Phát hiện nhiều trường hợp ung thư, lao phổi
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Thượng Vũ - Phó trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, bệnh viện đang triển khai một kỹ thuật mới: nội soi phế quản siêu âm sinh thiết. Nhờ kỹ thuật này, không ít trường hợp sau khi đi khám nhiều nơi không đạt kết quả, nay đã được “bắt trúng” bệnh. Nhờ vậy, các bệnh nhân nói trên đã được chỉ định phác đồ phù hợp, nâng cao hiệu quả điều trị.
Điển hình như trường hợp nữ bệnh nhân P.T.M.H. (24 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM) là điều dưỡng tại một bệnh viện ở TPHCM. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, bệnh nhân rất tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Tuy vậy, từ đó, chị H. luôn cảm thấy sức khỏe suy giảm, hay bị ho, sốt không rõ nguyên nhân.
|
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thượng Vũ (bìa trái) đang tiến hành nội soi phế quản siêu âm sinh thiết cho một trường hợp nghi ngờ có khối u ở vị trí khó tiếp cận - Ảnh: T.A. |
Bệnh nhân chủ quan nghĩ mình mệt do sức khỏe bị suy kiệt giai đoạn hậu COVID-19. Bình thường chị cũng hay bệnh nên quá trình hồi phục có thể sẽ chậm hơn người khác. 2 tháng nay, tình trạng của chị H. trở nên trầm trọng. Chị sụt cân, ho nhiều và hay sốt về chiều, người lúc nào cũng ớn lạnh. Chị H. từng tới vài cơ sở y tế khám, kết quả chụp phim X-quang thấy đám mờ ở phổi. Các bác sĩ lo ngại bệnh nhân có thể bị tổn thương ác tính. Thế nhưng, vị trí tổn thương lại nằm ở trung thất, không thể tiếp cận để lấy mẫu sinh thiết bằng cách nội soi thông thường.
Cuối cùng, chị H. tới Bệnh viện Đại học y dược TPHCM kiểm tra. Bệnh nhân được chỉ định chụp CT thì thấy có hạch ở trung thất. Chị được tiến hành lấy mẫu mô bệnh bằng kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết. Nếu không áp dụng kỹ thuật này thì chỉ còn cách mổ nội soi trung thất. Nhờ kỹ thuật nội soi siêu âm sinh thiết, bác sĩ đã lấy ra được mẫu mô bị hoại tử, giải phẫu bệnh được đọc ngay trong quá trình nội soi và xác định được chị bị nhiễm bệnh lao.
Ngoài chị H., bác sĩ Lê Thượng Vũ cũng vừa tiếp nhận bệnh nhân P.V.K. (40 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM). Anh K. đi khám sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư thì phát hiện chỉ số ung thư trong máu cao hơn bình thường. Anh đã tới rất nhiều bệnh viện nhưng vẫn chưa tìm được vị trí khối u. Anh lo lắng đến mất ăn mất ngủ, thấp thỏm vì kết quả chẩn đoán chưa rõ ràng để có hướng điều trị cụ thể, trúng đích.
Tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, bác sĩ Vũ phát hiện kết quả chụp phim phổi của bệnh nhân có tổn thương dạng thâm nhiễm. Bằng kinh nghiệm, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có khả năng bị lao hoặc ung thư phổi. Anh K. được chỉ định nội soi siêu âm sinh thiết, tiếp cận tổn thương ngoại vi phổi. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư phổi. “Việc bệnh nhân cho rằng mình bị viêm phổi đã khiến việc điều trị ung thư bị trì hoãn. Tới lúc anh K. được chẩn đoán bị ung thư thì tế bào ác tính đã lan hết thùy dưới của phổi, tiên lượng bệnh khá nặng nề” - bác sĩ Vũ chia sẻ.
Theo bác sĩ Lê Thượng Vũ, kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết được Bệnh viện Đại học y dược TPHCM triển khai từ tháng 2/2023. Tới nay, bệnh viện đã thực hiện trên 26 bệnh nhân, phát hiện 13 trường hợp bị ung thư. Để chuẩn bị cho việc triển khai kỹ thuật nói trên, bệnh viện đã cử người đi học trong 4 năm, đấu thầu mua máy mất 2 năm…
Ưu điểm và chống chỉ định
Hiện nay, trên cả nước, những bệnh viện đi đầu trong kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết ở phía bắc phải kể đến là: Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; còn tại phía nam có Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM.
Khi người bệnh có những biểu hiện bất thường (khó thở, ho dai dẳng, ho ra máu…) sẽ được chỉ định nội soi phế quản. Đó là quá trình đặt ống nội soi mềm có gắn camera qua miệng hoặc mũi của bệnh nhân, từ từ đưa xuống phổi để kiểm tra, quan sát đường hô hấp. Trong quá trình thực hiện, nếu nghi ngờ có những tổn thương và cần kiểm tra chính xác hơn, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu mô bất thường để làm sinh thiết. Nhờ vậy, bác sĩ sẽ xác định được các bệnh lý đường hô hấp của bệnh nhân.
Kỹ thuật nội soi phế quản còn dùng để lấy mẫu mô của người bệnh, hỗ trợ việc xét nghiệm, kiểm tra tình trạng của khối u để đánh giá diễn tiến bệnh, độ lan rộng của khối u ung thư, khối u trong đường thở và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, khi nội soi cũng có thể phát hiện các dị vật tại đường hô hấp hoặc các bất thường ở phổi, phế quản; đồng thời loại bỏ các dị vật trong đường thở của bệnh nhân (nếu có).
Nội soi phế quản siêu âm sinh thiết cũng là một kỹ thuật nội soi phế quản nhưng có những điểm ưu việt hơn hẳn. Nội soi phế quản siêu âm (Endobroncho Ultrasound - EBUS) là kỹ thuật nội soi phế quản được kết hợp thêm phương tiện siêu âm để quan sát, đánh giá các tổn thương cạnh phế quản; chẳng hạn như khối u cạnh phế quản, hạch rốn phổi, trung thất hoặc các tổn thương phổi ngoại vi (nơi nội soi thông thường khó có thể tiếp cận). Kỹ thuật nội soi truyền thống chỉ thấy được trong lòng của đường thở nên gặp nhiều hạn chế với các tổn thương ở vị trí khó.
Nội soi phế quản siêu âm sinh thiết có 2 dạng đầu dò: đầu dò xuyên dành cho các tổn thương phổi ở ngoại vi và đầu dò lồi dành cho hạch rốn phổi, trung thất hoặc khối u cạnh phế quản. Điểm nổi trội của kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết so với kỹ thuật nội soi truyền thống là thấy được hạch ở phía ngoài lòng khí quản và khối u tại vị trí xa trung tâm. Cũng như các kỹ thuật y khoa khác, kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết có một số hạn chế, chống chỉ định với vài đối tượng: không áp dụng cho bệnh nhân bị suy hô hấp và nhiễm trùng nặng.
Tại các bệnh viện, đa số bệnh nhân được gây tê khi tiến hành nội soi phế quản siêu âm sinh thiết. Có thể làm như vậy nhanh hơn, rút ngắn được quy trình, không phải theo dõi lâu trong thời gian chờ bệnh nhân tỉnh lại. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết diễn ra khi bệnh nhân đã được gây mê. “Đây là điểm khác biệt của bệnh viện chúng tôi. Gây mê giúp kiểm soát đường thở của bệnh nhân tốt hơn” - bác sĩ Vũ nói. Bên cạnh đó, một điểm khác biệt nữa là đa số cơ sở y tế sẽ đọc giải phẫu bệnh sau khi quá trình nội soi kết thúc.
Còn tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, các liên chuyên khoa được lên kế hoạch phối hợp từ trước. Bệnh nhân sẽ được đọc kết quả giải phẫu bệnh trong lúc tiến hành nội soi. Nhờ vậy, ngay tại thời điểm nội soi, bác sĩ đã biết mình lấy mẫu mô đúng chỗ hay chưa, từ đó chẩn đoán bệnh sẽ cho độ chính xác cao nhất.
Tác dụng phụ của nội soi phế quản nói chung là chảy máu, tràn khí nhưng nhờ kỹ thuật tốt của phẫu thuật viên dưới sự chỉ dẫn của siêu âm, tỉ lệ chảy máu của nội soi phế quản siêu âm sinh thiết đã giảm xuống còn 1% thay vì 10% như thông thường. Giá thành của kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết dao động từ 8 triệu đồng - 16 triệu đồng tùy cơ sở y tế (cao gấp 3 - 4 lần kỹ thuật nội soi thông thường).
Hiện nay, ung thư phổi là 1 trong 3 loại ung thư thường gặp nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh ung thư phổi chỉ đứng sau ung thư gan. Điều đáng tiếc là 70% bệnh nhân khi phát hiện ung thư phổi đều đã ở giai đoạn nặng. Ung thư phổi được chia làm 4 giai đoạn. Nếu được tầm soát và phát hiện khi bệnh mới ở giai đoạn đầu, tế bào ung thư chưa lan ra, hiệu quả điều trị sẽ cao. Có rất nhiều phương pháp để tầm soát ung thư phổi như: chẩn đoán hình ảnh, nội soi phế quản, nội soi trung thất, xét nghiệm đàm, nội soi phế quản siêu âm sinh thiết… Tuy nhiên, quan trọng nhất, bệnh nhân cần đi khám sớm khi thấy các triệu chứng bất thường ở đường hô hấp, duy trì thói quen khám sức khỏe tổng quát định kỳ nhằm phát hiện bệnh kịp thời. |
Thanh Huyền