Ký ức của vị Trung tá tuổi 90

01/02/2020 - 09:30

Trung tá Trần Nhật Minh chia sẻ, việc học tập và làm theo Bác cần xuất phát từ tình cảm, sự tự giác với những việc làm gần gũi hàng ngày…

Sau hơn 60 năm được gặp Bác Hồ, Trung tá Trần Nhật Minh, 90 tuổi, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, ngụ phường Thạnh Lộc, Quận 12 vẫn nhớ từng lời nói, hình ảnh; sự ân cần, gần gũi của vị lãnh tụ kính yêu.

Kỷ niệm về những lần gặp Bác

Đưa chúng tôi thăm 3 cây khế xum xuê, trĩu quả được trồng trước nhà, Trung tá Trần Nhật Minh hồ hởi kể, cách đây vài năm có người bạn đi Thái Lan về tặng ông hai trái khế. Biết đây là những trái khế được lấy từ cây khế do Bác Hồ trồng trong thời gian Người sống tại Thái Lan, Trung tá Trần Nhật Minh đã lấy hạt ươm trồng được 3 cây. Ông coi đây như một tài sản quý của mình bởi ông đã có nhiều kỷ niệm về những lần gặp Bác.

Với sự hiền hậu, chất phác của người Nam bộ, Trung tá Trần Minh Minh xúc động cho biết, lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ là năm 1954. Khi đó, chàng trai Trần Nhật Minh quê ở Cần Thơ được tập kết ra Bắc và công tác tại Sư đoàn 338. Khi đoàn vừa ra tới Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã được Bác Hồ đến thăm. Ông Minh cũng được thấy Bác khi đang tham gia làm công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải và Bác đến thăm, kiểm tra công trường.

Ông Trần Nhật Minh và vợ xem lại những bài báo viết về Bác Hồ được ông bà lưu giữ cẩn thận - Ảnh: SGGP
Ông Trần Nhật Minh và vợ xem lại những bài báo viết về Bác Hồ được ông bà lưu giữ cẩn thận - Ảnh: SGGP

Một trong những kỷ niệm Trung tá Trần Nhật Minh không thể nào quên là năm 1956 (khi đang học bổ túc tại Trường Lục quân), ông đã được nói chuyện trực tiếp với Bác khi Người đến thăm đội tập duyệt binh nhân kỷ niệm 11 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) tập luyện tại sân bay Bạch Mai. 

Trung tá Trần Nhật Minh bồi hồi kể: Khi đang trong ca trực ban đại đội, ông nhìn thấy từ xa, một đoàn người đi vào cổng doanh trại, nhìn kỹ thì thấy Bác Hồ đi đầu. “Khi nói chuyện thấy tôi nói giọng miền Nam, Bác đã hỏi: “Ở trỏng, chú ở tỉnh nào”. Tôi trả lời cháu ở tỉnh Cần Thơ. Bác cười và nói thêm, Cần Thơ - Tây Đô phải không”. Khi nghe Bác dùng từ “trỏng” tôi rất bất ngờ bởi Bác Hồ bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn nhớ, hiểu văn hóa Nam Bộ và dành sự quan tâm cho đồng bào miền Nam như tôi với một tình cảm ân cần”. Trung tá Trần Nhựt Minh vẫn nhớ, trong lúc thăm trường Bác đã dặn dò các đồng chí lãnh đạo đơn vị chăm lo cho các chiến sĩ, lo cho anh em từ những chuyện nhỏ như tìm cách để diệt rệp chỗ ở của các chiến sĩ.  

“Tôi đã từng được nghe anh trai mình kể về Bác Hồ khi anh được gặp Bác trong dịp đi dự cuộc họp Tình báo Trung ương ở Việt Bắc năm 1947. Khi đọc sách báo tôi đã biết đôi chút về Bác. Những điều đó khiến tôi càng có mong muốn được gặp Bác khi tập kết ra Bắc. Gặp Bác rồi tôi càng thấy rõ hơn sự bình dị, gần gũi của Bác và những tình cảm đặc biệt Bác dành cho đồng bào miền Nam”. - Trung tá Trần Nhật Minh bộc bạch.

Học Bác từ những việc gần gũi

Năm 1976, Trung tá Trần Nhật Minh chuyển ngành công tác về làm Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Bưu điện 4. Ông được cử sang học tập tại Liên Xô. Ông nhớ lại, ngày thi tốt nghiệp, trong phần thi vấn đáp ông đã trả lời câu hỏi thế nào là đạo đức Cộng sản. Sau khi hoàn thành phần trả lời, giám khảo đã hỏi thêm “Theo đồng chí, Việt Nam định nghĩa đạo đức cộng sản thế nào? “Lúc này tôi chợt nhớ đến lời của một người quen từng kể Bác Hồ nói đạo đức cộng sản nói gọn lại là tình thương và lẻ phải. Khi nghe tôi trả lời như thế, đồng chí giám khảo đã đứng dậy bắt tay tôi và nói: “Đồng chí rất hạnh phúc vì có một lãnh tụ uyên bác như thế-không có cách định nghĩa nào xúc tích hơn” - ông Minh nhớ lại.

Một trong những điều Trung tá Trần Nhật Minh hay nhắc đến khi nói về Bác là tính nhân văn trong tư tưởng của Người. “Tôi đã đọc nhiều cuốn sách viết về Bác. Có những  cuốn đọc nhiều lần. Càng tìm hiểu mới càng thấm sâu tính nhân văn sâu sắc trong tư tưởng của Bác” - ông Minh chia sẻ.

Khi nói về tính nhân văn trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tá Trần Nhật Minh say sưa kể về cuốn sách “Nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, trong đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết nhiều nội dung về tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Hay trong Bản di chúc, đề cập đến công tác xây dựng Đảng, Bác đã viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Bác bổ sung thêm một đoạn lần cuối cùng trong Di chúc “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.”

Từ những nội dung đó, Trung tá Trần Nhật Minh cho rằng, chủ nghĩa nhân văn Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm lòng thương yêu con người, thương yêu nhân dân hết sức rộng lớn, sâu sắc. Bác có tình cảm rộng lớn bao la thương người, thương giai cấp. Một trong những câu chuyện xúc động là vào dịp Tết, Bác đã chọn người dân nghèo khổ nhất để đến thăm. “Khi học tập Bác chúng ta có thể từ những việc gần gũi để có thể làm được. Học tập Bác phải xuất phát từ tình cảm, bằng tự giác của mình và phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực - Trung tá Trần Nhật Minh chia sẻ.

Theo Nguyễn Nam/HCMCPV

 

 
TIN MỚI