“Kỳ tích chỉ đến với những ai không bao giờ bỏ cuộc”

12/08/2014 - 07:25

PNO - PN - Đó là lời nói trong cuốn truyện tranh mang tên One Piece mà cậu thủ khoa Lê Hữu Quang Vinh rất thích đọc và “nhặt” ra làm phương châm sống của mình. Vinh cho biết, với 28 điểm đạt được, trở thành thủ khoa Trường Đại học...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngăn chặn hiệu ứng domino

Vinh chia sẻ, danh hiệu thủ khoa có lẽ sẽ không thuộc về mình nếu hôm ấy em không nỗ lực giải thêm một câu toán. “Làm được tám câu, còn hai câu rất khó. Không tìm ra cách giải, em thấy chán và tính bỏ giữa chừng, nhưng nghĩ đến lời nói trong One Piece, em… động não thêm chút nữa. Với lại, toán là môn đầu, em sợ nếu không cố gắng, sự chán nản trở thành hiệu ứng domino cho những môn tiếp theo” - Vinh khẳng định. Không bỏ cuộc, không để mình rơi vào trạng thái chán nản là “bí quyết” Vinh vượt qua nhiều khó khăn. Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, từ Long An, Vinh cùng hai người bạn rủ nhau thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở TP.HCM. Do mải chơi, em bị trượt trong khi hai người bạn đậu với điểm số cao. Sự chán nản “đè bẹp” em những ngày sau đó. Sợ lây truyền các cảm xúc tiêu cực sang người thân, Vinh tự nhủ ráng học giỏi và bằng mọi giá phải đặt chân vào giảng đường ĐH. Kết quả, ba năm phổ thông ở Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến, em luôn là người dẫn đầu lớp. Thầy Nguyễn Ngọc Minh - giáo viên quản nhiệm của Vinh khẳng định: “Vinh rất chịu khó đọc và học giỏi đều ở tất cả các môn. Kết quả thủ khoa của em không khiến tôi bất ngờ vì trong năm, em giải rất tốt các đề do tôi tổng hợp”.

Bản thân Vinh luôn đặt ra những cái đích phải đạt được và nỗ lực không ngừng để chạm đến thành công; trong khi đó, cha mẹ em lại không quá đặt nặng chuyện thành bại. Hôm con trai đi thi, ông Lê Hồng Phương nhắn nhủ: “Coi thi cử là cuộc chơi. Nếu rớt thì năm sau thi tiếp. Rớt nữa thi nữa. Đường còn dài và có rất nhiều cánh cửa để bước vào tương lai”. Nghe lời cha, nhưng Vinh lại có quyết tâm và hoạch định của riêng mình. Thích kinh doanh từ nhỏ và rất hay theo dõi tình hình kinh tế, những biến động cung cầu… thôi thúc Vinh phải đặt chân vào giảng đường, để sớm có điều kiện học hỏi, tìm hiểu kỹ hơn và có dịp “vận hành” những ý tưởng kinh doanh. Cha là nhà báo, mẹ là bác sĩ, anh trai nối gót mẹ theo học ngành y, hỏi ai là người định hướng nghề, Vinh cười toe: “Em tự chọn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trong nhà, chỉ em là có tính cách thích… cạnh tranh nên học về kinh doanh là phù hợp nhất”.

Chia sẻ phương pháp học, Vinh cho hay, trước tiên phải nắm vững kiến thức, sau đó giải bài tập từ dễ đến khó, tham khảo thêm nhiều loại sách nâng cao. Ít ai biết, từ nhỏ, cậu thủ khoa đi đâu cũng mang theo bên mình một cuốn sổ tay. Bắt gặp điều gì hay, lạ hoặc nghĩ ra ý tưởng nào đó em đều ghi lại. Những công thức toán “khó nhằn” cũng được Vinh ghi vào “bửu bối” rồi tranh thủ lúc rảnh giở ra xem.

 “Ky tich chi den voi nhung ai khong bao gio bo cuoc”

Gia đình thủ khoa Lê Hữu Quang Vinh (Vinh đứng cạnh mẹ)

Trưởng thành hơn nhờ… truyện tranh

Trong ngôi nhà ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Vinh được cha mẹ dành nguyên hai… cái tủ lớn chỉ để đựng truyện tranh - tài sản được hình thành từ thuở em mới biết mặt chữ. Vinh rất thích đọc truyện tranh mỗi khi rảnh rỗi và say mê đến mức “chui tọt” vào phòng vệ sinh nghiền ngẫm vì sợ bị làm phiền. Thậm chí, ai đó muốn nhờ Vinh việc gì, chỉ cần treo “giải thưởng” là một cuốn truyện tranh. Ông Phương kể, ngày nhỏ, Vinh mê đến nỗi hễ đi nhà sách là nhào ngay đến khu vực bày bán truyện tranh. Sinh trưởng trong một gia đình có điều kiện kinh tế tương đối khá song chuyện chi tiêu của Vinh luôn phải nằm trong định mức. Để có tiền mua truyện, năm lớp 6 Vinh đã nảy ra ý tưởng kinh doanh: đọc truyện xong sẽ đem cho các bạn thuê lại. Sở thích đọc truyện tranh ấy theo chân cậu thủ khoa cho đến tận bây giờ và theo Vinh, nó đã trở thành một thói quen khó bỏ.

Vinh chia sẻ: “Trước tiên, cha mẹ hãy là “bộ lọc” cho con cái, song quan trọng là mình tiếp thu truyện dưới góc độ nào: trau dồi ngôn ngữ hay đơn thuần giải trí. Riêng em, đọc truyện tranh để nắm bắt tinh thần, ý nghĩa nhân văn cũng như có thêm kiến thức mà tác phẩm mang lại. Đọc Thần đồng Đất Việt em hiểu hơn về các nhân vật lịch sử; One Piece để trân trọng thức ăn, không từ bỏ ước mơ hay Naruto là sống phải nỗ lực cống hiến hết mình, trân trọng tình bạn, tình người; còn bài học từ Conan là giúp tăng cường tính tư duy, quan sát…”.

Tự nhận mình là người cầu toàn, mọi thứ đã làm thì phải chỉn chu; suy nghĩ phải thật kỹ trước khi nói hoặc “ra” một quyết định, lựa chọn… Vinh cho biết, việc này hình thành từ thói quen đọc sách và nắm bắt tinh thần sách gửi gắm đến người đọc. Trong kế hoạch của mình, Vinh cho biết, tủ sách gần 1.000 đầu truyện ấy sắp tới em sẽ mở một điểm đọc - trao đổi sách miễn phí cho các em nhỏ ở quê ngoại huyện Tân Thạnh. “Ở quê ngoại, em thấy rất nhiều bạn ham đọc truyện nhưng không có điều kiện. Những quyển sách chỉ “sống” và có giá trị khi nó được mở ra. Em không thể để gia tài của mình “chết” đi trong khi nhiều bạn trẻ cần đọc” - Vinh… “triết lý”.

 TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI