Kỳ thị và tình nguyện, những mảng màu mùa COVID-19

20/03/2020 - 08:17

PNO - 700 sinh viên ngành y, 280 bác sĩ về hưu đã tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch. 1.000 tiếp viên đang thay phiên bay trên các vùng trời, hàng chục khách sạn, resort cùng nhân viên của họ ở các tỉnh, thành sẽ bước lên phía trước trong cuộc chiến chống dịch giai đoạn mới. Vậy nhưng, cũng chính họ đang đối mặt với sự kỳ thị. Dịch bệnh khiến sự ích kỷ lộ dần…

 

Một chuyến bay vào vùng dịch mà phi hành đoàn phải bảo hộ từ đầu tới chân
Một chuyến bay vào vùng dịch mà phi hành đoàn phải bảo hộ từ đầu tới chân

Tiếp viên hàng không sợ làn sóng kỳ thị

Sau khi có hai ca dương tính với COVID-19 là tiếp viên hàng không và một ca là hướng dẫn viên du lịch, không ít lời thóa mạ đã hướng sang các ngành nghề này. Anh Phan Ngọc Linh - Đoàn trưởng Đoàn Tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) - chia sẻ với báo chí rằng, sự kỳ thị của xã hội đối với các tiếp viên bị nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 khiến cuộc sống, sinh hoạt của họ và gia đình bị đảo lộn.

Anh Lê Chí - một tiếp viên hàng không - cũng bày tỏ cảm giác cô đơn khi kéo va-li ra khỏi nhà giữa đêm để chuẩn bị bay vào vùng dịch. Nhìn mẹ lo lắng đóng cửa, xóm làng đi ngủ, anh đã bật khóc vì quá tủi thân. Trước đó, anh từng nghĩ tới việc nếu mình trở thành ca nhiễm COVID-19, tên mình sẽ xuất hiện trên các dòng tin, cộng đồng sẽ nhảy xổ vào mắng chửi anh như một kẻ mang dịch bệnh về. Trong phút hoang mang, anh định bấm cuộc gọi báo ốm để xin nghỉ, nhưng liền đó, anh nghĩ, nếu mình không làm thì ai làm, thế là anh lại đi.

Anh cầu khẩn: “Một ngày, tiếp viên chúng tôi phải đeo khẩu trang 14 giờ, đến mức tối về tháo ra là nôn thốc nôn tháo vì nhức đầu. Chúng tôi đang phải mạo hiểm hằng ngày và đánh vật với tử thần để đưa hành khách về với quê hương hay đi lánh dịch. Cho nên, xin mọi người hãy ngừng xúc phạm và thông cảm cho chúng tôi, vì chúng tôi cũng đã cố hết sức rồi”.

Vậy nhưng, sau chuyến bay dài mệt mỏi, không ít nhân viên hàng không về căn hộ thuê ngỡ ngàng thấy thông báo “không được vào”. Hai tiếp viên của một hãng hàng không Nhật Bản sau khi thực hiện chuyến bay tới Việt Nam đã bị ban quản lý khu chung cư yêu cầu rời đi và không cho lưu trú tại căn hộ đã thuê. 

Cộng đồng tiếp viên đang dậy sóng vì văn bản thông báo không tiếp nhận tiếp viên và hướng dẫn viên du lịch của tòa nhà S.G. do Tập đoàn S. quản lý. Theo bản thông báo, ban quản lý tòa nhà không kiểm soát được lịch trình của tiếp viên hàng không và hướng dẫn viên du lịch nên từ ngày 17/3, đề nghị các chủ căn hộ homestay từ chối nhận khách thuê dài hạn, ngắn hạn làm các nghề này.

Văn bản mang tính kỳ thị này đang khiến cộng đồng tiếp viên hàng không phẫn nộ
Văn bản mang tính kỳ thị này đang khiến cộng đồng tiếp viên hàng không phẫn nộ

Trên mạng xã hội Facebook, chị Anh Anna phẫn nộ: “Chúng tôi - những tiếp viên hàng không nói chung và tiếp viên hãng Vietnam Airlines nói riêng - đang thực hiện sứ mệnh mà chúng tôi tự hào trong đại dịch này, đó là phục vụ cho nhân dân và đất nước. Những người suy nghĩ và viết ra bản thông báo này đang tự cho mình cái quyền quá lớn để yêu cầu chủ hộ không cho phép tiếp viên hàng không và hướng dẫn viên du lịch thuê căn hộ. Đề nghị quý vị nghiêm túc đọc luật có liên quan”. 

Dịch bệnh càng vào giai đoạn khó khăn, càng thử thách lòng người. Ngay lúc này, 600 nhân viên ngành hàng không đang thực hiện việc cách ly. Phía sau đó là 600 gia đình tạm không có người trụ cột, là những đứa trẻ, người già phải tự xoay xở ở nhà. Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, con số thiệt hại do dịch COVID-19 của ngành hàng không Việt Nam tính tới nay khoảng 30.000 tỷ đồng. Mới đây, các tiếp viên Vietnam Airlines đã đồng loạt tự nguyện không nhận lương chức danh (khoảng 1/4 tới 1/3 thu nhập) để chia sẻ khó khăn với nhà quản lý. Một nửa số tiếp viên vẫn luân phiên nhau di chuyển trên bầu trời để làm các nhiệm vụ của Nhà nước như đưa người nước ngoài đi và đón công dân Việt Nam về nước. 

Nếu có kiến thức và lương tri, phải hiểu rằng, chính những người đang làm các công việc nguy hiểm ở sân bay, bến xe, tàu hỏa, cơ sở y tế… đang tạo nên rào chắn bảo vệ bạn và gia đình được bình yên. Đối lập với nhóm người hành xử bạc bẽo, cộng đồng đang dành tình cảm biết ơn và có những hành động tiếp sức cho họ.

Mùa tình nguyện sôi nổi của ngành y

Ngành y đang căng sức không chỉ ở các bệnh viện, khu cách ly y tế, các dịch vụ vận chuyển người nghi nhiễm 
vi-rút… Các nhà ga hàng không hiện đang quá tải ở khâu giám sát y tế do lượng khách nhập cảnh quá đông. Để giải quyết tình trạng này, cần rất nhiều nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm và thực hiện các công việc liên quan như xét nghiệm, xác minh ca bệnh…

Trong các ngành học của trường y, lâu nay, ngành y tế cộng đồng được xem là khá lặng lẽ, nhưng trong mùa dịch này, sinh viên bỗng thành những điểm tựa tinh thần. Lãnh đạo Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội cho biết, có 600 sinh viên năm thứ tư của Trường đại học Y tế Công cộng đang rất mong muốn chung sức trong công tác đẩy lùi dịch bệnh và chỉ chờ được chấp thuận là lên đường. 

Trước đó, 100 sinh viên Trường đại học Y Hà Nội cùng 15 cán bộ đã lên đường ra sân bay Nội Bài làm nhiệm vụ chống dịch. Lãnh đạo TP.Hà Nội cho biết, nếu số mắc bệnh lên đến mức trên 500 ca, sinh viên của hai trường cao đẳng y tế Hà Nội và Hà Tây cũng sẵn sàng tiếp sức chống dịch. 

Sinh viên năm cuối Trường đại học Y Hà Nội tham gia phòng, chống dịch COVID-19 ẢNH: NAM KHÁNH
Sinh viên năm cuối Trường đại học Y Hà Nội tham gia phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: Nam Khánh

Trong một cuộc chiến, khi những người khác lùi về phía sau vì sợ hãi, rất cần những người dũng cảm tiến lên. Tình nguyện ra tuyến đầu tức là chấp nhận vất vả, khó khăn cùng rủi ro dịch bệnh. Nhưng tình nguyện không có nghĩa là lao vào nguy hiểm một cách mù quáng. Họ phải được trang bị kiến thức, được huấn luyện về phòng dịch và buộc phải tuân thủ các quy tắc y tế. Đó là lý do 280 bác sĩ, y tá hưu trí đăng ký tình nguyện phục vụ mùa dịch. Họ đều hiểu mình là đối tượng dễ rơi vào nguy hiểm khi mắc COVID-19 bởi đã có tuổi. Nhưng ý thức nghề nghiệp, lương tâm thầy thuốc khiến họ không thể ngồi yên. Những người dày dạn kinh nghiệm này sẽ là những điểm tựa vững chắc cho sinh viên ngành y.

Những ngày này, thông tin từ các tỉnh, thành cũng liên tiếp báo có thêm các khách sạn, cơ sở lưu trú tình nguyện tham gia chống dịch. TP.HCM hiện có 7 khách sạn, resort ở H.Cần Giờ ngừng nhận khách thông thường để trở thành điểm cách ly y tế chất lượng cao. Hàng chục khách sạn khác với số phòng ốc tiêu chuẩn đã đăng ký để sẵn sàng chuyển đổi công năng khi chính quyền cần.

Nhiều chủ khách sạn đã động viên nhân viên, để khi đưa vào sử dụng, đội ngũ nhân viên cũng tình nguyện phục vụ khách. Nghĩa là, sẽ có hàng chục ngàn người ở các bộ phận của ngành dịch vụ du lịch sẽ tham gia trận chiến chống COVID-19. Tuy vậy, những nhân viên đó sẽ phải về khu phố, nhà trọ của mình như thế nào để không bị xa lánh, kỳ thị? Đó cũng là điều nên tính toán thật kỹ để tránh các xáo trộn xã hội.

Nhìn từ kinh nghiệm của Vũ Hán, khi thành phố đóng cửa, hàng loạt dịch vụ giao thông, giao nhận hàng hóa tê liệt, hàng ngàn tình nguyện viên là các sinh viên, trí thức, shipper, người nội trợ… đã lên đường để chở bác sĩ tới nơi làm việc, giao nhận và chuyên chở vật tư y tế, thực phẩm cho các cơ sở. 

Từ thực tế người dân tiếp tế nhu yếu phẩm cho các khu cách ly hiện tại, chúng ta lạc quan tin rằng, các tỉnh, thành cũng sẽ có các hội đoàn, tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia tiếp sức như thế. Sẽ không hề sớm nếu tính tới bài toán chăm lo chỗ ở riêng cho lực lượng tình nguyện. Giải quyết được điều này, sẽ ổn cả khâu kiểm soát dịch lẫn nỗi lo kỳ thị. 

Hoàng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI