Kỳ tích ở TPHCM

11/01/2021 - 07:26

PNO - Khi nhiều quốc gia, nhiều tỉnh thành điêu đứng vì COVID-19 thì con số tăng trưởng dương 1,39% so với cùng kỳ của TPHCM quả là một kỳ tích.

Năm 2020, mức tăng trưởng của TPHCM lần đầu đạt thấp hơn mức bình quân cả nước. Thoạt nghe, đó là thông tin hết sức đáng buồn, bởi với tư cách là một trung tâm kinh tế lớn, TPHCM luôn duy trì mức tăng trưởng cao trong nhiều năm, đóng góp cực nhiều cho nền kinh tế cũng như ngân sách quốc gia; song nếu bình tĩnh suy xét, ta sẽ thấy đó là chuyện đương nhiên.

Giữa cảnh khó khăn, nút giao thông An Sương vẫn hoàn thành, xóa điểm đen ùn tắc ở cửa ngõ tây bắc thành phố - Ảnh Baodautu
Giữa cảnh khó khăn, nút giao thông An Sương vẫn hoàn thành, xóa điểm đen ùn tắc ở cửa ngõ tây bắc thành phố - Ảnh: Baodautu

Trước thiên tai, dịch bệnh, những doanh nghiệp lớn nhất sẽ chịu tác động nặng nề nhất (trừ một vài trường hợp đặc biệt của các doanh nghiệp thực phẩm thiết yếu, thuốc men, vật tư y tế... phục vụ phòng chống dịch). Ngay cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng có một năm điêu đứng trước thảm họa COVID-19. Những thiệt hại về người và của nhiều đến mức tạp chí TIME đã quyết định “xóa sổ” năm 2020 trên bìa số báo cuối năm.

Thế nhưng TPHCM đã làm được điều kỳ diệu: khống chế kịp thời các ca bệnh chỉ trong thời gian từ 3 - 15 ngày, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Giữa lúc dịch bệnh bùng phát, TPHCM vẫn tiếp nhận người Việt từ các nước trở về qua những chuyến bay “giải cứu”, hỗ trợ người dân các địa phương trở về quê nhà. Cách ly bác sĩ từ TPHCM đã xuất phát đến các tỉnh thành bạn tham gia chữa trị cho bệnh nhân trong tinh thần sẵn sàng chia sẻ.

Những ngày tháng kiên cường chống dịch, chấp nhận phong tỏa, hạn chế hàng loạt hoạt động du lịch, giải trí, giao thương, thậm chí đóng cửa trường học... nền kinh tế TPHCM rơi vào trì trệ, nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí hàng quán, người lao động cũng rơi vào cảnh trăm bề khó.

Người dân TPHCM góp gạo nuôi mô hình ATM gạo, chia sẻ khó khăn với đồng bào - Ảnh LĐO
Người dân TPHCM góp gạo nuôi mô hình ATM gạo, chia sẻ khó khăn với đồng bào - Ảnh: LĐO

Ấy thế mà thành phố vẫn đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, vẫn dành sự quan tâm cho các đối tượng yếu thế. Người dân và doanh nghiệp TPHCM vẫn mở hầu bao để hỗ trợ đồng bào cả nước. Nếu không phải là TPHCM, nếu không phải là chính quyền và người dân ở đô thị này, liệu có nơi nào có thể làm được thế?

Xác định ưu tiên chống dịch, tuyến metro vẫn dần thành hình và đoàn tàu từ Nhật Bản vẫn về đến TPHCM, nút giao thông An Sương khánh thành vào tháng 9 đã góp phần giải tỏa điểm đen ùn tắc ở cửa ngõ Tây bắc thành phố và trên hết, thành phố Thủ Đức đã chính thức xuất hiện trong lòng TPHCM.

Khi nhiều quốc gia, nhiều tỉnh thành rơi vào cảnh suy yếu, đối mặt với mức tăng trưởng âm thì con số tăng trưởng dương 1,39% so với cùng kỳ của TPHCM là cái cần được ghi nhận.

Nói như Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - “trong bối cảnh khó khăn và thách thức vừa qua, sức chống chọi của kinh tế thành phố đã được khẳng định với nhiều điểm sáng”. 371.000 tỷ đồng thu ngân sách của TPHCM trong năm 2020 (tính đến 17g ngày 31/12/2020) chỉ đạt 91,51% dự toán, nhưng đó là nỗ lực cực lớn của thành phố trong mục tiêu kép - vừa phải chống dịch, vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế.

Đến lúc này, có thể khẳng định, TPHCM đã kháng cự thành công những đợt tấn công của dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân, chăm lo tốt cho dân nghèo, hỗ trợ doanh nghiệp khó và đương nhiên sẽ tiếp tục sứ mệnh của một đầu tàu trên hành trình phát triển.

Phạm Thành Nhân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI