trước khi người Việt vào, người Chăm đã ở đây, chứ không có cảnh ăn mặc như bộ tộc, chồng ngồi hút thuốc, vợ bụng mang dạ chửa, rồi nhảy xuống sông đãi vàng… Chưa hết, đoạn công chúa Ngọc Hoa sống ở Hội An, đám cưới với một ông cưỡi voi ở bộ tộc nào đó, ăn mặc như cô dâu trong phim cổ trang Trung Quốc. Sách ghi rõ, công chúa có chồng là thương gia Nhật Bản, sang Nhật Bản ở. Các cô gái Việt trên sân khấu thì dưới nón lá là tóc đuôi sam đỏ, như thời nhà Thanh.
Trao đổi với báo Phụ Nữ TP.HCM, nhà văn Trần Kỳ Trung nói: “Đạo diễn, biên kịch, người làm nhạc cho tác phẩm đều là những cái tên lạ hoắc, chưa từng nghe, họ tên y như Trung Quốc. Lạ lùng hơn cả là chuyện ông Dương Trung Quốc trong ban cố vấn. Ông Quốc thì có lạ chi Hội An đâu!”.
Ông Trung đặt câu hỏi, không biết nếu người Nhật xem vở diễn, họ sẽ nghĩ sao. Những người Nhật đến sống ở Hội An, chết cũng chôn ở đó, có gia đình với người Hội An; bây giờ Nhật Bản là nước giúp Hội An nhiều nhất trong phục chế nhà cổ, giao lưu văn hóa. Nhưng trong Ký ức Hội An, tuyệt nhiên không có bóng dáng họ. Đạo diễn, biên kịch đã “quên” hay cố tình quên?
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, nói: “Mình đi xem, trả lời với tư cách khán giả. Ký ức là nhớ, mà nói ký ức Hội An tức là có địa chỉ rõ ràng, là Hội An. Nên khi anh làm sân khấu, dù nghệ thuật hóa bao nhiêu nữa, thì tính chân xác phải đảm bảo. Sân khấu quy mô, hoành tráng, diễn viên hàng trăm người, là quá lớn, như báo chí từng nêu là xác lập hai kỷ lục: sân khấu lớn nhất, diễn viên đông nhất. Điều này không đúng với Hội An, từ người đến đất, cái gì cũng chừng mực. Còn nội dung, cảnh cô gái dệt lụa kéo dài, ý đồ là làm nên một Hội An mềm mại, nhưng cứ lặp lại mãi, đâm ra nhàm. Ở đó, có đám cưới, người ta nói công chúa Huyền Trân được Chế Mân cưới. Thưa rằng, ở Hội An không có chuyện này. Không có chuyện ông người Chăm cưỡi voi cưới đàn bà Việt.
Cảnh trên bến dưới thuyền, vô duyên lắm, y như chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ với toàn đặc sản Nam bộ, trong khi sản vật Hội An có trong ca dao: “Hội An bán gấm bán điều/ Kim Bồng bán vải, Trà Nhiêu bán hành”. Phần âm nhạc suốt vở diễn không có đặc thù của dân ca Hội An hay Quảng Nam. Ký ức Hội An cũng không có những làng nghề đã làm nên Hội An một thuở, kéo dài đến tận bây giờ. Cảnh người đàn bà hóa đá, rồi dân đem lồng đèn tụm lại trên biển để định hướng cho chồng về, là kệch cỡm. Người đàn bà vọng phu là nỗi cô đơn, dằng dặc một mình chứ không có kiểu đó, chưa kể là nhảy xuống sông bơi lội, khóc ré. Ý kiến của tôi, là vở diễn nghèo ý tưởng và… trọc phú, không thích hợp với Hội An”.
|
Một cảnh trong Ký ức Hội An |
Quản lý lơ ngơ
Trả lời ý kiến tác phẩm rặt tư tưởng Trung Quốc, ông Sự cho rằng, không phải hoàn toàn như thế. Nên lưu ý, Hội An cũng có người Hoa ở, cùng nhiều người nước khác, làm nên sự đa dạng văn hóa.
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hội An, cho biết, đơn vị ông không có quyền mà trách nhiệm quản lý thuộc về Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh. Ông Tôn Thất Hướng, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa của sở này cho hay, kịch bản do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội duyệt, nên phía Quảng Nam chỉ theo dõi kịch bản có thực hiện đúng hay không. Ông Võ Phùng cho rằng, nói như vậy là không được, bởi trách nhiệm của Sở Văn hóa - Thể thao địa phương đã được quy định rõ, bất luận hoạt động văn hóa gì ở địa phương mình, thì mình phải có trách nhiệm theo dõi, quản lý nội dung.
Tại cuộc họp báo giới thiệu chương trình Ký ức Hội An, do Công ty cổ phần Quản lý Công viên Chủ đề Việt Quốc thực hiện trước đó, ông Dương Trung Quốc cho biết: “Đây là chương trình giải trí, là sản phẩm du lịch, phải bảo đảm tính hấp dẫn, thu hút mọi người, nhưng phải có thông điệp của nó”. Chúng tôi không liên lạc được với ông Dương Trung Quốc, nên không rõ ông sẽ nói gì về thông điệp trong vở diễn này, lẫn ý kiến đang sục sôi của người dân Hội An.
|
Một cảnh trong Ký ức Hội An |
Sân khấu chương trình Ký ức Hội An được thực hiện trên nền dự án Trung tâm hội nghị - Làng du lịch sinh thái Gami Hội An, do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch và kinh doanh hội nghị Gami Hội An làm chủ đầu tư, với diện tích 10ha. Việc xây dựng này làm ảnh hưởng dòng chảy, biến dạng cảnh quan, kiến trúc sông Hoài, vượt cao trình ban đầu từ 13,5m lên 16,5m.
Từ năm 2005, TP. Hội An đã đồng ý cho xây dựng, với điều kiện là xây không quá 2,5 tầng, trên diện tích 15% đất, phần còn lại để người dân làm bắp, tạo cảnh quan sinh thái. Tuy nhiên, liên tiếp sau đó, nhiều quyết định tạm dừng và thu hồi dự án trên đã được đưa ra, vì chủ đầu tư kéo dài thời gian thi công, làm thay đổi dòng chảy.
Năm 2013, TP. Hội An đã ra quyết định thu hồi đất và đến tháng 5/2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã cho công ty trên xây dựng lại. Ngày 18/3/2018, dự án đã đi vào hoạt động, nhưng đến ngày 20/3, giấy phép xây dựng mới được Sở Xây dựng cấp, nghĩa là họ đã xây dựng không phép.
|
Trung Việt