Kỹ thuật mới đem lại niềm vui sống cho bệnh nhân đau mạn tính

09/10/2024 - 07:00

PNO - Đau mạn tính là gánh nặng không chỉ về thể chất mà còn cả tinh thần, trở thành vấn đề nan giải của nhiều người. Khi thuốc giảm đau truyền thống tỏ ra bất lực, các kỹ thuật kiểm soát đau không xâm lấn và ít xâm lấn đã trở thành tia hy vọng mới. Những phương pháp này không chỉ giúp giảm đau hiệu quả mà còn cải thiện đáng kể chất lượng sống cho người bệnh, mang đến cho họ cơ hội tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.

Cải thiện chất lượng sống cho người bệnh

Mẹ anh P.V.S. (ngụ quận 10, TPHCM) bị ung thư tụy giai đoạn di căn các tạng và đám rối thần kinh trong ổ bụng. Nếu thang điểm đau là 10 thì mẹ anh được đánh giá bị đau ở mức 8-9. Bà phải sử dụng tới 4 viên morphin/ngày nhưng vẫn không đáp ứng, không thể ăn uống dẫn đến tổng trạng suy kiệt. Bà được các bác sĩ ngoại gan - mật - tụy giới thiệu về phương pháp phong bế thần kinh. Sau khi được phong bế thần kinh đám rối tạng ở vùng bụng dưới hướng dẫn của màn huỳnh quang tăng sáng, người bệnh chỉ còn đau ở mức 1-2 điểm và ngưng sử dụng morphin.

Một trường hợp đau mạn tính  đang được điều trị giảm đau bằng kỹ thuật kích thích  từ trường xuyên sọ
Một trường hợp đau mạn tính đang được điều trị giảm đau bằng kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ

Nam bệnh nhân V.M.T. (46 tuổi, ngụ Bình Dương) bị đau lưng thấp 5 năm nay do thoái hóa khớp cùng chậu. Anh ngồi chưa đến 30 phút là bị đau, tê lan ở vùng mông nên không ngồi lâu được. Điều này khiến anh không thể làm các việc đơn giản như đưa rước con bằng xe máy.

Hiện nay, anh T. làm công việc văn phòng, hằng ngày phải ngồi xử lý công việc trên máy tính. Bị đau vùng lưng thấp, cùng chậu, hiệu suất lao động của anh cũng ảnh hưởng theo. Chỉ ngồi một lát là anh phải đứng dậy đi lại gây gián đoạn công việc, không kịp hoàn thành đúng thời hạn. Anh T. luôn lo lắng và suy nghĩ về tình trạng đau lưng. Anh sợ mình bị bệnh ác tính dù đã đi nhiều nơi kiểm tra, làm tất cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Bệnh nhân rơi vào trạng trái căng thẳng quá mức dẫn tới rối loạn giấc ngủ, chất lượng sống giảm sút.

Khi tới với Đơn vị Điều trị đau Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, anh T. được tư vấn thực hiện kỹ thuật phong bế thần kinh dưới hướng dẫn của siêu âm. Sau khi điều trị 2 lần/năm (mỗi lần khoảng 30 phút), anh không còn cảm thấy đau nữa. Bác sĩ nhận định rằng sau này, nếu không bị tái phát đau, anh không cần tiếp tục tiêm thuốc phong bế thần kinh nữa. Nếu tái phát, bệnh nhân cũng chỉ cần tiếp tục điều trị nhẹ nhàng bằng thuốc, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu là ổn định.

Bà N.T.K.D. (65 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) đã sống chung với cơn đau đầu mạn tính suốt 3 năm qua. Các loại thuốc giảm đau thông thường không còn mang lại hiệu quả như trước. Bà cảm thấy đau nhức âm ỉ ở vùng thái dương, khó tập trung, mất ngủ triền miên… Sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ, bà quyết định tiến hành giảm đau bằng phương pháp kích thích từ trường xuyên sọ.

Quá trình điều trị diễn ra trong vài tuần. Bà M. cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt. Cơn đau đầu giảm dần, tần suất và cường độ các cơn đau cũng cải thiện đáng kể. Bà ngủ ngon, tỉnh táo hơn, có thể tập trung khi làm việc nhà cũng như các hoạt động yêu thích. Sau một liệu trình điều trị hoàn chỉnh, bà M. không còn bị ám ảnh bởi các cơn đau.

Kỹ thuật không xâm lấn và ít xâm lấn

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Viết Thắng - Trưởng đơn vị Điều trị đau, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, các kỹ thuật quản lý đau mới đã được bệnh viện đưa vào triển khai. Các kỹ thuật kể trên là không xâm lấn và ít xâm lấn, đã được chứng minh về độ an toàn cũng như hiệu quả điều trị. Không ít bệnh nhân dùng nhiều phương pháp giảm đau đều vô hiệu nhưng sau khi được can thiệp bằng một trong những kỹ thuật mới kể trên thì vô cùng hài lòng.

Bệnh nhân đang được điều trị  đau bằng máy Scrambler
Bệnh nhân đang được điều trị đau bằng máy Scrambler

Kỹ thuật thứ nhất là kích thích từ trường xuyên sọ. Dùng dòng điện qua cuộn dây dẫn tạo ra sóng xung từ trường tác động vào từng vùng não tương ứng gây đau mạn tính (đau đầu, đau cơ, đau thần kinh). Sóng từ trường này sẽ kích thích tế bào thần kinh, làm thay đổi chức năng điện thần kinh ở vùng não sinh bệnh, từ đó khiến người bệnh đạt được hiệu quả giảm đau mà không cần xâm lấn.

Kỹ thuật thứ hai là điều trị bằng máy giảm đau Scrambler (máy điều biến thần kinh không xâm lấn). Máy này có những điện cực giả để cạnh tranh với các sợi cảm giác dẫn truyền đau. Lúc này, não sẽ nhận các kích thích dẫn truyền đau của máy Scrambler thay vì nhận các sợi cảm giác dẫn truyền đau của cơ thể. Dần dần não sẽ có cơ chế không bị tác động bởi sóng dẫn truyền đau…

Tiếp đến, kỹ thuật phong bế thần kinh dưới hướng dẫn của siêu âm được coi là phương pháp mới để điều trị giảm đau hiệu quả. Trước đây, kỹ thuật phong bế thần kinh được thực hiện dưới màn huỳnh quang tăng sáng hoặc có sự ảnh hưởng của tia X, tia xạ trên người bệnh (cần phải trang bị phòng mổ, dụng cụ để giảm tia gây hại cho người bệnh). Thế nhưng hiện nay, khi thực hiện kỹ thuật phong bế thần kinh dưới hướng dẫn của siêu âm thì không cần tia X, tia xạ mà chính xác tương đương giống như với màn huỳnh quang tăng sáng. Điều đó giúp giá thành kỹ thuật này rẻ hơn, lại bớt được sự ảnh hưởng của tia X, tia xạ trên người bệnh. Chẳng hạn, với trường hợp đau lưng mạn tính đã được chứng minh điều trị đáp ứng bằng thuốc tê hoặc steroid, có thể thực hiện tiêm thuốc phong bế thần kinh dưới hướng dẫn của siêu âm để thuốc được đưa vào đúng vị trí đau.

Chỉ định và chống chỉ định của các kỹ thuật kiểm soát đau nêu trên cũng được quy định rõ ràng. Máy giảm đau Scrambler hầu hết có thể áp dụng trên các bệnh nhân đau mạn tính ngoại biên. Ví dụ các bệnh nhân đau cơ, đau khớp, đau thần kinh do zona (bệnh giời leo). Giảm đau bằng máy Scrambler còn phù hợp với những người không đáp ứng hoặc dung nạp với thuốc. Rất nhiều bệnh nhân khi uống thuốc giảm đau thì nôn và gặp các tác dụng phụ. Kỹ thuật trên chống chỉ định với những ai đang đặt máy tạo nhịp, có tổn thương ở ngực bên trái (vùng tim).

Ngoài ra, máy điều trị đau kích thích từ trường xuyên sọ bằng sóng cao tần được chỉ định gần như đối với tất cả các loại đau. Phương pháp trên chống chỉ định với người có tiền căn bị co giật, đặt máy tạo nhịp, cấy ốc tai (có cấy ghép, sử dụng thiết bị điện tử trên cơ thể).

Kỹ thuật điều trị đau phong bế thần kinh dưới hướng dẫn của siêu âm chủ yếu được chỉ định trên các bệnh nhân bị đau cổ mạn tính, đau lưng mạn tính, đau thần kinh liên quan mà không đáp ứng với điều trị nội khoa và vật lý trị liệu.

Với những kỹ thuật giảm đau không xâm lấn, số lần trị liệu cần diễn ra nhiều lần hơn. Còn kỹ thuật phong bế thần kinh dưới hướng dẫn của siêu âm (ít xâm lấn) thì hiệu quả ngay từ lần thực hiện đầu tiên.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Hoàng Tuấn Dũng - Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - tác dụng phụ liên quan giảm đau bằng phong bế thần kinh có thể gây chảy máu, nhiễm trùng, yếu liệt, thậm chí tử vong nhưng tỉ lệ các loại tai biến cộng dồn chỉ dưới 1%, tỉ lệ thành công lên tới trên 90%. Như vậy có thể đánh giá đây là phương pháp điều trị đau rất an toàn. U di căn xương cột sống, di căn xương sườn, xương chậu đều có thể áp dụng điều trị giảm đau bằng kỹ thuật phong bế thần kinh dưới hướng dẫn của siêu âm. Đối với điều trị đau không xâm lấn như kích thích từ trường xuyên sọ và máy điều biến thần kinh (Scrambler) thì không ghi nhận tỉ lệ tai biến. Bên cạnh áp dụng điều trị giảm đau, kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ còn dùng để điều trị cho bệnh nhân trầm cảm.

Trâm Anh

Ảnh: M.T.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI