Kỳ thi tuyển sinh 10 TPHCM năm 2023 ổn định như năm 2022

14/02/2023 - 15:45

PNO - Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023 giữ ổn định như năm 2022. Thí sinh sẽ dự thi 3 môn: văn, toán, ngoại ngữ. Cấu trúc đề thi không thay đổi…

Môn toán: 30% vận dụng, vận dụng cao

Ông Dương Bửu Lộc - chuyên viên môn toán, Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, đề thi môn toán kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng vẫn giữ tính ổn định như năm 2022. Đề thi giữ nguyên cấu trúc, mức độ kiến thức với 70% nhận biết, thông hiểu; 30% vận dụng, vận dụng cao. Cấu trúc đề gồm 8 câu, trong đó 7 câu là kiến thức cơ bản và 1 câu hình học phẳng. Thời gian làm bài 120 phút.

Trong đó, câu 1, 2 là kiến thức quen thuộc về đồ thị, định lý Viet, điều kiện có nghiệm của phương trình. Câu 3, 4, 5, 6, 7 là các bài toán vận dụng kiến thức đã học trong chương trình giải các bài toán liên quan đến thực tế. Trong đó sẽ có 1-2 câu ở mức nâng cao. Câu 8 là bài toán hình học phẳng gồm 3 bài toán nhỏ. Trong đó 2 bài ở mức độ cơ bản, 1 bài mang tính phân hóa cao.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM năm 2023 giữ ổn định như năm 2022
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM năm 2023 giữ ổn định như năm 2022

Theo ông Dương Bửu Lộc, học sinh thường gặp khó với bài toán thực tế do gặp khó khăn khi đọc hiểu, khó hình dung, liên hệ với các vấn đề thực tế cuộc sống như lãi suất tiền gửi, thể tích, chu vi… Do vậy trong quá trình học, ngoài nắm các kiến thức toán học, học sinh cần rèn luyện thêm các hiểu biết về kiến thức thực tế.

“Khi giải bài toán thực tế, học sinh đưa về phương trình/hệ phương trình, vận dụng kiến thức số học để tính toán…”- ông Lộc nói. 

Môn tiếng Anh: Tập trung vào từ vựng, phân hoá ở phần đọc hiểu và viết lại câu

Ông Trần Đình Nguyễn Lữ - chuyên viên môn tiếng Anh, Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, đề thi môn tiếng Anh kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023 sẽ nhẹ nhàng, ổn định như trong kỳ tuyển sinh năm trước. Kiến thức không thoát ly ngoài sách giáo khoá và nằm chủ yếu trong chương trình tiếng Anh lớp 9. Các phần kiến thức, chủ đề, chủ điểm, từ vựng trong đề thi đều quen thuộc với học sinh và nằm trong chương trình đã được học. Đề thi sẽ mang tính phân hóa để phân luồng học sinh.

Cấu trúc đề thi gồm 40 câu (0,25 điểm/câu) với thời gian làm bài thi 90 phút. Trong đó chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, nâng cao chỉ chiếm từ 10-15%. Các câu hỏi phân hoá sẽ tập trung ở phần đọc hiểu và viết lại câu.

Chuyên viên này khẳng định, trong đề thi phần ngữ pháp hết sức nhẹ nhàng, chủ yếu tập trung vào từ vựng, hướng tới kiểm tra kỹ năng làm bài của học sinh. Khi học, học sinh không nên ôm đồm quá nhiều ngữ pháp, mà cần có sự cân đối, hài hoà, tập trung nhiều vào phần từ vựng, tăng cường rèn các dạng bài để hình thành kỹ năng, đọc nhiều bài đọc để ghi nhớ từ vựng.

Thí sinh cần chú trọng phân bổ thời gian học ở các môn
Thí sinh cần chú trọng phân bổ thời gian học ở các môn

“Quá trình làm bài thi mọi năm, học sinh thường mất điểm ở các phần mà các em phải tự viết do viết sai nhiều như word forms, sentence transformation. Do vậy, trong quá trình học và ôn, học sinh cần chú ý để hạn chế thấp nhất những lỗi sai này”- ông Lữ thông tin thêm.

Môn Ngữ văn: Độ mở của đề sẽ cao

Ông Trần Tiến Thành - chuyên viên môn Ngữ văn, Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, đề thi môn Ngữ văn trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM năm 2023 không thay đổi so với năm trước. Đề thi gồm 3 phần Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm), với thời gian làm bài 120 phút. Dù vậy, năm nay đề thi sẽ có “độ mở” cao…

Ở phần đọc hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản văn học, văn bản khoa học,... Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu hỏi về tiếng Việt.

Phần nghị luận xã hội yêu cầu học sinh viết bài văn khoảng 500 chữ về vấn đề nghị luận. Cần đảm bảo cấu trúc bài nghị luận có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

Phần nghị luận văn học: Học sinh được lựa chọn 1 trong 2 đề để làm bài. Đề 1: Yêu cầu học sinh tự chọn một tác phẩm thuộc chủ đề đề cho, cảm nhận tác phẩm và chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.

Đề 2:  Đề thi đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống ấy.

Ông Trần Tiến Thành nhấn mạnh, định hướng đề thi tuyển sinh môn Ngữ văn năm nay sẽ có “độ mở” cao. Học sinh cần tập trung rèn luyện kĩ năng và tích luỹ kiến thức để thực hiện tốt nhất các yêu cầu của đề…

Quốc Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI