Kỹ thuật mới xung điện lên não giúp bệnh nhân chấn thương cột sống có thể đi lại

04/12/2024 - 13:26

PNO - Kỹ thuật mới này giúp những bệnh nhân tổn thương tủy sống đi lại dễ dàng hơn.

Các nhà khoa học tại Ecole Polytechnique Federale de Lausanne (Thụy Sĩ) đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về việc sử dụng xung kích điện vào một vùng não và tủy sống giúp một số bệnh nhân bị liệt có thể đi lại được.

Họ sử sụng kỹ thuật ảnh 3D để thiết lập bản đồ não toàn diện từ những con chuột bị thương, họ phát hiện ra rằng vùng não mà họ tìm kiếm chính là vùng dưới đồi của não, đây chính là vùng kiểm soát mọi quá trình sống của con người, nó liên kết hệ thống thần kinh với hệ thống nội tiết thông qua tuyến yên.

Kỹ thuật xung điện vào vùng dưới đồi của não giúp bệnh nhân cải thiện được việc đi lại
Kỹ thuật xung điện vào vùng dưới đồi của não giúp bệnh nhân cải thiện được việc đi lại

Giáo sư khoa thần kinh Gregoire Courtine cho biết: “Một nhóm tế bào thần kinh cụ thể trong vùng này có vẻ như tham gia vào quá trình phục hồi khả năng đi bộ sau chấn thương tủy sống".

Kỹ thuật mới này dành cho những người bị tổn thương tủy sống, nơi kết nối giữa não và tủy sống chưa bị cắt đứt hoàn toàn và vẫn có thể cử động ở chân. Quy trình này bao gồm việc bác sĩ phẫu thuật cấy ghép các điện cực vào vùng não, được kết nối với một thiết bị được cấy ghép ở ngực của bệnh nhân. Khi bật, thiết bị sẽ gửi các xung điện lên não. Các bệnh nhân có thể bật thiết bị của họ bất cứ khi nào họ cần và phải trải qua nhiều tháng phục hồi chức năng và rèn luyện.

Vùng dưới đồi là nơi kiểm soát quá trình sống của con người
Vùng dưới đồi là nơi kiểm soát quá trình sống của con người

Wolfgang Jaeger, 54 tuổi, sinh sống tại Kappel (Thụy Sĩ), một trong hai bệnh nhân tham gia thử nghiệm ban đầu, cho biết kỹ thuật này ngay lập tức tạo ra "sự khác biệt lớn" đối với khả năng vận động của ông. Việc chấn thương cột sống đã khiến ông không thể bước lên xuống bậc thang.

"Bây giờ khi tôi nhìn thấy một cầu thang chỉ có vài bậc, tôi biết mình có thể tự mình xử lý được", ông Jaeger chia sẻ với tạp chí Nature Medicine.

Theo thời gian, ông "trở nên nhanh hơn và có thể đi bộ lâu hơn" ngay cả khi thiết bị đã tắt.

Tuy được ghép thiết bị nhưng bệnh nhân cũng phải trải qua quá trình rèn luyện và phục hồi chức năng.
Tuy được ghép thiết bị nhưng bệnh nhân cũng phải trải qua quá trình rèn luyện và phục hồi chức năng.

Tuy nhiên các nhà khoa học thông báo họ cần nhiều nghiên cứu hơn trên nhiều bệnh nhân vì với một số bệnh nhân kỹ thuật này không có hiệu quả, chưa kể rằng việc phẫu thuật não là một kỹ thuật chuyên sâu đòi hỏi chuyên môn khá cao.

Hà Di (Theo CGTN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI