Kỹ thuật mổ nội soi mới cho người mắc bệnh lý cột sống

25/06/2023 - 07:22

PNO - Bệnh lý cột sống là vấn đề sức khỏe gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống, hiệu quả lao động của nhiều người. Trong một số trường hợp, người bệnh bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật mới có thể trở lại với sinh hoạt thường nhật. Tuy nhiên, mọi người vẫn rất băn khoăn khi phải phẫu thuật và không phải ai cũng có đầy đủ thông tin về những kỹ thuật mổ cột sống để đưa ra sự lựa chọn phù hợp.

 

Thừa cân cũng là một trong những nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm - Ảnh: Internet
Thừa cân cũng là một trong những nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm - Ảnh: Internet

Người trẻ cũng bị thoát vị đĩa đệm

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Anh - Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết đơn vị mình đang triển khai rất hiệu quả một kỹ thuật phẫu thuật cột sống mới: nội soi 2 cổng. Mặc dù đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới nhưng ở Việt Nam hiện chưa nhiều cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật này. Bệnh viện Đại học y dược TPHCM là một trong nhưng nơi áp dụng kỹ thuật mổ nội soi 2 cổng cột sống đầu tiên ở Việt Nam. 

Anh N.T.Đ. (20 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) là một trong những bệnh nhân vừa được điều trị cột sống thành công bằng kỹ thuật nội soi 2 cổng. Khoảng 1 tháng nay,  anh Đ. bị đau lưng lan xuống chân trái. Anh cho biết mình bị đau như vậy do tập thể thao sai tư thế. Cơn đau nặng tới mức bệnh nhân không thể đi lại. Anh Đ. đã đi điều trị ở nhiều nơi, có sử dụng nhiều loại thuốc giảm đau nhưng không hiệu quả.

Sau đó, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM. Tại đây, bệnh nhân được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, kết quả xác định bị thoát vị đĩa đệm L4 L5 nặng, rách bao xơ. Sau khi được tư vấn, bệnh nhân quyết định chọn phương pháp phẫu thuật nội soi 2 cổng để lấy nhân đệm. Ca mổ diễn ra trong khoảng 40 phút. Sau ca mổ, bệnh nhân hết đau và bắt đầu được hướng dẫn tập vận động ngay trong ngày. Anh Đ. được xuất viện vào ngày hôm sau, giảm chi phí nằm viện và trở lại cuộc sống bình thường nhanh hơn so với kỹ thuật mổ cột sống truyền thống.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Nhựt Linh - Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết thêm rằng hiện tại, bệnh viện vẫn tiến hành song song 2 kỹ thuật mổ điều trị bệnh lý cột sống là vi phẫu (mổ dưới kính hiển vi) và mổ nội soi 2 cổng. 2 kỹ thuật này có chi phí điều trị tương đương nhau nhưng mổ nội soi 2 cổng tối ưu hơn, đặc biệt ở chỗ đường mổ nhỏ (đường mổ của kỹ thuật nội soi 2 cổng khoảng 6mm còn đường mổ dưới kính hiển vi khoảng 2cm). 

Phẫu thuật nội soi cột sống mang lại nhiều ưu điểm so với các phương pháp mổ mở trước đây như giảm mất máu trong mổ, ít tổn thương mô xung quanh, thời gian mổ ngắn hơn, rút ngắn thời gian nằm viện. Không những thế, những bệnh nhân mổ bằng kỹ thuật mới sẽ hồi phục nhanh hơn, tỉ lệ thành công của ca mổ cao hơn, tỉ lệ tai biến thấp hơn so với phương pháp cũ. Bên cạnh đó, do vết mổ rất nhỏ nên bệnh nhân hài lòng về tiêu chí thẩm mỹ, sẹo rất mau lành. Những người sử dụng kỹ thuật mổ nội soi 2 cổng điều trị bệnh lý cột sống nhanh chóng trở lại với sinh hoạt thường nhật.

 

Các bác sĩ của Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đang tiến hành phẫu thuật nội soi 2 cổng cho một bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm - Ảnh: M.T.
Các bác sĩ của Bệnh viện Đại học y dược TPHCM đang tiến hành phẫu thuật nội soi 2 cổng cho một bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm - Ảnh: M.T.

Thoát vị sau bên và trung tâm dễ dàng được loại bỏ bằng phương pháp mổ hở. Tuy nhiên, nếu thoát vị di trú lên cao/xuống thấp hoặc thoát vị ở lỗ liên hợp và ngoài lỗ liên hợp áp dụng phương pháp mổ hở cần cắt bỏ nhiều xương và phần mềm mới bộc lộ được khối thoát vị. Khi tiến hành phẫu thuật nội soi sẽ dễ dàng lấy được khối thoát vị mà không phải hy sinh xương và phần mềm như mổ bằng cách truyền thống.

Ngoài ra, kỹ thuật mổ nội soi 2 cổng rất an toàn đối với các cấu trúc thần kinh khi thao tác. Dưới hình ảnh của ống kính nội soi, mọi thứ được phóng đại rất nhiều lần sẽ giúp phẫu thuật viên phân biệt rõ ràng với các cấu trúc khác như đĩa đệm, mạch máu. Nhờ thế, bác sĩ thao tác chính xác và an toàn hơn, tránh tổn thương không đáng có trong quá trình phẫu thuật.

Khi nào nên dùng kỹ thuật mổ nội soi 2 cổng?

Vì sao kỹ thuật mổ nội soi 2 cổng cột sống ưu việt là thế, chi phí lại tương đương với kỹ thuật vi phẫu mà bệnh viện lại vẫn duy trì cả hai loại kỹ thuật này? Bác sĩ Nhựt Linh giải thích rằng đối với những trường hợp đĩa đệm bị xơ hóa đóng vôi to hơn 1cm hay trong một số trường hợp hy hữu khiến mổ nội soi thất bại thì trên đường mổ nội soi, phẫu thuật viên sẽ rạch để tiến hành vi phẫu. Vì đường mổ của nội soi chỉ dưới 1cm nên khá khó khăn để lấy được những cục xơ hóa đóng vôi trên 1cm. 

Hiện nay, mỗi tuần, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM ghi nhận từ 3-5 trường hợp có chỉ định mổ cột sống. Tính đến nay, bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật nội soi 2 cổng cột sống cho 150 ca. 

Đối tượng phù hợp với kỹ thuật mổ nội soi 2 cổng là các trường hợp được chẩn đoán bị các bệnh lý về cột sống từ cổ, ngực, lưng đã điều trị nội khoa kèm tập vật lý trị liệu từ 6-8 tuần nhưng thất bại như: 
- Thoát vị đĩa đệm
- Trượt đốt sống
- Hẹp ống sống 
- Vẹo cột sống thoái hóa
- Dày dây chằng vàng
- Cốt hóa dây chằng dọc sau
- Phì đại khối khớp
- U tủy sống
- U di căn cột sống 
Cụ thể như người bị thoát vị đĩa đệm sau 1-2 tháng điều trị nội khoa và tập vật lý trị liệu nhưng vẫn tiếp tục bị tê theo rễ thần kinh, yếu chân, đại tiện và tiểu tiện khó sẽ được tư vấn để can thiệp ngoại khoa. 
Kỹ thuật mổ nội soi 2 cổng cân nhắc chỉ định trong các trường hợp mất vững cột sống, kèm theo gãy cột sống hoặc cục thoát vị đĩa đệm bị vôi hóa có kích thước to. Các bệnh nhân có chỉ định mổ nội soi 2 cổng cột sống sẽ được tư vấn, làm các xét nghiệm kiểm tra theo quy trình tương tự trước một cuộc mổ thông thường. 

Ai dễ bị thoát vị đĩa đệm?

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị lệch, trượt khiến cho phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài gây chèn ép đến dây thần kinh và tủy sống ở khu vực gần đó. 2 dạng thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Tùy thuộc vị trí đĩa đệm bị thoát vị, người bệnh sẽ có những biểu hiện như đau nhức hay bỏng rát, tê hoặc ngứa râm ran, yếu cơ khiến khó cầm nắm đồ đạc… Một số trường hợp thoát vị đĩa đệm không có triệu chứng khiến cho việc phát hiện bệnh chậm trễ, điều trị bệnh khó khăn hơn. Thoát vị đĩa đệm có thể do nhiều nguyên nhân như thoái hóa, người làm công việc phải ngồi quá lâu (làm việc văn phòng), chấn thương do tai nạn, nằm ngủ sai tư thế, thừa cân béo phì (cột sống phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng của cơ thể), bê đồ nặng, ít vận động…
Khi gặp phải các triệu chứng như trên, hãy đi khám để được phát hiện bệnh kịp thời. Tại bệnh viện, ngoài kiểm tra lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phù hợp như điện cơ đồ, khảo sát dẫn truyền thần kinh, chụp X-quang, CT-scan, cộng hưởng từ MRI nếu cần thiết. Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm, mọi người nên giữ thói quen vận động lành mạnh, nằm ngồi đúng tư thế và không nên gắng sức bê vác đồ nặng.

Thanh Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI