|
Sài Gòn còn có những quán cà phê xanh mát (ảnh Trinh Huỳnh) |
Tôi "bén duyên" với cà phê Sài Gòn từ khi làm cùng công ty với cô bạn đại học. Sinh ra và lớn lên ở thủ phủ cà phê nên bạn khá am hiểu cà phê. Sau những lần nghe bạn say sưa nói về vùng đất vun bồi làm nên những hạt cà phê ngon cùng ly cà phê sóng sánh đậm vị bạn pha, rồi những lần chúng tôi la cà thưởng thức cà phê Sài Gòn, tôi trở thành tín đồ cà phê lúc nào không hay.
Bao nhiêu năm sống giữa Sài Gòn, tôi chợt nhận ra, Sài Gòn và cà phê trở thành đôi bạn tâm giao... Đối với dân văn phòng Sài Gòn, cà phê trở thành một thói quen cho một ngày mới năng động và sáng tạo. Nếu bận rộn, người ta chọn cách gọi ly cà phê mang đi. Nếu dư giả thời gian thì tranh thủ tán gẫu cùng bạn bè nơi quán quen hoặc góc vỉa hè gần chỗ làm:
“Cho tôi một ly cà phê cà phê sữa đá.
Cho tôi ngồi bên hàng cây hàng cây tán lá
Cho tôi được nhìn con đường xa xa
Dòng người dòng đời ngày ngày trôi qua
Cho tôi dừng chân ở nơi, ở nơi quán xá bên đường...”
Lời bài hát của Hà Okio đã gợi nên những hình ảnh quen thuộc, thân thương của một Sài Gòn nhộn nhịp và hối hả, nhưng đâu đó vẫn có một góc quen với những nhịp chậm rãi, tí tách rơi đều như những giọt cà phê. Rồi có những mùa như đại dịch COVID -19, Sài Gòn vắng tanh, thênh thang. Tiếng gọi nhau í ới “Cà phê nghen!”, “Quán cũ nha!” không còn, làm cho Sài Gòn thiếu một phần sức sống.
Tôi nhớ khi ấy, bạn bè nhắn nhau thổn thức: “Bao giờ mới được ngồi cùng nhau bên ly cà phê buổi sớm? Thèm được nhìn cái vẻ nhộn nhịp của Sài Gòn quá đỗi, dù trước giờ “đặc sản” kẹt xe khiến ai cũng bực mình..”.
Riêng tôi, Sài Gòn và cà phê bệt là một khung trời tươi đẹp của tôi và các cô bạn thân. Chúng tôi thường tranh thủ đầu ngày, có khi chẳng cần nói gì với nhau điều gì. Ngồi cạnh nhau, mỗi đứa gọi một ly cà phê sữa và ngắm đường phố vào sớm tinh mơ, cảm nhận mùi đất, mùi cỏ như hãy còn ngái ngủ. Những thanh âm tăng dần và tiếng xe cộ mỗi lúc một ồn ào, náo nhiệt, đấy cũng là lúc chúng tôi vào sở làm.
|
Bạn của tôi thích uống vào buổi sáng trong trẻo, mát lành (ảnh nhân vật cung cấp) |
Hễ có bạn bè từ Hà Nội hay nơi khác vào, tôi đều hẹn đi các điểm cà phê bệt (Q.1, TPHCM) để nhìn ngắm nhịp sống của Sài Gòn nơi trung tâm thành phố. Không chỉ nơi đây chúng ta mới có thể nhìn mọi thứ chuyển động như mắc cửi, mà còn lắng nhìn Sài Gòn ở một góc khác, đúng chất Nam bộ năng động. Cho dù mưa hay nắng, cà phê Sài Gòn vẫn đông đúc người lui tới:
“Sài Gòn hàng cây ghế đá
Vẫn cứ như thế khi nắng khi mưa”
Sài Gòn vào buổi tối, cà phê cũng được bày bán khắp nơi, từ quán cóc vỉa hè đến những hàng quán của nhiều thương hiệu nổi tiếng. Có một Sài Gòn rất trữ tình, lãng mạn thậm chí rất "chill" theo từng sở thích. Có quán cà phê nhạc Trịnh, nhạc trẻ, nhạc không lời, hay những quán sân vườn đậm chất vùng miền... Sài Gòn cà phê về đêm cũng là chỗ trú chân cho những tâm hồn lạc lõng, cho người xa quê đỡ nhớ quê. Một góc quán giúp họ xua đi những mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực, tìm thấy những điều tốt đẹp hơn từ cách người Sài Gòn tử tế, giúp đỡ nhau.
Anh bạn tôi nói: “Khi đầu óc căng thẳng, tôi hay chọn một góc khuất của quán quen để nhìn mọi người đến rồi đi, nhìn mọi người trao đổi, không cần ai an ủi, sẻ chia, cũng thấy lòng mình nhẹ nhõm. Nhìn cách mọi người vui vẻ bên bạn bè, gia đình, đôi khi có những giọt nước mắt rơi; kể cả nhìn cách những người bán vé số, những mảnh đời cơ cực mưu sinh... cũng giúp tôi cảm nhận mình còn may mắn".
Một người bạn của tôi rất thích chụp ảnh. Cô cho biết: “Mình không thích cà phê. Vào quán, mình luôn gọi món nước khác, nhưng thích đi cà phê, chủ yếu để thư giãn chụp hình. Cũng có lúc buồn phiền, mình cũng tìm một quán thật yên tĩnh để ngồi một mình…”
Cà phê Sài Gòn còn là nơi học sinh - sinh viên học và làm bài online. Điều này không còn lạ khi bạn đặt chân vào các quán cà phê như Cheese, Highland hay 24 O'clock... khắp các phố phường Sài Gòn. Một ly nước với wifi, khách có thể say sưa trao đổi bài tập, làm việc nhóm.
“Chúng em mượn sách ra đây ngồi đọc hoặc làm bài. Vừa nghe nhạc, thưởng thức món nước yêu thích, wifi miễn phí và không giới hạn thời gian, thậm chí có thể ngồi cả ngày. Đặc biệt, đây còn là cơ hội để em kết nối giao lưu được nhiều bạn ở trường khác, học hỏi thêm nhiều điều thú vị”.
Trong ngóc ngách sâu hút hay trên những tầng nhà chọc trời; bàn ghế sang trọng hay ghế nhựa vỉa hè; hệ thống rang xay cầu kỳ hay chỉ cần một cái xe đẩy nhỏ... cà phê Sài Gòn có mặt theo nhiều phong cách khác nhau. Cà phê phin, vợt, mang đi hay uống tại chỗ để trò chuyện, tán gẫu.. ở Sài Gòn đều có.
Qua bao thăng trầm của thời cuộc, các quán cà phê vẫn còn ở các góc phố, ngã tư đường... tạo nên diện mạo rất riêng cho Sài Gòn.
“Sài Gòn cà phê sữa đá
Vẫn mãi như thế ai uống hay chưa?”
Lời bài hát vừa như một lời hỏi thăm, vừa thúc giục mời gọi hãy thử uống cà phê theo phong cách Sài Gòn, chỉ có Sài Gòn mới có!
Trinh Huỳnh (TP Thủ Đức, TPHCM)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây |