Kỹ thuật mới đẩy lui u máu và bớt sắc tố

18/01/2024 - 16:14

PNO - Chiều ngày 18/1, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã diễn ra buổi lễ công bố triển khai thành công kỹ thuật mới trong lĩnh vực điều trị u máu và bớt sắc tố.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, trước nhu cầu thực tế của bệnh nhân, Bệnh viện đã quyết định ứng dụng công nghệ laser Vbeam Perfecta để điều trị u mạch máu một cách an toàn hơn nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao và ít biến chứng, hạn chế tái phát. 

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh và các bác sĩ Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tại lễ công bố kỹ thuật mới trong điều trị u máu. Ảnh: Thanh Huyền
PGS-TS-BS Lê Thái Vân Thanh (thứ 2 từ phải qua) và các bác sĩ Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tại lễ công bố kỹ thuật mới trong điều trị u máu - Ảnh: Thanh Huyền

Xét ở góc độ y học, u mạch máu rất khó điều trị do liệu trình kéo dài khiến bệnh nhân dễ mệt mỏi dẫn tới bỏ cuộc. Tuy nhiên, khi ứng dụng công nghệ laser Vbeam Perfecta, các trường hợp đều ghi nhận cải thiện rõ rệt cả về diện tích lẫn màu sắc của u mạch ngay sau lần điều trị đầu tiên. 

Đây là một công nghệ laser xung màu với ưu điểm tạo ra năng lượng đỉnh rất cao trong một thời gian rất ngắn. Khi chiếu tia vào da, các xung năng lượng đỉnh cao sẽ làm tổn thương nhiệt chọn lọc mô đích (mạch máu cần tác động) dưới da mà không gây tổn thương các mô xung quanh. Sở dĩ như vậy là do mỗi Vbeam Perfecta gồm 8 vi xung độc lập. Năng lượng trong mỗi xung được phân bố qua các vi xung này, từ đó cho phép lựa chọn năng lượng tổng thể cao hơn và điều trị hiệu quả với ít ban đỏ, thời gian hồi phục ngắn nhất. Chính vì vậy khi áp dụng công nghệ điều trị này, bệnh nhân sẽ hạn chế được tác dụng phụ không mong muốn.

Giáo sư Richard Rox Anderson Chuyên ngành Da liễu Đại học Harvard đang chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm với các bác sĩ Việt Nam. Ảnh: Thanh Huyền.
Giáo sư Richard Rox Anderson Chuyên ngành Da liễu Đại học Harvard đang chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm với các bác sĩ Việt Nam - Ảnh: Thanh Huyền

U mạch máu là bất thường bẩm sinh, xuất hiện sớm sau sinh ở các vị trí dễ thấy như mặt, đầu, cổ, lưng, ngực. Đây là tình trạng tăng sinh quá mức của mạch máu. U mạch máu xuất hiện ở 3% trẻ lúc mới sinh, 10% trẻ trong năm đầu đời (tỉ lệ nữ cao gấp 3 lần nam). Đối với trẻ sinh non, tỉ lệ u máu từ 22% - 30%. Tuỳ vào kích thước, vị trí mà khối u có thể biến dạng, gây ảnh hưởng chức năng cơ thể... Do đó, triển khai thành công kỹ thuật mới điều trị hiệu quả u máu, các bất thường mạch máu đã mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh, giúp họ an tâm, tự tin khi giao tiếp và hoà nhập. 

Tại buổi lễ công bố còn có sự tham dự của Giáo sư Richard Rox Anderson - Chuyên ngành da liễu Trường Đại học Harvard nhằm trao đổi kinh nghiệm, giao lưu và chuyển giao kỹ thuật, giúp các bác sĩ Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cập nhật về công nghệ laser trong điều trị mạch máu.

Ca bệnh điển hình đạt được kết quả thành công khi áp dụng kỹ thuật mới điều trị u máu là bé trai N.V.S. (3 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khối u mạch máu trên trán của bé đã giảm đến 90% về kích thước và màu sắc.

Một bệnh nhân đang được áp dụng kỹ thuật Laser Vbeam Perfecta điều trị tình trạng bất thường mạch máu trên da tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - ẢNH: Q.H.
Một bệnh nhân đang được áp dụng kỹ thuật Laser Vbeam Perfecta điều trị tình trạng bất thường mạch máu trên da tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - ẢNH: Q.H.

Khối u mạch máu (hemangioma) xuất hiện khi bé N.V.S. được 4 tháng tuổi, ban đầu kích thước cỡ bằng đầu đũa, sau đó lớn dần đến đường kính 4cm. Bệnh nhi đã được ba mẹ đưa đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. Ở Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, sau khi kiểm tra, bác sĩ đã quyết định áp dụng liệu pháp điều trị kết hợp kỹ thuật Laser Vbeam Perfecta và bôi thuốc đặc hiệu. Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Quốc Hưng (Khoa Da liễu - Thẩm mỹ của bệnh viện) cho biết đây là kỹ thuật tiên tiến trong việc điều trị các vấn đề bất thường mạch máu. 

Bé đã được điều trị bằng kỹ thuật này 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng. Thuốc bôi được sử dụng hằng ngày nhằm kiểm soát sự phát triển của khối u. Liệu pháp kết hợp này đã đưa đến kết quả khối u mạch máu trên trán của bé S. giảm đến 90% về kích thước và màu sắc.

Bé S. sẽ duy trì tái khám định kỳ trong thời gian tới để đánh giá tình trạng của khối u. Việc duy trì sử dụng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ cũng là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc sau điều trị. Ca bệnh là minh chứng cho sự tiến bộ trong phương pháp điều trị u mạch máu ở trẻ em. 

Một ca bệnh khác về điều trị giãn mạch máu vùng mặt được ghi nhận là chị P.T.T. (39 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre). Trước đây, chị T. sử dụng kem trộn không rõ nguồn gốc trong thời gian rất dài. Người bệnh từng đi khám nhiều nơi nhưng tình trạng không cải thiện.

Bác sĩ Quốc Hưng chẩn đoán chị T. bị giãn mạch máu nghi liên quan tới tác dụng phụ của việc dùng kem trộn. Chị T. được chỉ định áp dụng kỹ thuật Laser Vbeam Perfecta. Chỉ sau 1 lần thực hiện, các mảng đỏ trên da mặt chị T. đã giảm mạnh, kết cấu da theo đó cũng được cải thiện, làn da trở nên đều màu hơn.

Chị T. được khuyến cáo sử dụng các biện pháp chăm sóc da phù hợp, tránh bôi sản phẩm không rõ nguồn gốc và phải dùng kem chống nắng để bảo vệ da. Qua trường hợp này, bác sĩ muốn nhấn mạnh hậu quả của việc sử dụng mỹ phẩm trôi nổi đã gây ảnh hưởng xấu tới mạch máu da mặt. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI