Tàn cây xanh, mái ngói đỏ miền quê bạc trắng màu tan tác, còn những trang vở trắng thì nhuộm thẫm màu bùn, màu nước mắt. Hậu bão, trên khắp các đường quê, sân nhà, những tập vở trải ra, cùng những đứa trẻ khóc mếu trước mất mát đầu đời…
|
Mùa bão lũ, những con chữ được phơi khắp miền quê - Ảnh: Dũ Tuấn |
“Nước xối từ trên mái xuống thẳng bàn học, ầm ầm, rồi đống sách vở trôi ra sân, ra tuốt ngoài đường, gió xé nó ra mất rồi”, đứa cháu tôi vừa kể vừa khóc nức nở trong điện thoại. Bão tan, những đứa trẻ quay về nhà từ nơi trú bão, ngơ ngác nhìn đống sách vở ướt sũng, rách nát hoặc đang trôi theo dòng nước. Bão vào không lâu thì tan, gió ngừng nhưng mưa vẫn trút. Trong khi người lớn bất lực đứng nhìn mái nhà trống hoác chịu đựng từng đợt mưa dội xuống thì bọn trẻ mếu máo chạy theo dòng nước, vớt từng cuốn sách đang trôi.
Những đứa trẻ đó, ngày hôm trước vừa được trường phát động cuộc góp sách vở cho các tỉnh bị lũ phía bắc miền Trung, vừa bảo mẹ rằng con sẽ ăn sáng ít lại, để tiền cùng các bạn mua vở gửi ra ngoài ấy, giờ vẩy từng cuốn sách cho ráo nước, gác lên bờ rào. Giờ thì, như những đứa trẻ mấy ngày trước chạy lũ, chúng không còn tập vở nào để ghi vào đó những con chữ mới, dù trước khi bão số 9 đổ bộ trực diện, chúng đã cột từng đống sách, vở lại thành chồng cẩn thận. Nhưng, không chỉ còn trên ti vi nữa, từng mái tôn bị bốc lên cao, gió bẻ cong vẹo rồi quăng ra xa chục thước trước những ánh mắt ngơ ngác. Sách vở làm gì còn.
|
Năm nào ở miền Trung cũng có những đứa trẻ đứng trước sân nhà giũ sách, hong khô - Ảnh: Sỹ Hòa |
Những đứa trẻ ở tâm bão số 9, cũng như những tấm áo trắng nhỏ xíu ở Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh… những ngày trước, chỉ vừa quay lại trường chưa được bao lâu vì COVID-19, chưa kịp quen với nhịp học “bình thường mới”, lại phải cuống cuồng tránh trú trước màn nước và gió quật. Lũ, khi con nước đi cũng là lúc những chiếc cặp vùi trong đống bùn đỏ quạch. Những con chữ đã biến dạng, lộn nhào dưới lớp đất nhão nhoẹt dày nửa thước. Bão, những con chữ cũng cong queo vì gió, tan tác.
Miền Trung những ngày không còn nước, các nẻo đường giờ không phải phơi lúa phơi ngô, mà phơi chữ. Những cuốn sách rơi bìa, ướt sũng và quện bùn, được trải ra trên đường, trên chiếc bàn kê trước sân, máng trên thanh ghế, hàng rào, gờ tường, cổng nhà, trên chiếc dây vừa căng ngang vội vàng… Ở đâu hứng được chút nắng ửng hay chút gió hanh, chữ được trải ra ở đó.
Miền Trung năm nào cũng bão và lũ, năm nào cũng có những đứa trẻ đứng trước sân nhà giũ sách cho nước rơi ra, hong khô. Nhưng cạo từng vệt bùn, lau từng trang sách để cứu những con chữ còn sót lại sau bão lũ như hiện tại, thì chưa từng. Chữ ở nhà bị lấp, chữ ở trường cũng không còn. Từng khối bùn đỏ án ngữ mọi lối vào trường học, bàn ghế và khu nhà bán trú tan hoang; những mái trường bị gió tốc tàn khốc, trống huơ trống hoác. Sách vở ở khu nhà bán trú không còn dấu tích. Hàng trăm ngôi trường trên dải đất miền Trung đều như thế.
Những cô giáo hôm qua mặc áo dài thướt tha trên bục giảng, nay đưa tay bới từng lớp bùn để tìm sách vở, xối nước, nhặt khăn lau từng trang, từng trang… Những con chữ được phơi khắp miền quê.
|
Ảnh: Thiện Lương |
Vậy mà cũng không dễ. Bùn dính có thể gột được; sách còn ẩm, bết dính vẫn có thể nâng niu dùng được; thiếu sách, vẫn có thể ba mái đầu chụm vào một cuốn cùng học được… nhưng thiếu vở thì không thể. Không bút, không trang vở trắng nào còn lại sau những ngày bão, lũ. Những bài học mới không biết ghi vào đâu.
“Các chú có vở thì cho nó với. Nhà chẳng còn đồng nào để mua vở mới, mà giờ cũng chẳng ai còn bán để mua”, người phụ nữ đứng trong sân nhà, chỉ tay vào đứa trẻ đang phơi sách, nói với đoàn từ thiện ngang qua. Thùng mì tôm chị vừa nhận đủ để mẹ con chị không còn đói như những ngày chạy lũ nhưng khoảng trống chữ của hai đứa trẻ nhà chị thì chưa lấp được. Khắp dải đường quê miền Trung, những đứa trẻ vốc tay vào nước, vào bùn tìm sách rồi phơi sách, nhiều như lượng nước mẹ thiên nhiên vừa trút xuống.
Ngày mai, miền Trung lại đứng dậy, tái thiết. Ngày mai, có thể, trên con đường quê là những đứa trẻ đến dép cũng “chiếc nọ chiếc kia” vì bão đã lấy đi “chiếc kia chiếc nọ”. Có thể, trên vai những đứa trẻ ấy không còn là chiếc cặp thơm mùi mới, mà là túi ni-lông tạm bợ chứa những trang sách còn sót lại, nồng mùi ẩm. Ngày mai, chúng sẽ đến trường dù sách có được hong khô hay chưa. Vì, không sao cả, như điều người thầy ở Quảng Ninh nhắn nhủ đến học trò của mình: “Còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một…”.
Và vì, như người thầy ấy nói: trên hành trang tìm tri thức, vẫn còn đó nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái… “mà đôi khi chỉ cần dùng trái tim để học mà không phải ghi chép gì nhiều”. Biết bao thế hệ người miền Trung, biết bao đứa trẻ đã từng đứng lên, đến trường với điều đó: thua keo này ta bày keo khác. Không có hành trang tri thức nào đơn độc, miền Trung luôn oằn mình như gánh cả gian khó thay cả nước nhưng cũng chưa từng đơn độc. Cả nước đang hướng về một nơi, mọi cánh tay đang đưa về một nơi.
Vì tất cả điều đó, những đứa trẻ miền nghèo, mai này lớn lên và đi muôn phương sẽ nhớ về ngày gió quật như một ký ức để thương hơn quê mình, ngôi trường mình, con chữ của mình và trưởng thành từ đó.
Sau bão, lúc nào cũng là ngày nắng.
Phương Hậu