Ký ức đẹp thời bao cấp

12/11/2016 - 17:54

PNO - Nhà thơ Ngô Minh cho biết: “Cuốn sách là ký ức của riêng tôi, nó không thể đại diện cho ký ức của tất cả những ai đã sống trong thời này”.

Chuyện thời bao cấp nhiều người đã viết, nhưng cuốn Sống thời bao cấp (NXB Hội Nhà văn) vẫn có nét riêng ở chỗ nhà thơ Ngô Minh kể lại thời gian mà mình đã trải qua. Những gì tác giả đã chứng kiến, đã sống khiến bạn đọc tin hơn, dễ cảm thông hơn. Anh cho biết: “Cuốn sách là ký ức của riêng tôi, nó không thể đại diện cho ký ức của tất cả những ai đã sống trong thời này”.

Tác giả viết lại chuyện của chính mình, nên những gương mặt đồng nghiệp cầm bút trước và cùng thế hệ cũng thấp thoáng xuất hiện. Đó là hình ảnh nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường của năm 1973 lúc đang là Giám đốc Sở VHTT Quảng Trị ra Hà Nội: “Sáng sớm anh ra phố chơi, thấy người ta xếp hàng mua bánh mì, anh cũng xếp.

Ky uc dep thoi bao cap

Xếp hơn tiếng đồng hồ, đến phiên mình, anh giơ tờ tiền một đồng ra. Cô bán hàng gắt: “Tem đâu?”. Nhà văn ở miền Nam ra không hiểu tem là gì. Bỗng anh nhớ ra, mở cái ví lấy ra con tem thư đưa cho cô bán bánh mì. Cô mậu dịch viên cười nắc nẻ, nhìn nhà văn đứng nghệch mặt ra như nhìn người từ trên trời rơi xuống, vui vẻ nói: “Đó là tem thư bố ơi, phải là tem lương thực cơ”.

Những câu chuyện khi tếu táo, lúc đùa nghịch có tính “giai thoại” như trên khiến người đọc đôi lúc bật cười. Ngô Minh kể từ chuyện làng ở Quảng Bình đến lúc đi học, thời sinh viên, lúc làm thương nghiệp quốc doanh mà phần nào cũng có nhiều thông tin.

Chẳng hạn tác giả kể thời đó có loại “bia khổ”: “Bia làm bằng cồn pha với nước lên men rượu loãng, không lên men bia như ở nhà máy bia. Người uống bia này thường nhức đầu và không đi tiểu được nên mới gọi là “bia khổ”. Rồi chuyện về nghề bơm mực bút bi, bơm ga bật lửa, nghề may vải vụn thành gối, se vải vụn thành dây, nghề bóc lạc…

Thỉnh thoảng những câu hò, vè, Ngô Minh cũng đưa vào sách như minh chứng cho một thời: “Hôm nay mồng 8 tháng 3/ Chị em phụ nữ đi ra đi vào/ Hai tay hai củ su hào/ Miệng luôn lẩm bẩm: nên xào hay kho?”.

Chuyện xem phim cũng thú vị không kém, Ngô Minh trích lại lời kể của bạn văn: “Rất ít khi được xem phim tâm lý của Đông Đức hay Ba Lan vì các phim này được xem là phim "đồi trụy". Thỉnh thoảng vẫn lọt ra vài phim, hôn nhau chán chê, chàng ấn nàng xuống rồi chuyển sang cảnh “xong rồi”, chỉ thế thôi nhưng dân chúng sướng mê man.

Đôi khi chàng kéo tay nàng hoặc bế xốc nàng chạy vào buồng trong rồi chuyển sang cảnh “xong rồi”. Bất kỳ khi nào đến đoạn chàng kéo nàng vào buồng trong, thể nào cũng có vài chục người cả con nít lẫn thanh niên chạy rật rật ra sau màn chiếu, hy vọng mục sở thị cái buồng trong ấy, hi hi”.

Nhìn lại quá khứ qua lăng kính của tiếng cười tạo cảm giác dễ chịu. Nhưng không chỉ có thế, nhà thơ Ngô Minh nhấn mạnh: “Sống qua thời bao cấp, tôi mong mỏi đất nước tôi không bao giờ trở lại chế độ quan liêu bao cấp tệ hại ấy nữa. Mong mỏi. Mong mỏi. Và mong mỏi”.

Lê Văn Nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI